Chỉ còn cơ hội vé mời
Phụ trách bộ môn điền kinh (Tổng cục TDTT) - ông Dương Đức Thủy đã cho biết khả năng cao là điền kinh Việt Nam được 1 suất mời thi đấu Olympic Tokyo 2020 dù không giành vé chính thức nào. "Tuy nhiên, thông báo cuối cùng sẽ được gởi tới các Liên đoàn thành viên từ Liên đoàn điền kinh thế giới (IAAF) vào tháng 6", ông Thủy nhấn mạnh. Theo lịch, ngày 29-6, điền kinh thế giới chốt đủ các suất chính thức dự Olympic Tokyo 2020.
Hai kỳ Olympic gần nhất tại London (Anh) năm 2012 và Rio de Janeiro (Brazil) năm 2016, điền kinh Việt Nam có suất trực tiếp với Nguyễn Thị Thanh Phúc, Dương Thị Việt Anh, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thành Ngưng. Trước đó, điền kinh Việt Nam dự Olympic đều qua suất mời do tuyển thủ không vượt được chuẩn quy định.
Ảnh hưởng từ Covid-19 khiến VĐV đội tuyển điền kinh nói riêng không được thi đấu quốc tế cũng như phải bỏ lỡ một số cơ hội tranh vòng loại Olympic Tokyo 2020. Hai cơ hội chúng ta đã nhắm đến nhưng không thể cử VĐV góp mặt là giải vô địch đi bộ châu Á 2021 (Nomi-Nhật Bản) trong tháng 3 và vô địch tiếp sức thế giới 2021 (Ba Lan) trong tháng 5 do ảnh hưởng của Covid-19.
"Covid-19 đúng là tác động lớn đến sự chuẩn bị của từng VĐV. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn yêu cầu từng VĐV thuộc đội tuyển hoặc tuyển trẻ quốc gia vẫn phải lấy tập luyện làm thi đấu, không trễ nải", ông Thủy cho biết thêm.
Trong khi đó, Tổng thư ký Liên đoàn điền kinh Việt Nam - ông Nguyễn Mạnh Hùng xác nhận "trong năm nay, điền kinh Việt Nam đã hết thi đấu quốc tế vì một số giải hủy cũng như yếu tố đảm bảo phòng tránh Covid-19 cho VĐV được đặt cao nhất. SEA Games cuối năm là giải quốc tế quan trọng còn lại của đội tuyển điền kinh quốc gia".
Khi có vé mời dự Olympic Tokyo 2020, việc chọn VĐV hay nội dung tham dự dựa theo báo cáo chuyên môn của ban huấn luyện. Trước giải vô địch tiếp sức thế giới 2021 ở Ba Lan, Việt Nam kỳ vọng tổ tiếp sức nam-nữ hỗn hợp 4x400m góp mặt, và đạt thông số vượt 3'19"50 như từng có tại SEA Games 30-2019. Tuy nhiên, đội điền kinh Việt Nam không thi đấu.
Chắc chắn, việc lựa chọn chỉ dành cho cá nhân và không góp mặt đông đảo đội hình tiếp sức (phải có từ 4 tới 5 VĐV).
Ưu thế của các tuyển thủ nam, nữ nội dung 400m đang có do họ đã gặt hái thành tích huy chương SEA Games và một số giải Grand Prix hay vô địch châu Á vài năm qua. Tuy vậy, các tổ nhóm khác vẫn có VĐV xuất sắc để cạnh tranh nội bộ. Ông Thủy cũng phân tích, yếu tố tuân thủ kỷ luật và thực hiện theo giáo án huấn luyện của ban huấn luyện là yêu cầu cao nhất với từng tuyển thủ.
"Tôi không tiện nói tên nhưng có tuyển thủ dù đã không được sự đồng ý của HLV cho việc góp mặt giải phong trào, như giải marathon tại TPHCM mới đây, vẫn tham dự. Điều này là không nên có với VĐV quốc gia", ông Thủy nói thêm. Khi VĐV thi đấu Olympic, họ được cơ hội được phát huy hết khả năng chuyên môn chứ không phải tham dự như để... dã ngoại.
Ngày 6-5, lãnh đạo Tổng cục TDTT đã có buổi làm việc phê duyệt kế hoạch của điền kinh năm 2021 tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội và những sự chuẩn bị về Olympic, SEA Games đều được đề cập trong kế hoạch. |