Điền kinh Việt Nam chờ bao lâu nữa tiếp tục giành được suất chính thức Olympic?

Điền kinh là đội tuyển thể thao quốc gia được người hâm mộ chú ý đáng kể. Lúc này đây, đội tuyển điền kinh Việt Nam đang nỗ lực nhiệm vụ chuẩn bị chuyên môn thi đấu ASIAD 19-2022 đồng thời cũng tìm cơ hội tranh vé chính thức dự Olympic Paris (Pháp) 2024.
Nguyễn Thị Oanh đang nỗ lực thi đấu các giải quốc tế để giành thành tích huy chương nhưng cũng có một mục tiêu tìm cơ hội tranh tấm vé Olympic cho mình, dù rất khó. Ảnh: M.H
Nguyễn Thị Oanh đang nỗ lực thi đấu các giải quốc tế để giành thành tích huy chương nhưng cũng có một mục tiêu tìm cơ hội tranh tấm vé Olympic cho mình, dù rất khó. Ảnh: M.H

Bài toán đã được đặt ra là đội tuyển điền kinh Việt Nam sẽ có suất chính thức dự Olympic Paris (Pháp) 2024 hay không? Hoặc trong trường hợp chưa có suất chính thức tại kì Thế vận hội trên, tới bao giờ chúng ta sẽ có tuyển thủ tiếp theo vượt được chuẩn để có vé chính thức thi đấu Olympic? Đây đều là hai câu hỏi không dễ giải đáp.

Lần gần nhất điền kinh Việt Nam dự Olympic là kì thi đấu Olympic Tokyo (Nhật Bản) 2020 (tranh tài năm 2021). Chúng ta có duy nhất tuyển thủ Quách Thị Lan tham dự và cô đi là suất đặc cách của Liên đoàn điền kinh thế giới (IAAF). Tại giải trên, Quách Thị Lan đã lọt vào bán kết cự ly 400m rào và đây là lần đầu tiên một tuyển thủ của chúng ta lọt vào bán kết nội dung trên.

Trước đó, điền kinh Việt Nam đã liên tiếp giành suất chính thức dự các kì Olympic là năm 2012 ở London (Anh) – hai suất của tuyển thủ Nguyễn Thị Thanh Phúc (đi bộ 20km nữ), Dương Thị Việt Anh (nhảy cao nữ) và năm 2016 ở Rio de Janeiro (Brazil) – Nguyễn Thành Ngưng (đi bộ 20km nam), Nguyễn Thị Huyền (400m, 400m rào nữ). Tất cả họ đều vượt chuẩn Olympic trong những giải quốc tế đã thi đấu trước đó để giành được tấm vé quan trọng.

Mục tiêu của điền kinh Việt Nam là phấn đấu có suất chính thức dự Olympic Paris (Pháp) 2024. Dù thế, cơ hội được đặt vào tuyển thủ nào trong nội dung nào (nam, nữ) còn khó xác định. Liên đoàn điền kinh thế giới (IAAF) đã công bố thời gian cho các giải để VĐV thi đấu nhằm có thành tích tính chuẩn Olympic. Với tất cả các nội dung cá nhân (trừ 10.000m, marathon, nội dung hỗn hợp, đi bộ) thì các giải quốc tế được xét tính chuẩn sẽ phải diễn ra từ ngày 1-7-2023 tới hết ngày 30-6-2024. Các giải đối với nội dung 10.000m, marathon, nội dung hỗn hợp, đi bộ, tiếp sức thì thời gian tính thành tích để xét chuẩn Olympic là từ 31-12-2022 tới hết ngày 30-6-2024. Riêng nội dung marathon được tính chuẩn theo các giải quốc tế diễn ra từ ngày 1-11-2022 đến ngày 30-4-2024.

Từ lịch trên để thấy, ít nhất điền kinh Việt Nam đã có hai cơ hội tìm suất Olympic thông qua thi đấu là giải điền kinh vô địch châu Á 2023 (tháng 7 tại Thái Lan) và giải điền kinh vô địch thế giới 2023 (hiện tại ở Hungary). Thi đấu giải điền kinh vô địch châu Á 2023, đội tuyển điền kinh Việt Nam không đạt được chuẩn Olympic nào. Chiều 19-8 (theo giờ địa phương tại Hungary), tuyển thủ Nguyễn Thị Oanh là VĐV duy nhất của điền kinh Việt Nam thi đấu nội dung 1.500m nữ tại giải điền kinh vô địch thế giới 2023 và đạt thông số 4’12”28. Oanh xếp hạng 51/55 VĐV dự nội dung này. Tuy nhiên, thông số 4’12”28 là thành tích cá nhân tốt nhất của Oanh từ trước tới nay. Mặc dù vậy, chuẩn Olympic do IAAF đưa ra ở 1.500m nữ là 4’02”50, cao hơn rất nhiều với kết quả của Oanh. Nữ tuyển thủ của chúng ta còn có sở trường là cự ly 3.000m chướng ngại vật nhưng chuẩn Olympic tại nội dung này vẫn là quá tầm cho điền kinh Việt Nam (9’23”00).

IAAF công bố chuẩn Olympic của 400m nữ là 50”95 còn chuẩn Olympic của 400m rào nữ là 54”85 trong khi chuẩn Olympic nội dung nhảy xa nữ là 6m86, nhảy cao nữ là 1m97, đi bộ 20km nữ là 1 giờ 29 phút 20 giây...

Đội tuyển điền kinh Việt Nam có Nguyễn Thị Huyền đã giành HCV 400m rào nữ tại SEA Games 32 với kết quả 56”29 còn HCB 400m với kết quả 53”27. Thi đấu giải vô địch châu Á 2023, Huyền đã đạt 58”36 tại nội dung 400m rào còn Hoàng Thị Minh Hạnh đạt 54”70 nội dung 400m nữ. Các thành tích trên chưa tiệm cận với chuẩn Olympic lần này.

Hai tuyển thủ Nguyễn Thị Thanh Phúc, Dương Thị Việt Anh gặp lại nhau tại giải điền kinh trẻ quốc gia 2023 vừa qua ở Đà Nẵng. 11 năm trước, họ cùng nhau có suất chính thức dự Olympic London (Anh) 2012. Ảnh: THANH PHÚC

Hai tuyển thủ Nguyễn Thị Thanh Phúc, Dương Thị Việt Anh gặp lại nhau tại giải điền kinh trẻ quốc gia 2023 vừa qua ở Đà Nẵng. 11 năm trước, họ cùng nhau có suất chính thức dự Olympic London (Anh) 2012. Ảnh: THANH PHÚC

Phụ trách bộ môn điền kinh (Cục TDTT) đồng thời là Tổng thư kí Liên đoàn điền kinh Việt Nam – ông Nguyễn Mạnh Hùng đang có mặt tại giải điền kinh vô địch thế giới 2023 đã cho biết hiện chuẩn Olympic mà IAAF đưa ra đối với các nội dung của nam, nữ đều cao. Việc đưa chuẩn Olympic cao là để sàng lọc những VĐV mạnh thật sự dựa trên chỉ số chuyên môn trong các giải quốc tế mà họ đạt được. Tuy nhiên, IAAF còn xét cơ hội trao suất cho các VĐV khi không có nhiều người đạt được chuẩn Olympic và việc xét này dựa vào xếp hạng cá nhân của họ trên bảng xếp hạng thế giới. Từ đó để thấy, IAAF muốn đề cao việc điền kinh các quốc gia phải cử VĐV dự nhiều giải đấu quốc tế để tăng cường chuyên môn thay vì một năm chỉ dự một hoặc hai giải khiến không có xếp hạng (ranking).

Theo dự báo, môn điền kinh của ASIAD 19-2022 được IAAF tính thành tích để xét chuẩn Olympic. Cơ hội của các VĐV tham dự trong việc tranh vé chính thức dự Olympic Paris (Pháp) 2024 rất triển vọng. Điền kinh của ASIAD 19-2022 có 48 nội dung và được thi đấu từ ngày 29-9 tới 5-10 trên sân vận động trung tâm của Đại hội. Các nội dung đi bộ 20km nam, nữ thi đấu đầu tiên vào sáng 29-9 và marathon nam, nữ vào sáng 5-10 là những nội dung cuối cùng của môn này.

Tin cùng chuyên mục