Người ta hay nói, bóng đá là cuộc sống, có những thứ tưởng là tình cờ hóa ra lại là định mệnh. Năm 2016 tại sân Mỹ Đình, Việt Nam đã trải qua những cay đắng khi bị Indonesia loại khỏi AFF Cup 2016 theo một cách nghiệt ngã nhất tại trận bán kết lượt về. Vài tháng sau đó, ở SEA Games 2017, cũng chính Indonesia là đội ngáng đường bằng trận hòa 0-0 và sau đó, U22 Việt Nam bị loại bởi thất bại 0-3 trước Thái Lan. Phần còn lại của lịch sử, như chúng ta đều biết: HLV Nguyễn Hữu Thắng từ chức và người thay chính là ông Park Hang-seo.
Danh hiệu đầu tiên của HLV Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam là chiếc HCĐ ở giải giao hữu M-150 tại Thái Lan và chúng ta có được bằng cách đánh bại U23 Thái Lan trong trận tranh hạng 3. Thật là trùng hợp, chính Thái Lan sẽ là chướng ngại cuối cùng để HLV Park Hang-seo hoàn thành chặng đường vinh quang của mình. Nhà cầm quân người Hàn Quốc vừa giúp chúng ta có chiến thắng đầu tiên trước Indonesia tại AFF Cup kể từ năm 1996, và nếu có thể sẽ là một chiến thắng trước Thái Lan tại chung kết AFF Cup 2022 tới đây, đó là cái kết quá đỗi trọn vẹn và ngọt ngào.
Nhưng trong bóng đá, không nên nói trước điều gì. Hơn ai hết, HLV Park Hang-seo cũng muốn một lần đánh bại đối thủ A.Polking, người đã cùng Thái Lan chiến thắng Việt Nam tại bán kết AFF Cup 2020 cách đây một năm. Thắng - thua, hạ hồi phân giải. Nhưng rõ ràng, trận chung kết giữa 2 nền bóng đá lớn nhất khu vực đã mở ra nhiều vấn đề. Thứ nhất, di sản của HLV Park Hang-seo để lại đang ngày càng lớn hơn, tạo nhiều áp lực hơn cho người kế nhiệm. Thứ hai, Thái Lan dù ở hoàn cảnh nào, thời điểm nào, vẫn thể hiện được đẳng cấp của mình. Trong 10 năm qua, họ vào chung kết 4/6 kỳ AFF Cup và đã giành đến 3 chức vô địch.
Đó là một bài học về sự phát triển bóng đá mà ngay cả khi không còn HLV Park Hang-seo thì bóng đá Việt Nam phải theo đuổi quyết liệt để tránh tình trạng lạc lối. Nhìn từ góc độ đó, thì 2 trận chung kết lượt đi và lượt về không hẳn là sự khép lại của bất kỳ điều gì, mà đang mở ra cánh cửa của những khao khát mới đối với bóng đá Việt Nam.