Bóng đá trẻ cần một cú hích mới: Nhạc trưởng và tinh thần chung sức

Việt Nam chưa quan tâm đầu tư bóng đá học đường, chưa có hệ thống giải U đủ lớn, nên ngoài việc chờ đợi có một chiến lược tổng thể thì vẫn phải áp dụng các giải pháp ngắn hạn. Bởi bên cạnh tầm nhìn còn phải cố gắng duy trì tính ổn định và vị thế hiện tại để tạo xung lực.
Các cầu thủ trẻ của SHB Đà Nẵng tham dự một giải trẻ
Các cầu thủ trẻ của SHB Đà Nẵng tham dự một giải trẻ

Trách nhiệm với bóng đá nước nhà

Điểm chung của việc làm bóng đá chuyên nghiệp ở các CLB trên toàn thế giới là hướng đến sự hưng thịnh của đội tuyển quốc gia. Nếu các CLB chỉ nhắm đến thành tích mà lơ là công tác đào tạo trẻ thì đó là sự thiếu trách nhiệm, không đúng tinh thần của bóng đá chuyên nghiệp. Do đó, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) hay Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cần quyết liệt thực thi các chính sách về cầu thủ trẻ dựa trên một vài đặc thù của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Chẳng hạn, các CLB không có các tuyến trẻ cơ hữu tại chỗ thì tối thiểu phải tham gia đầy đủ các vòng loại của những giải U. CLB có thể đi mượn đội trẻ nơi khác về, nhưng hợp đồng thi đấu với cầu thủ phải đạt tối thiểu 6-9 tháng, chứ không chỉ mang tính thời vụ trong khuôn khổ giải đấu. Kế đến, số lượng cầu thủ trẻ đăng ký dự giải V-League và hạng nhất phải chiếm một tỷ lệ đủ để buộc các CLB phải sử dụng họ.

Trung bình trước mỗi mùa giải, một CLB đăng ký chỉ từ 25-30 cầu thủ, nên nếu đưa ra quy định số cầu thủ U21 là 30% thì khả năng ra sân của họ sẽ cao. Không nên buộc các CLB phải dùng bao nhiêu cầu thủ trẻ trong một trận đấu vì họ có thể “lách luật”, nhưng khi số cầu thủ U21 được đăng ký nhiều thì họ buộc phải dùng để tiết kiệm ngân sách. Thậm chí, có thể nâng tỷ lệ này lên 50% dành riêng cho Cúp quốc gia, giải đấu mà các CLB ít chịu áp lực thành tích và cũng bị hạn chế ngoại binh. Đây đều là những biện pháp kỹ thuật, có thể áp dụng được ngay.

Tại V-League 2023 vừa qua, Khánh Hòa chỉ đăng ký 5 cầu thủ U23 và hầu như họ sử dụng các cựu binh để qua đó trụ hạng thành công. Ngược lại, SHB Đà Nẵng có đến 11 cầu thủ U23 và phải xuống hạng. Nếu đưa ra mức sàn về số cầu thủ đăng ký, cũng là tạo ra sự công bằng giữa các CLB thay vì khiến cho đội dùng cầu thủ trẻ nhiều bị thiệt thòi.

Tạo dựng mô hình riêng

Thực tế của các giải vô địch U quốc gia trong 20 năm qua cho thấy rất khó để mở rộng thể thức thi đấu do các rào cản về tài chính. Các giải U hiện nay cũng phải “nhờ” những đơn vị truyền thông thực hiện cũng vì lý do này. Nên việc VFF duy trì được hệ thống giải từ U15 đến U21 như hiện tại là nỗ lực rất lớn. Tuy nhiên, việc quá tập trung vào hoạt động thi đấu chuyên nghiệp của tuổi U cũng có thể là giới hạn về tầm nhìn. Trên thế giới, số lượng cầu thủ chuyên nghiệp hoặc CLB chuyên nghiệp luôn có giới hạn, nhưng khâu bán chuyên, phong trào hay nghiệp dư là mảnh đất rộng mở. Ở Việt Nam từng có các cầu thủ Giang Thành Thông hay Nghiêm Xuân Tú chơi phong trào rồi chuyển sang chuyên nghiệp, là những ví dụ.

TPHCM là điểm sáng của bóng đá học đường

Liên đoàn Bóng đá TPHCM (HFF) được xem là “đầu tàu” trong công tác tổ chức và phát triển bóng đá cộng đồng trong trường học với người chấp bút cho chương trình xuyên suốt 10 năm qua là chuyên gia Đoàn Minh Xương (cựu giảng viên bóng đá của Trường Đại học TDTT TPHCM). Từ những kế hoạch chiến lược của ông, chủ yếu dựa vào mô hình phát triển tại Nhật Bản cùng sự phối hợp tốt giữa Sở VH-TT, HFF, Sở GD-ĐT đã góp phần giúp bóng đá học đường TPHCM lan tỏa sâu rộng trong 1 thập niên qua.

Đến nay, đã có 100% trường (234 trường tiểu học, 81 trường trung học cơ sở) ở các khối tiểu học, trung học cơ sở khai giảng và tập luyện theo chương trình bóng đá học đường của HFF. Những festival bóng đá học đường được HFF tổ chức hàng năm thu hút sự tham gia của các trường học, tạo nên những ngày hội của bóng đá trẻ. Song song đó là bóng đá cộng đồng cũng được phát triển mạnh tại TPHCM.

Từ thành công đó đã được nhiều liên đoàn bóng đá địa phương khác vận hành theo. Theo thống kê, những năm qua trên cả nước đã có hàng ngàn trung tâm bóng đá cộng đồng được hình thành. Đây được xem là chân đế để bóng đá Việt Nam có thêm một kênh tìm kiếm, đào tạo và không bỏ sót các tài năng bóng đá, đóng góp cho các CLB chuyên nghiệp và đội tuyển quốc gia. Như mới đây ở đội hình U20 Nhật Bản tham dự giải châu Á đã có đến 4 cầu thủ đang là sinh viên. Những chuyến tập huấn của đội U23 Việt Nam tại Nhật Bản và Hàn Quốc, phía liên đoàn bóng đá nước chủ nhà thường bố trí các đội sinh viên thi đấu và họ đều là những “quân xanh” chất lượng.

QUỐC CƯỜNG

Tại các nền bóng đá tiên tiến như Pháp, Đức, Anh, Australia, Nhật Bản phát triển mạnh hệ thống giải vùng, địa phương, chủ yếu là dành cho cầu thủ bán chuyên và cầu thủ trẻ. Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản thì đẩy mạnh thể thao học đường. Ví dụ như giải bóng đá kiểu Mỹ dành cho các trường trung học tại Mỹ năm ngoái bán bản quyền đến 1 tỷ USD, hoặc phần lớn VĐV bóng rổ ở Mỹ là sinh viên. Tất nhiên, cần phải hiểu đây là thể thao học đường chuyên nghiệp, theo hình thức CLB chứ không phải là một môn giáo dục thể chất như ở Việt Nam.

Giải bóng đá sinh viên Việt Nam năm 2023 có đến 42 đội đăng ký. Một giải nội bộ thuộc Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội cũng có 16 đội đá đến 120 trận suốt năm, đó là những con số rất “khủng” mà chúng ta chưa khai thác. Còn nhớ, khoảng thời gian 1995-2000, các giải thể thao sinh viên ở TPHCM có một bầu không khí thực sự ấn tượng do yếu tố tổ chức mang hơi hướng chuyên nghiệp. Các trận đấu bóng chuyền giữa Trường Đại học Kinh tế TPHCM và Trường Đại học Bách khoa TPHCM, hay bóng đá giữa ĐH Bách khoa TPHCM với ĐH Kiến trúc TPHCM chẳng khác gì những trận tại giải vô địch quốc gia cả. Rất tiếc, ở bóng đá chưa có nhiều cầu thủ sinh viên chuyển sang chuyên nghiệp như ở các môn bóng bàn, cờ vua, võ thuật…

Dựa trên đặc thù của bóng đá Việt Nam, chúng ta cần một mô hình riêng cho bóng đá trẻ chứ không thể “ép” các CLB mãi để rồi chỉ nhận lại các hình thức đối phó. Đã đến lúc đặt vấn đề “bóng đá học đường” trên tầm chiến lược quốc gia với cái bắt tay thật chặt giữa VFF với Bộ GD-ĐT và Hội Sinh viên Việt Nam. Cần phải có những CLB thể thao chuyên nghiệp trong môi trường học đường và việc tham gia các CLB này là hình thức học tập có ưu đãi học phí cho học sinh, sinh viên. Đó là một chiến lược phù hợp với công cuộc cải cách giáo dục cũng như sự phát triển của bóng đá trẻ Việt Nam.

Phát triển bóng đá học đường là cấp thiết

Mô hình phát triển bóng đá đỉnh cao phải đi qua 4 bước: bóng đá cộng đồng; đào tạo HLV; đào tạo nguồn cầu thủ trẻ; phát triển giải VĐQG. Ở những nước có nền bóng đá phát triển, bóng đá học đường và bóng đá cộng đồng phát triển song song, kết hợp với nhau tạo thành sân chơi bổ ích cho các em nhỏ. Bên cạnh đó là hình thành mô hình đào tạo chuẩn cho hệ thống bóng đá trẻ quốc gia.

Triển khai các hoạt động bóng đá cộng đồng và bóng đá học đường sẽ giúp huy động được nhiều nguồn lực của xã hội. Trước mắt sẽ cần phải đầu tư lớn nhưng có tốn thì cũng phải làm để góp phần tạo chân đế vững chắc cho mô hình phát triển của bóng đá trẻ. Ở mô hình bóng đá học đường hiện nay, các em sẽ thi đấu theo nhiều hệ thống. Ban đầu là hệ thống 5 người, rồi 8 người, 11 người, đến khi sau 15 tuổi sẽ có được những cầu thủ tài năng và giới thiệu đến tuyến trẻ của các CLB.

Bóng đá học đường, bóng đá cộng đồng phát triển tốt sẽ xây dựng được lực lượng cổ động viên, tình yêu bóng đá cho chính CLB, địa phương đó. Suy cho cùng khi tiến hành làm bóng đá là cũng để xây dựng hình ảnh cho chính CLB, địa phương. Vì thế rất cần sự phối hợp giữa các bên, giữa nhà nước và CLB trong hành trình đi từ gốc tới ngọn.

ĐOÀN MINH XƯƠNG, Chuyên gia bóng đá

Tin cùng chuyên mục