Người yêu bóng đá mang cảm giác ngao ngán trước cách hành xử của những người “cùng một nhà” với nhau.
1. Bóng đá cũng chỉ là một thành viên của cả nền thể thao quốc gia và bóng đá cũng không chỉ của 28 CLB ở V-League và hạng nhất, hay của riêng VPF. Phía sau đó là hàng trăm ngàn con người đang miệt mài làm việc với những khoản thu nhập ít ỏi trong việc gìn giữ phong trào, đào tạo phát triển tài năng để chính các CLB chuyên nghiệp được hưởng lợi.
Thượng tầng bóng đá càng mâu thuẫn thì càng tác động xấu đến phần còn lại những người làm bóng đá phong trào, các bậc phụ huynh hay rộng hơn là những tổ chức xã hội, doanh nghiệp… có thể yên tâm đóng góp khi những người có thể coi là “chóp bu” tham gia điều hành các giải đấu đang bận… cãi nhau.
VPF hay các CLB đều là thành viên của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), bản thân CLB là cổ đông của Công ty VPF, mâu thuẫn nếu có thì cũng là vấn đề nội bộ, đúng ra phải tự giải quyết. Chưa nói, VPF hoạt động theo mô hình cổ phần, ban lãnh đạo được các cổ đông bầu ra, giao cho họ những chức trách và quyền hạn nhất định. Trong một vài trường hợp cụ thể, lãnh đạo VPF đưa ra quyết định không nhất thiết phải được các cổ đông thông qua, và cũng không phải quyết định nào cũng thỏa mãn tất cả. Nếu các cổ đông không đồng ý, họ có quyền nêu ý kiến và sử dụng quyền của mình ở đại hội cổ đông.
2. Trước khi xảy ra dịch Covid-19, những mâu thuẫn hoặc nặng hơn là xung đột lợi ích giữa CLB với VFF, VPF đã từng diễn ra; vấn đề này không phải chỉ xảy ra với bóng đá Việt Nam. Nhưng những tác động nặng nề của dịch Covid-19 đã đẩy các mâu thuẫn ấy đến chỗ khó hàn gắn.
Tính từ đầu năm 2020 đến nay, tổng số trận đấu có khán giả giảm đến phân nửa so với lúc bình thường. V-League tạm hoãn đến 5 lần trong 2 mùa vừa qua, và đến thời điểm hiện nay, mùa giải 2021 đã chính thức hủy bỏ. Các CLB lâm vào tình trạng kiệt quệ tài chính do các khoản nợ kéo dài, còn bản thân VPF đau đầu tìm cách giải quyết với nhà tài trợ. Đứng ở góc độ của mình, VPF muốn mùa bóng 2021 đi đến nơi về đến chốn để duy trì quyền lợi nhà tài trợ, nhưng với CLB, càng kéo dài thì họ càng dễ phá sản. Mâu thuẫn vì thế mà nảy sinh.
Có thể hiểu bức xúc của CLB, cũng như hành động đòi hỏi VPF phải tổ chức đại hội cổ đông bất thường và cải tổ bộ máy lãnh đạo. Vốn dĩ, VPF cũng là một công ty cổ phần, đại diện cho các CLB để kinh doanh thương quyền V-League. Chuyện làm ăn trục trặc, doanh thu không có, các CLB bế tắc tài chính thì họ có quyền tìm kiếm một dàn lãnh đạo mới để cải thiện tình hình. Nhưng trong lúc nóng giận, có lẽ một vài CLB đã quên mất rằng, lãnh đạo hiện nay của VPF cũng chính họ bầu ra. Giờ thay đổi, liệu có giải quyết rốt ráo những khó khăn trong chốc lát.
3. Bản chất của câu chuyện vẫn do nền bóng đá chuyên nghiệp chưa thể tự kiếm ra tiền. Chỉ cần nhà tài trợ, hoặc địa phương “cắt” ngân sách, thì số phận đội bóng như đèn trước gió. Ngay chính HA.GL, một đội bóng tư nhận đá V-League từ năm 2003 đến nay, cũng chưa từng khẳng định họ tồn tại dựa trên các nguồn thu trực tiếp từ bóng đá như bán vé, bản quyền hình ảnh…
Giải V-League là xương sống nền bóng đá, điều đó không bàn cãi. Nhưng muốn V-League kiếm được tiền để CLB tự nuôi sống mình thì cũng cần phải có những đầu tư, quan tâm nhất định từ các cấp quản lý, bao gồm cả Bộ VH-TT-DL. Vai trò của V-League cần được đề cao, bởi các CLB chính là trụ cột của nền bóng đá, là nơi đào tạo, trả lương, phát triển cầu thủ.
Bóng đá nội đang lâm vào cảnh mỗi bên nhìn một hướng, mà cú sốc từ Covid-19 khiến cho sự đổ vỡ đã ở bên bờ vực. Đây là lúc cần có những động thái tích cực, mang tính xây dựng hơn từ các bên để tránh cho công cuộc phát triển V-League 20 năm bị lãng phí.
Có một thực tế trong một thời gian dài, đội tuyển quốc gia lại gần như là thỏi nam châm trong mọi đầu tư công lẫn tư. V-League luôn chịu sự thiệt thòi, nhiều CLB phải “hy sinh” lực lượng cho các đợt tập trung dài ngày của tuyển, lịch thi đấu V-League bị ngắt vụn, công chúng cũng quan tâm nhiều hơn đến đội tuyển… Vị trí của giải đấu số một quốc gia trong nền bóng đá bị xem nhẹ, ít nhiều cũng khiến những nhà đầu tư nản lòng. |