Huấn luyện viên Philippe Troussier vừa quyết định bổ sung 4 cầu thủ từ đội U20 cho đội U22, trong đó có 2 cái tên quen thuộc là Nguyễn Văn Trường và Khuất Văn Khang - Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất của Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam 2022.
Gọi là triệu tập lên U22, chứ thực ra, với Văn Khang và Văn Trường, họ chỉ “trở lại” nơi thuộc về, bởi năm ngoái họ đã là thành viên U23 thi đấu thành công ở vòng chung kết giải châu Á. Đấy là chưa kể, họ cũng đã được HLV Park Hang-seo triệu tập lên tuyển quốc gia thi đấu giao hữu ở Cúp Tam hùng Hưng Thịnh hồi tháng 9 năm ngoái.
Có thể thấy, về mặt tài năng, 2 cầu thủ nói trên đã khẳng định được mình trong 2 năm qua. Nhưng sự lận đận của họ là rất đáng suy nghĩ. Số lượng trận đấu mà họ chơi trong màu áo CLB Viettel hay CLB Hà Nội không nhiều, dù về tuổi, họ không phải là quá trẻ.
Khuất Văn Khang có lẽ là trường hợp duy nhất đoạt giải “Cầu thủ trẻ xuất sắc” khi không được chơi bóng thường xuyên ở V-League, đó thực sự là điều đáng tiếc bởi một ứng viên khác là Nguyễn Phi Hoàng ít hơn Văn Khang 1 tuổi nhưng đã chơi gần 20 trận V-League 2022 cho SHB Đà Nẵng.
Sự có mặt của các cầu thủ nói trên ở đội U20 hay U22 sẽ bổ sung chất lượng cho các đội tuyển này, nhưng xét về lý thuyết, một khi họ đã từng khoác áo đội tuyển quốc gia thì việc phải quay lại để đá cho các tuyển U là điều không nên. Sự vắng mặt của họ có thể tác động đến thành tích các đội U, nhưng xét về lâu dài thì không có vấn đề gì đáng lo cả.
Ví dụ như tại giải U19 châu Á 2018, HLV Hoàng Anh Tuấn không triệu tập 2 ngôi sao của U23 là Đoàn Văn Hậu và Bùi Tiến Dũng, dù cả 2 vẫn còn đủ tuổi thi đấu. Năm đó, đội U19 không thành công, nhưng các tuyển thủ U19 như Bùi Hoàng Việt Anh, Nhâm Mạnh Dũng, Dụng Quang Nho, Đặng Văn Tới… một vài năm sau đều được gọi lên U23 hoặc tuyển quốc gia, trong đó Việt Anh từng đoạt giải “Cầu thủ trẻ xuất sắc” tại Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam năm 2020.
Những người như Khuất Văn Khang hay Nguyễn Văn Trường cần được tạo điều kiện chơi bóng ở V-League nhiều hơn chứ không phải cố gắng chơi tốt trong màu áo tuyển U. Đó mới là cách để họ phát huy năng lực của mình, tránh tình trạng “măng non mãi không thể thành tre” được.
Sự lận đận của họ, từ U23 xuống U20 rồi lên U22 cho thấy việc sử dụng nguồn nhân lực và cơ hội để phát triển tài năng cầu thủ trẻ ở Việt Nam vẫn chưa được thống nhất. Nguyên nhân chủ yếu nằm ở số lượng trận đấu chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam còn quá ít. Một cầu thủ lớn tuổi, đá tối đa cả năm cũng chỉ 30 trận chính thức bao gồm V-League và Cúp Quốc gia. Trưởng thành mà thi đấu chỉ chừng đó, thì cầu thủ trẻ chắc chắn còn ít hơn ở sân chơi chuyên nghiệp.