Bóng đá Việt Nam và thăng trầm ở Gelora Bung Karno

Cộng dồn 2 kỳ SEA Games 1997 (6 trận), SEA Games 2011 (5 trận) và AFF Cup 2002 (3 trận), các đội tuyển Việt Nam đã thi đấu 14 trận ở Gelora Bung Karno, với 7 lần được ca khúc khải hoàn, kèm 2 trận hòa và 5 thất bại.
Văn Quyết là tuyển thủ Việt Nam duy nhất từng thi đấu với U23 Indonesia ở sân Gelora Bung Karno tại SEA Games 2011. ẢNH: GETTY
Văn Quyết là tuyển thủ Việt Nam duy nhất từng thi đấu với U23 Indonesia ở sân Gelora Bung Karno tại SEA Games 2011. ẢNH: GETTY

“Thánh đường” bóng đá Indonesia có sức chứa 80.000 chỗ ngồi này từng chứng kiến thế hệ của những Huỳnh Đức, Nguyên Chương, Sỹ Hùng, Minh Hiếu, Công Minh... khoác lên cổ tấm huy chương đồng SEA Games 1997. Năm năm sau, đến lượt đội tuyển quốc gia kết thúc AFF Cup 2002 ở vị trí thứ 3. Nhưng Gelora Bung Karno cũng là “ác mộng” của U23 Việt Nam tại SEA Games 2011, với thất bại 0-2 trước đội chủ nhà ở bán kết. Một băng rôn có dòng chữ “Goodbye Vietnam” (Tạm biệt Việt Nam) của CĐV Indonesia được nhà đài cho lên sóng từng trở thành nỗi ám ánh với bóng đá Việt Nam trong khoảng thời gian dài.

Tiền đạo Nguyễn Văn Quyết là chứng nhân sót lại duy nhất trong đội hình của cựu HLV Falko Gotz ở trận thua năm 2011. Sau 12 năm, Văn Quyết thêm một lần đặt chân đến “thánh địa” Gelora Bung Karno, với khát khao trả nợ món nợ năm xưa, và cùng các đồng đội kiếm tìm kết quả tốt nhất cho trận bán kết lượt đi AFF Cup.

Quyết tâm của cầu thủ xuất sắc nhất V-League 2022 cũng là hình ảnh đại diện cho thầy trò HLV Park Hang-seo khi sang làm khách ở sân đấu vốn "đi dễ khó về" với các đội tuyển trong khu vực. Lịch sử AFF Cup và SEA Games từng chứng kiến các đội tuyển Việt Nam đánh bại đội chủ nhà ở các “pháo đài” Rajamangala (Thái Lan), Bukit Jalil (Malaysia) và SVĐ quốc gia Singapore, nhưng Gelora Bung Karno vẫn là điều gì đó bất khả xâm phạm với Indonesia. Bên cạnh thất bại ở SEA Games 2011, Việt Nam từng 2 lần cầm hòa đội chủ nhà tại SEA Games 1997 và AFF Cup 2002 trên sân đấu này.

Hình ảnh "Goodbey Vietnam" ở trận bán kết SEA Games 2011 từng là nỗi ám ảnh với các CĐV Việt Nam trong một khoảng thời gian dài

Hình ảnh "Goodbey Vietnam" ở trận bán kết SEA Games 2011 từng là nỗi ám ảnh với các CĐV Việt Nam trong một khoảng thời gian dài

Chơi bóng ở Gelora Bung Karno không phải điều dễ dàng. Với áp lực rất lớn từ người hâm mộ Indonesia cuồng nhiệt và say mê bóng đá, thậm chí trên mức cần thiết. Áp lực của CĐV Indonesia không chỉ tác động đến tâm lý của đội khách mà còn khiến lực lượng an ninh và ban tổ chức đau đầu trong việc kiểm soát. Nhưng với các cầu thủ, được trình diễn ở “sân khấu” như thế là một trải nghiệm tuyệt vời, rèn dũa tinh thần thép và hoàn thiện bản thân. Đó cũng chính là mục tiêu để HLV Park Hang-seo cùng học trò hướng đến.

Trước giờ lên đường sang thủ đô Jakarta, HLV Park Hang-seo tự tin chia sẻ: “Truyền thống hay kỷ lục ghi chép thì rất hay, nhưng đó là yếu tố có thể phá vỡ lúc nào. Trước và sau khi HLV Shin Tae-yong sang làm việc ở Indonesia thì chúng tôi vẫn đánh bại được họ. Tôi đang có thành tích bất bại mỗi khi đối đầu với đội bóng của ông Shin. Dù sao thì Indonesia là đối thủ không dễ chơi, nhưng Việt Nam đủ sức để thắng”.

Cái dớp là để chinh phục, lịch sử sẽ được sang trang. Vinh quang và ác mộng ở Gelora Bung Karno, các đời tuyển thủ Việt Nam đều từng trải. Chắc chắn địa điểm này tiếp tục "đi dễ khó về" với thầy trò HLV Park Hang-seo. Nhưng bằng trái tim nóng và các đầu lạnh, hy vọng các tuyển thủ sẽ chân cứng đá mềm để thu về kết quả tốt nhất sau trận đấu vào tối 6-1 tới. Dù sao, toàn đội vẫn còn một trận đấu ở “chảo lửa” Mỹ Đình để hướng đến tấm vé vào chơi trận chung kết AFF Cup 2022.

Tin cùng chuyên mục