Lê Tú Chinh sẽ khiến quy định chuyển nhượng của điền kinh Việt Nam phải thay đổi?

Lê Tú Chinh đã chính thức xin nghỉ tập chuyên môn ở đội điền kinh TPHCM. Từ ngày 1-1, VĐV này đã không còn là thành viên trong thành phần đội điền kinh TPHCM. Có những ý kiến cho rằng, một số đơn vị đang muốn mời Tú Chinh về đầu quân. Tuy nhiên, liệu Tú Chinh sẽ là trường hợp để Liên đoàn điền kinh Việt Nam có những thay đổi trong quy định về chuyển nhượng VĐV hay không?

Lê Tú Chinh đã thi đấu tại SEA Games 32 và giành HCB tiếp sức 4x100m nữ cùng đội tuyển điền kinh Việt Nam. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Lê Tú Chinh đã thi đấu tại SEA Games 32 và giành HCB tiếp sức 4x100m nữ cùng đội tuyển điền kinh Việt Nam. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

> Lê Tú Chinh chia tay điền kinh TPHCM

Tú Chinh sẽ gia nhập đơn vị mới?

Tú Chinh là một VĐV mang lại nhiều thành tích chuyên môn cho điền kinh TPHCM. Qua tìm hiểu, cô xin nghỉ để có nguyện vọng tới đơn vị mới dù hợp đồng của Tú Chinh với đơn vị TPHCM còn 2 năm. Về quy định, chỉ khi các bên ngồi vào đàm phán và đơn vị mới (nếu có) có các thủ tục đúng quy định để xin chuyển nhượng VĐV thì công việc mới được thực hiện. Nhiều thông tin bên lề từ làng điền kinh Việt Nam cho biết, Bình Dương đang là một trong những đơn vị bày tỏ sự quan tâm mời Tú Chinh về đầu quân. Dẫu vậy, chưa có thông báo chính thức nào về việc này và tất cả đều là sự trò chuyện từ những người làm chuyên môn trong lúc tập luyện.

Năm 2023, Tú Chinh được trở lại đội tuyển điền kinh Việt Nam sau 1 năm phẫu thuật và hồi phục thể lực đồng thời cô được dự SEA Games 32 ở Campuchia. Tại SEA Games 32, Lê Tú Chinh tham dự nội dung tiếp sức 4x100m nữ và giành HCB. Đây cũng là giải đấu duy nhất và chính thức cùng đội tuyển điền kinh Việt Nam trong năm 2023 mà cô góp mặt. Tại giải điền kinh vô địch quốc gia 2023, Lê Tú Chinh không tham dự do cô cần thêm thời gian để hồi phục và đảm bảo tốt nhất sức khỏe.

Theo quyết định do Sở VH-TT TPHCM ban hành về trường hợp của Lê Tú Chinh, VĐV được hưởng các chế độ theo quy định tập luyện, tập trung của thành phố tới hết ngày 31-12-2023. Sau thời gian này, Tú Chinh không được tham gia thi đấu cho bất kỳ đơn vị tỉnh, thành, ngành khác nếu chưa được sự đồng ý của Sở VH-TT TPHCM.

Quy định chặt chẽ chuyển nhượng sẽ thay đổi?

“Trong tháng 1 này, Liên đoàn điền kinh Việt Nam có cuộc họp ban chấp hành. Trong cuộc họp, chúng tôi sẽ đưa ra thảo luận vấn đề chuyên môn về câu chuyện chuyển nhượng VĐV để làm sao phù hợp nhất. Hiện tại, Liên đoàn điền kinh Việt Nam đang có quy định chặt chẽ về thời gian là VĐV sẽ không được tính thành tích chuyên môn cho đơn vị mới trong 24 tháng kể từ khi ký hợp đồng và điều này tiếp tục được trao đổi thêm. Người hâm mộ điền kinh đang nói nhiều về câu chuyện VĐV Lê Tú Chinh xin nghỉ đơn vị cũ nhưng đây chỉ là một trường hợp cụ thể, điền kinh Việt Nam có nhiều VĐV khác và nếu không có quy định chặt chẽ rất dễ xảy ra vấn đề các đơn vị mạnh có kinh phí lớn sẽ hớt ngọn, không đào tạo chuyên môn, chỉ tìm VĐV mạnh của nơi khác về đầu quân...”, phụ trách bộ môn điền kinh (Cục TDTT) đồng thời là Tổng thư ký Liên đoàn điền kinh Việt Nam – ông Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi.

chinh-1-3404.jpg
Tú Chinh đã không tập trung cùng đội điền kinh TPHCM từ ngày 1-1-2024. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Để tránh xảy ra các trường hợp chèo kéo, chuyển nhượng VĐV không phù hợp, Liên đoàn điền kinh Việt Nam đã có quy định cụ thể trong các giải vô địch quốc gia. Theo đó, VĐV chuyển nhượng từ đơn vị này sang đơn vị khác thì phải hoàn tất hồ sơ theo quy định và phải đủ thời gian 24 tháng (tính từ ngày chuyển nhượng) thì mới được thi cho đơn vị mới.

Các VĐV chuyển nhượng chưa đủ 24 tháng sẽ không được thi đấu chính thức tranh huy chương, nhưng vẫn được thi đấu kiểm tra để công nhận thành tích, đẳng cấp và kỷ lục; VĐV đa quốc tịch (có quyền công dân của hai hay nhiều quốc gia), muốn về thi đấu cho một đơn vị nào đó thì vận động viên đó cần có tối thiểu 90 ngày liên tục ở Việt Nam gần nhất tính đến ngày tổ chức giải. Quy định cũng ghi rõ: VĐV trước đây đã thi cho một đơn vị, nay vì bất kỳ lý do gì mà chuyển sang thi cho một đơn vị khác, thì đều được coi là chuyển nhượng.

Một số ý kiến từng cho rằng, thời gian 24 tháng là dài với một VĐV cùng một đơn vị khi chuyển nhượng VĐV mới. Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng có phân tích: “Chúng tôi chỉ lấy đơn cử trong nội dung tiếp sức, nếu một đơn vị chuyển nhượng 2 VĐV mạnh nhất mang về mình thi đấu thì xem như đơn vị cũ bị “gãy” thành tích.Đồng thời, sẽ xảy ra trường hợp các đơn vị mất quân mà không đủ nguồn lực là bỏ luôn đào tạo nội dung. Từ đó làm mất phong trào, sự phát triển chung của điền kinh. Tuy nhiên, để tính toán kỹ càng trong việc chuyển nhượng VĐV, việc trao đổi sẽ đưa ra tại cuộc họp lần này. Thời gian qua, điền kinh Việt Nam đã có sự ổn định trong vấn đề này nhưng thể thao phát triển vẫn không tránh khỏi vấn đề chuyển nhượng và chúng tôi sẽ có những quy định chặt chẽ để có sự công bằng nhất cho các đơn vị”.

Tin cùng chuyên mục