Tương tự như chuyện ở đội bóng HA.GL, nơi thế hệ các cầu thủ từ Học viện HA.GL-Arsenal JMG vẫn luôn tìm được cơ hội để trải nghiệm ở môi trường bóng đá số 1 Việt Nam, rất có ích cho chiến lược đào tạo và rèn luyện con người cho CLB.
Vì vậy, các cấp độ đội tuyển luôn cảm thấy hài lòng khi triệu tập các cầu thủ của 2 “vựa” nhân lực này. Chưa kể, điều đó tác động rất lớn đến sự thay đổi tư duy ở nhiều CLB khác, xưa nay hoặc thích dựa vào ngoại binh hoặc chú trọng sử dụng cầu thủ kinh nghiệm để đấu V-League, hạng Nhất. Các đội bóng SLNA, Viettel, Khánh Hoà, Quảng Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng… giờ đây rất chịu khó đưa cầu thủ trẻ vào sân thi đấu, không đá chính thì cũng được vào sân từ ghế dự bị, giúp họ trưởng thành cả về chuyên môn lẫn thái độ chơi bóng.
Ngay cả trường hợp tiền đạo Hà Đức Chinh, người từng bị HLV Lê Huỳnh Đức (Đà Nẵng) chê đá dở, thì giờ đây cũng hoàn toàn có cơ hội được chơi nhiều hơn cùng các đàn anh ở V-League 2019, nhất là sau khi đã trình diễn một phong độ ấn tượng ở vòng loại Giải vô địch U.23 châu Á 2020 kết thúc hồi tháng trước. Những cầu thủ U.23 khác như Trần Danh Trung, Trần Thành (Huế), Hồ Tấn Tài, Nguyễn Tiến Linh (Bình Dương), Triệu Việt Hưng, Trần Thanh Sơn (HA.GL), Đinh Thanh Bình, Nguyễn Hoàng Đức (Viettel)… chắc chắn sẽ được trọng dụng nhờ vào chính tiềm năng của họ.
Đúng là khi các CLB cùng nhập cuộc, xây dựng chiến lược phát triển của mình được gắn với lợi ích của các đội tuyển U.22, U.23 hay ĐTQG, thì rõ ràng sự chuyển biến về thành tích thể hiện rất rõ ràng. Chuyện này cần được duy trì, và may mắn là bóng đá Việt Nam có được “cầu nối” Park Hang-seo, một chiến lược gia kiêm nhà tâm lý thể thao đẳng cấp, đủ sức thuyết phục những nhà chuyên môn khó tính nhất mở ra cơ hội cho các học trò của mình được chơi bóng ở CLB, trước khi trở lại làm nhiệm vụ quốc gia.