Lại chuyện “thử kêu rất to”

Hôm qua, đội tuyển U22 có thêm 1 trận giao hữu và với kết quả 4-1 trước đối thủ đến từ giải hạng Ba của Hàn Quốc, chẳng ai biết thầy trò HLV Hữu Thắng thu hoạch được gì.
 
Ở các trận giao hữu, các học trò của HLV Hữu Thắng chưa đá hết 100% sức cũng đã thắng. Ảnh: Đoàn Nhật
Ở các trận giao hữu, các học trò của HLV Hữu Thắng chưa đá hết 100% sức cũng đã thắng. Ảnh: Đoàn Nhật
Nếu trận đấu với FC Busan vào ngày 9-8 tới cũng chỉ là một kiểu “quân xanh” như Mokpo FC hôm qua thì có thể nói suốt quá trình chuẩn bị của đội U22 từ đầu vòng loại U23 châu Á đến trước SEA Games 29, không có chất lượng tốt. Thật khó có thể thu lượm được gì từ những kết quả kiểu như 4-0, 8-1, 4-1... hoặc kiểu đối thủ không hề có chiến thuật như Các ngôi sao K-League vừa qua.

Bởi mục tiêu quan trọng nhất của việc tập huấn đó là rèn chiến thuật. Để tìm được ưu điểm, khuyết điểm thì cần phải đá với một đối thủ ngang và trên trình độ hoặc chí ít là cùng mục đích. Đấy là chưa nói, mục tiêu của U22 là đoạt HCV SEA Games, tức là luôn phải đá tốt hơn năng lực của mình. Thế nhưng, cứ nhìn những trận đấu đã qua, ngoại trừ trận đá với U22 Hàn Quốc thì gần như các học trò của HLV Hữu Thắng chưa đá hết 100% sức cũng đã thắng. Như vậy, làm sao xác định được cách chơi phù hợp?!

Có một chi tiết khá bất hợp lý đó là chúng ta hay sang Hàn Quốc, Nhật Bản tập huấn trước các giải AFF Cup và SEA Games gần đây. Không chỉ là yếu tố khí hậu chưa phù hợp, cái chính là phía bạn bố trí các CLB hạng thấp để đá tập với tinh thần “giao hữu” đúng nghĩa. Được biết, những chuyến tập huấn ấy chỉ có thuận lợi duy nhất là phía bạn hỗ trợ kinh phí, rất khó đánh giá cao về chuyên môn.

Bởi kể cả khi được đá với một CLB mạnh thì vẫn không thể bằng một trận giao hữu chính thức với một đội tuyển quốc gia có đẳng cấp tương đương. Vấn đề ở đây là tính mục đích giữa ta và họ giống nhau, đôi bên đều muốn thử nghiệm đấu pháp, tự nhiên sẽ phát sinh các tình huống chuyên môn mang tính thực tế trong thi đấu. Chưa nói đến yếu tố danh dự luôn có ở cấp độ đội tuyển khiến cho các trận giao hữu cũng trở nên kịch tính. 

Còn nhớ, trong 10 trận đá không biết thắng dưới thời HLV Calisto trước AFF Cup 2008, thì đến 9 trận là đá ở cấp độ đội tuyển quốc gia (trận còn lại với sinh viên Hàn Quốc rất mạnh). Phải chăng nhờ sự trải nghiệm cao nhất ấy mà đội tuyển Việt Nam mới vượt khó đăng quang?

Quay trở lại với đội U22 của HLV Hữu Thắng. Theo lịch thi đấu mới nhất của SEA Games thì 3 trận đầu tiên, lại chỉ gặp những Đông Timor, Campuchia, Philippines. Trong khi đó, chúng ta phải đá với Indonesia và Thái Lan 2 trận cuối vòng bảng chỉ trong vòng 3 ngày, sau đó nếu vào bán kết thì cũng chỉ có được 1 ngày nghỉ. Như vậy, “điểm rơi” cần thiết của U22 Việt Nam diễn ra sau gần 20 ngày nữa, nhưng từ nay đến đó, các học trò của ông Thắng chỉ có những trận đấu dễ để đá, tức là có khả năng rơi vào tình trạng “thử kêu to, đốt thì tịt”.

Đây cũng là cái khó mà HLV Hữu Thắng phải giải quyết.

Tin cùng chuyên mục