Điền kinh Việt Nam sẽ phải xây dựng, ban hành Quy chế chuyển nhượng

Vấn đề giới hạn 24 tháng đối với VĐV không được công nhận thành tích trong giải vô địch quốc gia khi họ chuyển sang đơn vị mới vẫn đang là điều nhiều người có trao đổi ở làng điền kinh Việt Nam.

VĐV điền kinh sẽ được áp dụng Quy chế chuyển nhượng sau khi Liên đoàn điền kinh Việt Nam xây dựng, ban hành chính thức. Ảnh: ĐKVN
VĐV điền kinh sẽ được áp dụng Quy chế chuyển nhượng sau khi Liên đoàn điền kinh Việt Nam xây dựng, ban hành chính thức. Ảnh: ĐKVN

> Lê Tú Chinh sẽ khiến quy định chuyển nhượng của điền kinh Việt Nam phải thay đổi?

Cuối tuần qua, Thường vụ Ban chấp hành Liên đoàn điền kinh đã làm việc để tiếp tục thảo luận vấn đề liên quan tới việc giới hạn 24 tháng không được tính thành tích thi đấu ở giải quốc gia đối với VĐV khi chuyển sang đơn vị mới. Câu hỏi đặt ra vẫn là nên hay không nên giữ điều này và có hay không sự thay đổi?

Phụ trách bộ môn điền kinh Cục TDTT đồng thời là Tổng thư ký Liên đoàn điền kinh Việt Nam – ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết ngày 25-3 “chúng tôi đã làm việc rất cặn kẽ ở buổi làm việc của Thường vụ Ban chấp hành Liên đoàn. Các ý kiến vẫn cho biết chưa bỏ việc giới hạn thời gian 24 tháng như quy định lúc này. Tuy nhiên, Liên đoàn điền kinh sẽ phải có điều chỉnh thay đổi để phù hợp với thực tiễn vì trên hết vẫn phải đảm bảo quyền lợi của các bên, không chỉ VĐV mà còn đơn vị huấn luyện đào tạo”.

Năm 2015, Liên đoàn điền kinh Việt Nam từng ban hành quy định để hướng dẫn thủ tục chuyển đổi, cấp mới, gia hạn thẻ VĐV điền kinh tới các đơn vị trong cả nước. Ở quy định trên của Liên đoàn, một trong những điều được chú ý là: “từ ngày 1-1-2016, các VĐV trước đây đã thi đấu cho một đơn vị, nay chuyển sang thi đấu cho một đơn vị khác thì phải đảm bảo thời gian chuyển nhượng đủ 24 tháng mới được coi là hợp lệ sau thời điểm 24 tháng mới được thi đấu cho đơn vị mới. Sau khi hết hạn, các đơn vị cần có công văn xin gia hạn thẻ cho VĐV”. Thẻ VĐV được quy định có giá trị thời hạn trong 2 năm theo luật điền kinh hiện hành.

Ông Hùng cũng cho biết từ khi ban hành quy định trên tới nay, Liên đoàn chưa nhận được phản ứng khiếu nại nào từ các trường hợp cụ thể của VĐV. “Việc quản lý vẫn đang trong ổn định, chúng tôi luôn lắng nghe các ý kiến từ đơn vị địa phương để đảm bảo tốt nhất. Đồng thời, Liên đoàn điền kinh Việt Nam có quy định cũng đã tham khảo dựa trên luật điền kinh của quốc tế”, ông Hùng nói thêm.

Dẫu vậy, mọi người hiểu rằng, việc đưa ra quy định là giới hạn thời gian 24 tháng để VĐV không được tính thành tích giải vô địch quốc gia khi chuyển sang đơn vị mới là quy định của Liên đoàn điền kinh Việt Nam. Điều cấp thiết nhất, VĐV như người lao động còn đơn vị chủ quản là đơn vị sở hữu lao động cũng như đơn vị tuyển dụng lao động thì cần phải có một Quy chế chuyển nhượng của điền kinh được ra đời. Có Quy chế chuyển nhượng, điền kinh sẽ công khai minh bạch các sự vụ thay đổi đơn vị của VĐV, HLV để từ đó tránh tranh cãi. Về điều này, các môn bóng đá, bóng chuyền đã xây dựng và ban hành Quy chế chuyển nhượng của mình và hạn chế tối thiểu các khúc mắc.

“Thường vụ Liên đoàn điền kinh Việt Nam cũng xây dựng phương án xây dựng Quy chế chuyển nhượng VĐV điền kinh. Đây sẽ là việc để giảm thiểu tối đa những tranh cãi. Việc xây dựng Quy chế chuyển nhượng sẽ cần thời gian bởi phải dựa trên pháp luật quy định, lấy ý kiến từ các đơn vị, có chuyên gia thẩm định về luật và tham khảo cả những quy định của điền kinh quốc tế. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng Quy chế chuyển nhượng được hình thành sớm. Từ nay tới khi chưa có Quy chế chuyển nhượng điền kinh Việt Nam, việc giới hạn 24 tháng để VĐV không được tính thành tích giải vô địch quốc gia khi chuyển sang đơn vị mới vẫn thực thi như cũ”, ông Nguyễn Mạnh Hùng phân tích thêm.

letuchinh1_WWMG.jpg
VĐV Lê Tú Chinh (giữa) đang là một trong những trường hợp được người hâm mộ quan tâm thời gian gần đây khi đã xin thôi tập luyện ở đơn vị TPHCM để tìm đơn vị mới. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Tại giải điền kinh vô địch quốc gia trong những năm qua, một số trường hợp VĐV chuyển sang đơn vị mới mà chưa hết thời gian giới hạn 24 tháng theo quy định của Liên đoàn điền kinh Việt Nam thì họ vẫn được thi đấu, thành tích chuyên môn được xét kiện tướng nhưng thành tích chỉ là thi đấu kiểm tra, không được nhận huy chương cho đơn vị chủ quản mới. Sau 24 tháng khi hết hạn quy định, VĐV được thi đấu và tranh huy chương bình thường.

Đại diện Liên đoàn điền kinh Việt Nam lý giải, việc ban hành quy định trên của điền kinh Việt Nam đã tham khảo từ cách làm của Liên đoàn Điền kinh thế giới (IAAF) trong việc chuyển nhượng VĐV quốc tế. Đồng thời, khi thực hiện quy định để thấy các điểm phù hợp bởi, đứng trên góc độ một VĐV cụ thể có thể có chút thiệt thòi nhưng lại giúp cho hệ thống tuyển chọn, đào tạo của điền kinh Việt Nam được bền vững. Liên đoàn điền kinh Việt Nam làm việc chặt chẽ để không xảy ra tình trạng có thể một đơn vị phải bỏ đi nội dung do mất quân hay các đơn vị dễ phối hợp để trao đổi lực lượng nhằm đạt các kết quả huy chương ở các giải quan trọng trong nước như Đại hội thể thao toàn quốc.

Tin cùng chuyên mục