Trả lời câu hỏi, rằng liệu bản thân dự báo như thế nào về trận đấu thứ 3 giữa Wilder và Fury, và rằng, liệu Wilder có thể giành được chiến thắng “phục thù” (nếu trận đấu này diễn ra) hay là không, “Money” Mayweather đã hiến kế: “Nếu để tôi huấn luyện cho Wilder, tôi có thể dạy cho anh ấy cách để giành được chiến thắng”. Kế sách của “Độc cô cầu bại” một thời, nhanh chóng được giới chuyên môn và giới mộ điệu chia sẻ một cách chóng mặt.
Rõ ràng, “cách duy nhất” để Wilder thủ thắng trong trận đấu thứ 3 - thay đổi chiến thuật thi đấu. Wilder vốn nổi tiếng với lối tấn công máu lửa, khả năng ra quyền dũng mãnh kiểu “tàn sát, giết người”, mỗi khi thượng đài, anh sẽ tấn công trực diện từ đầu cho đến cuối, với tham vọng đấm gục đối phương và giành lấy chiến thắng bằng “knock-out”, một lối đánh từng được làm nên tên tuổi Mike “thép” Tyson trong thì quá khứ, cho đến khi ông bị Buster Douglas hạ gục bất ngờ vào năm 1990, cũng bằng knock-out.
Kể từ khi để thua Douglas, dù từng giành lại đai WBC và WBA, nhưng Tyson không còn là một quyền thủ “tối thượng” như ngày xưa, ông thua cả Evander Holyfield (cả trận đầu tiên lẫn “tái chiến” - thua vì cáu quá, cắn tai đối thủ trả đũa và bị truất quyền thượng đài) lẫn Lennox Lewis, sự nghiệp cũng tàn lụi sau đó. Wilder, sẽ đi theo vết xe đổ của Tyson, nếu không thay đổi cách tiếp cận trận đấu khi đối đầu với Fury (có một chi tiết khá thú vị, cha của Fury rất thần tượng Tyson, thế nên, ông đã lấy tên Tyson để đặt cho con trai của mình - Tyson Fury).
Lối đánh “quyền đọ quyền, sức đấu sức” của Wilder, rõ ràng là một điểm yếu khi đương đầu với một võ sĩ khổng lồ, to khỏe, cao đến 2 mét 06, sải tay 2,16 centimet, và có năng lực ra quyền cũng “cực kỳ tàn sát”. Muốn thủ thắng Fury, Wilder không thể cứ trơ mặt nhận đòn và đấu sự lỳ lợm với đối thủ người Anh, anh phải tìm cách phòng thủ tinh tế, kéo giãn khoảng cách và chờ đợi thời cơ để phản đòn. Mà đây lại là lối đánh sở trường của “Money” Mayweather”, người từng khiến cả làng đánh quyền thế giới phải gật gù khi so sánh quyền Anh với… cờ Vua.
Kỹ năng di chuyển, tạo khoảng cách, bộ pháp khi lùi khi tiến và khả năng xoay đảo cơ thể để né đòn vốn chính là thế mạnh, là thứ vũ khí tối thượng của “Money” Mayweather. Ngoài ra, “Độc cô cầu bại” cũng ưa chuộng những cú ra quyền có định vị chính xác cao, dù nó không đủ mạnh để đấm gục đối thủ chi bằng 1, 2 đòn quyền. Trong suốt sự nghiệp của mình, cựu quyền thủ người Mỹ (người dự kiến sẽ tái thượng đài ngay trong mùa giải năm nay) chỉ thắng 27 trận bằng knock-out trong tổng số 50 trận “bất khả chiến bại”. Điều đó không khiến anh không vĩ đại.
“Money” Mayweather cũng có đầy kinh nghiệm khi đối đầu với những võ sĩ cao to hơn, và có sải tay dài hơn. Anh có thể truyền những kinh nghiệm đó cho Wilder, người hẳn sẽ rất vụng về khi áp dụng chiến thuật phòng ngự, kết hợp vừa thi đấu vừa di chuyển một cách thật linh hoạt. Có thể nói, “Money” Mayweather là bậc thầy của lối đánh phòng ngự, và nếu Wilder cam chịu “bái sư” anh này, quyền thủ 34 tuổi sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Chắc chắn, sự xuất hiện của “Money” Mayweather sẽ mang lại làn gió mới, giúp đội hỗ trợ của Wilder thay máu.
Vấn đề là, Wilder “cuồng nộ”, với sự ngạo mạn và tự cao của mình, có chấp nhận làm “đệ tử” của một võ sĩ chỉ thượng đài ở hạng cân nhỏ hơn anh rất nhiều. Ngoài “Money” Mayeather, chính huyền thoại Goerge Foreman cũng muốn chỉ dạy cho Wilder đôi điều, nhưng có lẽ, ông nên chỉ anh cách “né” Fury trong suốt chiều dài sự nghiệp còn lại, như ngày xưa ông “né tránh tái ngộ” Muhammad Ali thì hay hơn.
Trong khi Fury đã thay “sư phụ”, chuyển từ HLV Den Davison sang HLV Suger Hill Steward trước trận thắng Wilder, và đó là một điểm mấu chốt để Fury giành chiến thắng trước Wilder, Wilder vẫn đang “kẹt cứng” giữa 2 HLV bất đồng quan điểm - Mark Breeland và Jay Deas. Chắc hẳn người ta vẫn còn nhớ, Breeland là người tung khăn trắng báo hiệu Wilder xin đầu hàng, dù Deas không hề muốn điều đó. Sau trận thua, Deas có nói sẽ làm việc lại với Breeland. Nhưng họ đã nói chuyện với nhau thẳng thắn như hai người đàn ông, và đồng thuận quan điểm hay chưa?