Một tiếng đồng hồ trước khi diễn ra trận đấu tứ kết giữa tuyển Anh và người Đức, HLV Thranhardt đã có mặt tại sân đấu, đôi mắt của ông nhìn chăm chăm mọi thứ, không bỏ sót bất kỳ cái gì, ngay thời điểm mà Jan-Lennard đang chuẩn bị cho trận đấu với Cameron Norrie (trận đơn thứ 2, khi Jan-Lennard đánh bại đối thủ với điểm số 7-6 (8-6), 3-6 và 6-2; trước đó, Peter Gojowczyk đã để thua Dan Evans với điểm số 2-6, 1-6 trong trận đấu mở màn).
Thranhardt là HLV thể lực và tâm lý của tuyển Đức. Tầm quan trọng của ông không thể ngang bằng với Đội trưởng Michael Kohlmann. Tuy vậy, ông đã trở thành một thành viên không thể thiếu vắng trong đội hình tuyển Đức và đặc biệt hơn, ông luôn kết nối chặt chẽ, hợp tác hoàn hảo với tay vợt hạng 51 thế giới, người đã đưa tuyển Đức “trở về từ cõi chết” khi đánh bại một Norrie đang chơi rất lên tay trong thời gian gần đây.
Trong suốt sự nghiệp thi đấu điền kinh lẫy lừng của mình, Thranhardt là một trong những VĐV nhảy cao xuất sắc nhất thế giới. Ông từng giành được tấm HCV trân quý ở Giải Điền kinh trong nhà Vô địch châu Âu hồi năm 1983, diễn ra tại thành phố Budapest (Hungary), với thành tích 2 mét 23. Ngoài ra, ông từng giành 4 HCB suốt giai đoạn của những năm 1980 và thắng cả HCĐ ở Giải điền kinh ngoài trời Vô địch châu Âu hồi năm 1986 tại Stuttgart (Đức).
Nói một cách đơn giản, Thranhardt có phả hệ - huyến thống về thể thao. Ông từng lập nên 3 kỷ lục thế giới và là thành viên của một CLB thể thao độc quyền, nơi chỉ “kết nạp” những VĐV, cựu VĐV từng “bay qua” mức xà 2 mét 40. Kỷ lục cuối cùng của Thranhardt là 2 mét 42, ông thiết lập nó hồi năm 1988. Sau này, dù không còn thi đấu ở đẳng cấp chuyên nghiệp, ông vẫn tiếp tục thi đấu ở nhóm tuổi Masters 55 và lập KLTG ở hệ giải này với thành tích 1 mét 90 hồi 2013.
Khi tuyển Đức ráo riết chuẩn bị cho Davis Cup Finals trong tình trạng không có tay vợt hàng đầu Zverev, Thranhardt đã được thuê để làm trợ lý HLV. Chính Giám đốc thể thao của Liên đoàn quần vợt Đức, ông Klaus Eberhard, đã đưa ra quyết định táo bạo này và cho đến lúc này, hoàn toàn là quyết định sáng suốt. Người đàn ông 64 tuổi đã mang đến một góc nhìn khác cho tuyển Đức và thứ tâm lý chiến thắng trong trạng thái bình tĩnh “lược trận” ở bên ngoài sân.
“Tôi từng thích trở thành một tay vợt chuyên nghiệp hơn là một cao thủ nhảy cao,” Thranhardt chia sẻ về tình yêu lâu nay với quần vợt, thứ tình yêu “không hề giấu kín”, “Tôi vốn đã yêu mến quần vợt từ khi còn nhỏ xíu, khoảng 8 hay 9 tuổi gì đó, nhưng khi tôi lớn lên, khu vực tôi sinh sống không hề có sự phát triển về quần vợt. Tôi chỉ có thể chơi bóng ném, bóng rổ, rồi mãi sau đó, tôi mới bắt đầu bắt dính với quần vợt…”.
“Điều chính yếu khi bạn là một VĐV nhảy cao sở hữu vài KLTG, bạn biết rõ sự phản ứng của cơ bắp, cả sự co kéo cơ bắp khi đang thi đấu, bạn rất rành về chuyện này. Thật là tuyệt vời nếu như bạn có thể tận dụng điều đó để tung ra một cú trái tay nhanh hơn 1/10 giây. Tôi cũng giúp một tay vợt tiếp cận bóng sớm hơn và thậm chí có thể chơi hiệu quả hơn với kỹ năng hiện tại. Sau nhiều năm thi đấu thể thao, tôi biết ý nghĩa của tính bền vững, tốc độ và kỷ luật. Các VĐV phải giải quyết nhiều vấn đề về phối hợp, tốc độ một tay vợt có thể hưởng lợi từ những điều đó”, Thranhardt tiết lộ bí quyết ông mang đến cho các tay vợt chuyên nghiệp.
“Tôi thật sự yêu thích các yếu tố cấu thành nên quần vợt: Thể lực, sức mạnh, và tâm lý. Nhảy cao thì rất đơn giản, bạn chỉ phải bay lên và vượt qua mức xà càng nhiều càng tốt. Quần vợt lại là nhiều hơn, và thách thức hơn, khi người này đối đầu với người kia. Một người đàn ông đối đầu một người đàn ông sẽ là thú vị hơn rất nhiều. Ngoài ra, bạn thường rất đơn độc khi thi đấu điền kinh. Vì vậy, sẽ hay ho hơn rất nhiều nếu được tham gia cùng một đội và truyền tải kinh nghiệm mà bạn có trong cả cuộc đời. Đôi khi, nói chuyện với các tay vợt về việc trở thành số 1 thế giới sẽ là rất phấn khích, và cũng thật sự có ích”.
Thranhardt cũng tập trung vào khía cạnh tinh thần của màn trình diễn nhưng vẫn tin rằng, bất cứ ranh giới tâm lý nào mà một tay vợt có thể phát triển, khai thác… đều bắt nguồn từ sự chuẩn bị tốt về mặt thể chất: “Tôi vốn không phân biệt rõ ràng giữa thể chất và tinh thần, chúng tồn tại cùng nhau. Nó giống như một bức tranh khảm, với những viên đá nhỏ được ghép lại với nhau để tạo thành một bức tranh khảm hoàn chỉnh”.
Với Struff, người trở thành tay vợt hàng đầu của tuyển Đức khi Zverev vắng mặt, Thranhardt là một nhân tố góp công to lớn và là người giúp các tuyển thủ có cảm giác bình tĩnh: “Ông ấy là một huyền thoại, ông ấy là một cao thủ nhảy cao nổi tiếng ở Đức, nhưng khi biết ông ấy thông qua Davis Cup, tôi biết ông ấy là một người thoải mái và vui vẻ. Đây là kỳ giải Davis Cup đầu tiên của tôi, tôi hay đi ra ngoài hít thở không khí trong lành cùng với ông ấy. Ông ấy rất dễ tính, vì vậy, tôi cảm thấy rất thoải mái”.
“Chúng tôi luôn khởi động cùng nhau và những gì mà ông ấy giúp bạn chuẩn bị là để bùng nổ và di chuyển tốt sau đó trong trận đấu. Khi chúng tôi khởi động, ông ấy luôn đưa ra những bài tập khác hoàn toàn những gì mà tôi thường làm. Mọi thứ ông ấy chuẩn bị cho chúng tôi đều rất là chất lượng và ông ấy có những hiểu biết khác nhau, để mang lại những hướng đi khác nhau!”, Struff đánh giá cao những gì mà Thranhardt đã làm cho anh và tuyển Đức.