Liên đoàn điền kinh thế giới (ban đầu là IAAF và nay là World Athletics) cấm Rusaf tham dự các giải đấu quốc tế từ ngày 15-11-2015 do bê bối doping và tham nhũng. Ngoài ra, Rusaf còn đứng trước nguy cơ bị trục xuất khỏi World Athletics sau khi họ cung cấp hồ sơ giả hồi mùa hè 2018 nhằm giúp Danil Lysenko (á quân thế giới 2017 ở nội dung nhảy cao) tránh khỏi án treo giò do trốn kiểm tra doping.
Rusaf bị phạt 6,31 triệu USD (5 triệu USD tiền phạt và 1,31 triệu USD án phí). Đó là một trong 3 điều kiện để được trở lại mái nhà của World Athletics. Nhưng họ còn phải trình bày một kế hoạch cải tổ nhằm đáp ứng các yêu cầu “không khoan nhượng đối với doping” và “tái trở thành một thành viên tích cực trong cuộc chiến cho nền thể thao trong sạch”, World Athletics giải thích.
Do đó, World Athletics gia hạn lệnh cấm với Rusaf cho đến ngày 1-3-2021, tức gần 5 tháng trước khi khai mạc Olympic Tokyo; đó là thời điểm mà họ phải trình bày kế hoạch cải tổ. Chủ tịch người Anh Sebastien Coe của World Athletics dự báo: “Nếu kế hoạch cải tổ không hoàn tất từ này đến ngày đó, Ủy ban sẽ xem xét tiếp tục trừng phạt Rusaf”. Kế hoạch cải tổ sẽ quyết định việc các VĐV điền kinh Nga có được phép tham dự Olympic Tokyo (23-7 đến 8-8-2021) hay không.
Hai chuyên gia quốc tế được đề cử để “giúp đỡ và hỗ trợ ê-kíp làm việc mới của Rusaf” trong việc soạn thảo kế hoạch cải tổ. Cựu phó Tổng giám đốc của Văn phòng chống doping Nga, bà Margarita Pakhnotskaya là người đầu tiên được đề cử, trong khi đó người thứ hai cũng ở Nga và sẽ “sớm” được thông báo.
Quá trình cấp quy chế cho VĐV trung lập được phép (ANA) – cho phép các VĐV Nga tham dự các giải quốc tế dưới điều kiện nghiêm ngặt tuân thủ quy chế chống doping – đã bị treo sau vụ gian lận của Lysenko vốn lợi dụng quy chế này cho đến mùa hè năm 2018. Do đó, quy chế ANA này cho năm 2021, và do đó cho Olympic Tokyo, sẽ được “xem lại và thảo luận” tùy theo sự tiến triển trong quá trình soạn thảo kế hoạch cải tổ.