Tuyển thủ quốc gia Lê Tú Chinh là một trong những người được người hâm mộ và làng điền kinh Việt Nam quan tâm nhất lúc này ở việc cô sẽ được trao cơ hội dự SEA Games 32 hay không. Đúng thời điểm này một năm trước, Tú Chinh bất đắc dĩ nói lời chia tay SEA Games 31 do gặp chấn thương trước khi Đại hội khởi tranh trên sân nhà rồi sau đó cô được phẫu thuật. Qua một năm, Tú Chinh bắt đầu trở lại thi đấu với giải đầu tiên là cúp tốc độ TPHCM 2023. Thực tế, cô cũng chia sẻ rằng mình mới xỏ giầy làm quen tập cường độ cao trở lại khoảng 2 tháng trước cúp tốc độ TPHCM 2023.
Ban huấn luyện đội tuyển điền kinh Việt Nam không đặt mục tiêu sẽ tranh được HCV nội dung 100m và 200m nữ tại SEA Games 32 lần này. Điều này là thực tế và dựa trên con người đang có. Do vậy, xem xét kỹ lưỡng cử tuyển thủ phù hợp là tính toán của ban huấn luyện đồng thời lãnh đạo Đoàn thể thao Việt Nam phải dựa trên báo cáo chuyên môn từ dự đoán khả năng tranh được huy chương ở từng trường hợp VĐV mới quyết định về con người.
SEA Games 31, khi môn điền kinh thi đấu trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình, tổ cự ly ngắn nữ điền kinh Việt Nam có tham dự 100m và 200m nữ nhưng không tuyển thủ nào giành huy chương. SEA Games 30 năm 2019 tại Philippines, chúng ta có Lê Tú Chinh giành HCV 100m (11”54) và HCB 200m (24”45). SEA Games năm 2017 tại Malaysia, Tú Chinh giành HCV 100m (11”56) và HCV 200m (23”32). Tú Chinh có khát khao thi đấu để đạt được thành tích tốt nhất. Tuy nhiên, với môn thể thao rất khắc nghiệt về tính cạnh tranh dựa vào thông số chuyên môn ngay trên đường chạy này, quy luật thắng – thua rất áp lực và căng thẳng.
Nhà vô địch 100m nữ của SEA Games trong môn điền kinh thời điểm hiện tại là Kayla Richardson (Philippines) còn vô địch 200m là Veronica Shanti Pereira (Singapore). Cả hai đều là những người chạy tốt nhất Đông Nam Á vào lúc này. Chưa kể mới đây, Veronica Shanti Pereira đạt thông số 22”89 nội dung 200m khi thi đấu giải điền kinh Australia mở rộng 2023 (phá kỷ lục Đông Nam Á) còn ở nội dung 100m thì cô đã đạt chỉ số 11”37. Cô có dự SEA Games 32.
Năm 2022, kết quả tại Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022 cho chúng ta ba gương mặt đứng đầu nội dung 100m nữ là Trần Thị Nhi Yến (11”75), Hoàng Dư Ý (11”81) và Kha Thanh Trúc (11”87) còn ở nội dung 200m thì ba người có kết quả tốt nhất lần lượt là Kha Thanh Trúc (24”05), Trần Thị Nhi Yến (24”18) và Phùng Thị Huệ (24”36). Tất cả họ đang là thành viên đội tuyển quốc gia. Tú Chinh dự 100m tại cúp tốc độ TPHCM 2023 vừa qua và đạt chỉ số 11”81.
Lần gần nhất Tú Chinh dự SEA Games là năm 2019 tại Philippines. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG |
Nếu so sánh sòng phẳng về chuyên môn, ở thời điểm hiện tại, Lê Tú Chinh rất khó cạnh tranh được thành tích huy chương với các đối thủ rất sung sức của Thái Lan, Singapore, Philippines, Malaysia trong các cuộc đua 100m và 200m tại SEA Games lúc này. Chưa kể, cô vừa trải qua giai đoạn hồi phục và tập dần trở lại. Nếu một sự bất trắc của việc ép VĐV vào cường độ mạnh là rất nguy hiểm cho sức khỏe cũng như sự nghiệp nếu không may chấn thương tái phát.
Chúng ta đã tới với SEA Games bằng tâm thế thi đấu để giành huy chương chứ không phải cọ xát, mà ở đây là những tuyển thủ đảm bảo được sự dự đoán chuyên môn tranh chấp từ những kết quả HCB cho tới HCV. Khi phải tính toán con người phù hợp vì cần cắt giảm con người dựa trên danh sách dự kiến sơ bộ, khó tránh khỏi những quyết định phải quyết đoán.
Một bài toán được đưa ra rằng có hay không nếu Lê Tú Chinh sẽ góp mặt trong tổ tiếp sức 4x100m nữ. Ban huấn luyện cũng phân tích, mỗi tổ tiếp sức phải có sự tập và kết hợp với nhau nhuần nhuyễn trong một thời gian dài. VĐV chạy đơn có thể đạt kết quả tốt nhưng chưa làm quen nhiều cùng đồng đội thì chưa hẳn sẽ phối hợp nhuyễn khi đứng chung đội tiếp sức. Nếu HLV trực tiếp huấn luyện Lê Tú Chinh và ban huấn luyện khẳng định chắc chắn cô giành được HCV tại SEA Games 32 tới, một suất chính thức dự Đại hội là điều không bàn cãi. Tuy thế, Lê Tú Chinh đang là bài toán đau đầu của nhà quản lý để tìm phương án phù hợp nhất.