Ủy ban Đạo đức FIFA tiến hành cuộc điều tra về ông này suốt 2 năm qua, nhưng kết luận của họ lại đưa ra ngay trước thềm bầu cử chủ tịch của CAF dự kiến diễn ra vào đầu năm sau. Điều này khiến cho Ahmad, người cũng đã bị phạt 220.000 USD, chưa thể tranh cử nhiệm kỳ thứ hai ở CAF dù có thể kháng cáo lên Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS).
Thế nên, đã có dư luận cho rằng, đây là một đợt “dọp dẹp nội bộ” mới của FIFA trước các cáo buộc sai phạm ngày càng nhiều nhắm vào những người đứng đầu các liên đoàn thành viên, chủ yếu là vấn đề tham nhũng quyền lực và biển thủ tài chính. Những người đứng đầu FIFA như cựu Chủ tịch Sepp Blatter, rồi Chủ tịch bóng đá châu Âu như huyền thoại Platini, hay khu vực CONCACAF như Jack Warner… đều có hành vi phạm tội giống nhau.
Cách đây hơn 3 năm, ông Ahmad Ahmad là chủ tịch của một LĐBĐ nhỏ bé Madagascar bất ngờ được bầu làm Chủ tịch CAF, kết thúc “triều đại” gần 30 năm của Issa Hayatou (Cameroon). Ông Ahmad hứa sẽ hiện đại hóa CAF, giúp tổ chức này hoạt động minh bạch hơn. Truyền thông châu Phi mô tả chiến thắng của ông Ahmad là “ánh bình minh mới” cho bóng đá lục địa đen, bởi “nhà độc tài” Hayatou nhiều lần bị cáo buộc nhận hối lộ với số tiền lên đến hàng triệu USD.
Thế nhưng ngay sau đó, danh tiếng của tân Chủ tịch Ahmad cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi báo The Sun (Anh) cáo buộc ông nhận hối lộ hàng chục ngàn USD để bầu cho Qatar trở thành chủ nhà của World Cup 2022. FIFA phải mở cuộc điều tra về hành vi của quan chức người Madagascar này và phát hiện các vấn đề khác liên quan đến sự tham gia của ông Ahmad trong các giao dịch của tổ chức với công ty thiết bị thể thao Tactical Steel.
Từ nay đến tháng 3, thời điểm bầu cử mới, thì CAF sẽ được điều hành bởi Phó Chủ tịch Constan Omari (Congo), vấn đề là đến ông này cũng đang bị điều tra về một hợp đồng bản quyền truyền hình mà ông cùng với Chủ tịch Ahmad đã ký, tạo cơ hội cho đối tác thu lợi hàng triệu USD từ các trận đấu tại châu Phi.