Qua tìm hiểu, để xử lý và đưa ra các án phạt rồi có quyết định cuối cùng về tước huy chương của VĐV có mẫu thử dính doping sau đó thành tích trao lại cho người đứng sau ở mỗi kỳ đại hội thể thao mất khá lâu thời gian.
Tại ASIAD 18-2018 tổ chức ở Indonesia, sau khi thi đấu nội dung 400m rào nữ thì mẫu thử của VĐV về nhất lúc đó là Kemi Adekoya (Bahrain) cho kết quả dương tính. Qua 1 năm, vào tháng 7 năm 2019, thông tin từ Cơ quan Liêm chính điền kinh (AIU) xác định VĐV Kemi Adekoya dương tính với doping và bị tước thành tích, qua đó HCV được trao lại cho người về thứ nhì là Quách Thị Lan.
Trên thực tế, thông tin mới chỉ công bố Quách Thị Lan được đôn vị trí lên hạng nhất, nhận thành tích vô địch của nội dung 400m rào nữ ASIAD 18-2018 còn hiện tại, tính tới lúc này cô vẫn chưa được trao HCV đúng quy định.
Trường hợp khác là cựu lực sĩ Trần Lê Quốc Toàn đã được nhận thành tích HCĐ tại Olympic London (Anh) 2012 ở môn cử tạ. Tuy nhiên, sau 9 năm, Quốc Toàn mới được vinh dự này bởi thời điểm thi đấu năm 2012, VĐV Valentin Hristov (Azerbaijan) là người đứng hạng 3 và được trao HCĐ nhưng mẫu thử của tuyển thủ này chỉ được công nhận đã dính doping sau khi Olympic London 2012 trôi qua 7 năm. Tiếp tục chờ thêm 2 năm, Trần Lê Quốc Toàn mới chính thức được Ủy ban Olympic thế giới gởi tấm HCĐ về Việt Nam và trao trực tiếp cho tuyển thủ này vào năm 2021.
SEA Games năm 2013 tại Myamnar, nữ tuyển thủ Nguyễn Thị Thanh Phúc chỉ về nhì nhận HCB nội dung đi bộ nữ 20km khi kết quả khi đó cô thua tuyển thủ chủ nhà là Saw Mar Lar Nwe. Về sau, các mẫu thử kiểm tra doping cho kết quả Saw Mar Lar Nwe dương tính nên cô bị tước thành tích và HCV được trao lại cho Thanh Phúc. Sau 2 năm, trước khi dự SEA Games năm 2015 tại Singapore, Thanh Phúc đã được nhận tấm HCV khi được đôn vị trí do nhà vô địch bị loại vì doping. Khi đó, thông báo về việc có kết quả chính xác về mẫu thử dương tính doping và ra án phạt với Saw Mar Lar Nwe đưa ra gần 2 năm khi SEA Games 2013 đã trôi qua.