"Không có môn thể thao nào tồi tệ hơn quần vợt"
Kasatkina, và cô bạn đời Natalya Zabiyako, hiện đang tự điều hành một blog cá nhân ở trên YouTube, lên là Zabiiako & Kasatkina, chuyên đăng tải những video thú vị về những chuyến hành trình thi đấu chuyên nghiệp ở trong năm 2023 của tay vợt nữ người Nga.
Nếu mà các CĐV hâm mộ - cả giới mộ điệu - truy cập trang blog này, họ sẽ có cơ hội được nghe, được thấy những trải nghiệm đau khổ, và “như bị tra tấn” của Kasatkina trong chuyến hành trình “nuôi sống bản thân” và tìm kiếm vinh quang.
Mới đây, đoạn video dài đến 40 phút, mang tên là: “Bài phát biểu đau lòng của Dasha (đây là tên thân mật của Kasatkina), lột tả những cực khổ, chật vật mà các tay vợt chuyên nghiệp phải đối mặt phía sau những trận đấu mãn nhãn, ánh hào quang và tiền thưởng.
Kasatkina chia sẻ rất dài ở trong đoạn video kể câu chuyện mới nhất của mình: “Chúng tôi bay đến Beijing để tham dự giải đấu tại đây. BTC người ta sẽ ra đón bạn, nhưng người ta chỉ đón bạn ở một sân bay duy nhất vốn đã được quy định. Thật mệt mỏi”.
“Thật đó, tôi mới vừa thi đấu xong ở Tokyo hồi tối hôm qua. Tôi không thể bay ngay sang Trung Quốc trong cùng một buổi tối. Tôi chỉ có thể bay vào sáng hôm sau, lúc 10 giờ. Tất nhiên tôi phải bay sớm để tranh thủ lịch tập luyện, vì có thể tôi sẽ thi đấu ngay vào ngày mai”.
“Để cho kịp lịch trình, tôi cần phải bắt chuyến bay ngay tức thì đến địa phương khác, mà ở đó lại không có người của BTC ra đón. Quy định là họ chỉ đón bạn ở một sân bay đã được định sẵn sơ mà”.
“Đơn giản là, tôi quá thể mệt mỏi, thành thật phải nói là như vậy. Tự bản thân của quần vợt là thứ đơn giản nhất mà chúng tôi làm. Mọi thứ còn lại, đơn giản chỉ là rác rưởi. Tôi không thể đi đây đi đó nhiều hơn nữa. Tôi không thể mãi đóng gói hành lý của mình”.
Kasatkina và cô bạn gái phải liên tục di chuyển để thi đấu |
“Những chuyến bay này, những chuyến hành trình này, đến những nơi mà bạn không thể kết nối cùng với mọi người từ các quốc gia khác. Bạn phải liên tục thay đổi giường ngủ, rồi đóng gói hành lý, giỡ túi xách mỗi tuần. Tôi không thể làm chuyện này nữa rồi”.
“Cơ thể vừa gửi cho tôi những thông điệp quái quỷ. Tôi đang bị viêm họng lần thứ 3 trong vòng 1 tháng rưỡi, và nói chung, tình trạng này thật không thể hiểu nổi. Từ quan điểm lên kế hoạch cho cuộc sống, không có môn thể thao nào tồi tệ hơn thế này. Quá thể”.
Bay liên tục, di chuyển thường xuyên
Những chuyến bay liên tục và thường xuyên phải di chuyển từ nơi này sang nơi khác, nhìn chung là vấn đề rất lớn với các tay vợt chuyên nghiệp. Với tốp 100 tay vợt hàng đầu thế giới, tính trung bình, họ tham dự 25 giải đấu hàng năm (đã tính cả ATP Tour lẫn WTA Tour).
Họ di chuyển hầu như là khắp nơi ở trên thế giới. Mùa giải thưởng bắt đầu tại Australia, châu Úc, sau đó di chuyển đến Trung Đông, rồi lan sang Bắc Mỹ, rồi bay đến châu Âu, rồi lại quay trở ngược về với Bắc Mỹ, chuyển sang châu Á và chuyển về kết thúc ở châu Âu.
Đó là lịch trình “mơ ước” dành cho các phượt thủ, những người đam mê du lịch, những kẻ sống nhờ các blog chuyên về khám phá - hành trình và phiêu lưu đến khắp mọi mình của thế giới. Nhưng với các tay vợt, họ không có thời gian khám phá và du hàng.
Kasatkina đã tham dự 26 giải đấu WTA Tour trong suốt 10 tháng vừa qua. Con số vẫn chưa dừng ở đó, vì mùa giải chưa kết thúc. Nhưng cô không phải người di chuyển/thi đấu nhiều nhất... Người đi và chơi bóng ở nhiều địa phương nhất lại là một người khác.
Kasatkina đã tham dự 26 giải đấu trong mùa |
Réka Luca Jani, tay vợt nữ 32 tuổi người Hungary, hiện xếp hạng 313 thế giới, mới là người "chăm chỉ nhất". Cô gái quê ở Siofok, từng vươn lên vị trí 104 trên Bảng điểm của WTA đã chơi 40 giải đấu trong mùa, nhưng vẫn khó cải thiện thứ hạng của mình.
Ở trong tốp 100 thế giới, phải kể đến tên của Maria Tatjana, tay vợt năm nay đã 37 tuổi người Đức. Cô này đang xếp hạng 57 thế giới. Tatjana tham dự 37 giải đấu mùa này, trong đó có 5 giải đấu ở châu Á, nơi cô không vượt quá vòng 3. Cô đi thi đấu cùng... 2 con của mình.
Trong số các tay vợt thuộc tốp 10, Caroline Garcia thi đấu/di chuyển nhiều nhất. Cô đã tham dự 28 giải đấu tính đến thời điểm này của năm. Nhưng mà cô sẽ sớm văng khỏi tốp 10 khi điểm số mà cô tích lũy hồi năm ngoái, đặc biệt là ở WTA Finals (nơi cô vô địch), hết hạn.
Cựu tay vợt nữ người Mỹ từng xếp hạng 24 thế giới, cô Christina McHale, tiết lộ rằng, cô bay hơn 106 ngàn km mỗi năm và phải trải qua 90 tiếng đồng hồ sống ở trên không trung. Thời gian này không liên quan đến quãng chờ đợi vật vờ ở các sân bay.
Thậm chí, cô còn chưa tính đến thời gian đi xe ô tô từ sân bay về tới khách sạn, địa điểm tổ chức thi đấu. Có một vài nơi rất đặc thù, BTC không tổ chức cho các tay vợt di chuyển mà họ phải tự thuê và lái xe. Ví dụ đi từ Los Angeles về Indian Wells... mất 3 tiếng đồng hồ.
Tự thân vận động
Trong các môn thể thao chuyên nghiệp khác, các VĐV thường di chuyển theo đội (các môn thể thao đồng đội như bóng đá, bóng rổ), dù chỉ là môn thể thao cá nhân, họ cũng có cả đội đi theo tháp tùng (như trong quyền Anh, MMA...)
Nhưng các tay vợt phải tự di chuyển, tự tổ chức các chuyên đi của mình. Không phải ai cũng nổi tiếng và nhiều tiền như Roger Federer, Rafael Nadal, để có đội hỗ trợ, có cả nhà quản lý chăm lo tất cả mọi việc khác.
Kasatkina thường đi với bạn gái của mình, chỉ 2 người bọn họ đi khắp các nơi tổ chức các giải đấu. Nhờ di chuyển nhiều, Kasatkina biết nhiều thông tin về các đại lý bán vé du lịch, nơi họ liên lạc sẽ nhận được mức giá ưu đãi và linh hoạt.
Kasatkina và bạn gái di chuyển cùng nhau |
Với riêng bản thân “Mỹ nhân Ukraine”, cô Elina Svitolina, cô không hề e ngại chi tiêu cho các chuyến bay của mình. Svitlona thường ngồi hạng thương gia cho những chuyến bay đường dài, cô gọi đó là khoản đầu tư cho bản thân, vì ngồi ghế phổ thông thời gian dài sẽ rất mệt.
Một số vấn đề khác cũng gây khó khăn cho các tay vợt khi thi đấu ở Bỉ, ở Đức hay cả ở Mỹ: Nhầm lẫn về địa điểm thi đấu. Các vấn đề bay đến nhầm nơi đã nhiều lần phát sinh, ví dụ như địa danh Halle có đến 4 địa phương mang tên này ở Đức và 1 nơi mang tên này ở Bỉ. Ở Mỹ có nhiều thành phố/bang có tên rất giống nhau.
Mệt mỏi vì chuyển đổi múi giờ
Rất nhiều người gặp khó khăn khi phải chuyển đổi múi giờ, thích nghi với các điều kiện khí hậu khác nhau khi bay từ địa điểm này sang địa điển khác, và đặc biệt là khi bay từ châu Âu đến với châu Á.
Tay vợt nữ kỳ cựu người CH Czech, cô Petra Kvitova từng nói về chuyện này: “Tôi thích dậy sớm nhưng ở Trung Quốc điều này là không thể. Tôi không thể ngủ sớm và do vậy, không thể thức dậy sớm vào buổi sáng. Chuông báo thức reo lúc 9 giờ 30, nhưng tôi lại có cảm giác như mình mới dậy lúc 5 giờ sáng. Tôi cần thời gian để thích nghi”.
Samantha Stosur thì kể về chuyến hành trình từ California đến Florida, nơi mà mọi người đã từng bay: “Sự chênh lệch múi giờ thật sự chỉ có 3 tiếng đồng hồ. Nhưng bạn phải di chuyển suốt ngày, và rất khó thức dậy vào buổi sáng. Theo quan điểm của tôi, đó là rối loạn giấc nhủ múi giờ tệ hại nhất”.
Kasatkina tranh thủ ngủ tại sân bay |
Các triệu chứng thường thấy khi các tay vợt bị rối loạn giấc ngủ do khác biệt múi giờ là: Cảm giác mệt mỏi liên tục, mất khả năng tập trung, cảm giác là khó chịu, thay đổi tâm trạng đột ngột, gặp vấn đề với dạ dày.
Với họ, quần vợt vừa là cần câu cơm, vừa là nơi tích lũy vinh quang, nhưng mà cũng là ngành nghề hành xác!
Rất nhiều tay vợt cũng phàn nàn rằng, mùa giải quần vợt chuyên nghiệp quá dài, và họ khó lòng cống hiến hết sức lực vào cuối mùa khi tất cả mệt mỏi cùng tích tụ lại trong một thời điểm duy nhất.
Đối với các tay vợt nữ, mùa giải kết thúc vào tháng 11. Đối với các tay vợt nam, mùa giải chỉ kết thúc vào tháng... 12. Nhưng mùa giải mới đã bắt đầu ngay ở tháng Giêng năm sau, thậm chí, vài giải đấu năm mới còn khai diễn vào những ngày cuối của năm cũ.