Asian Cup 2023: Chiến tranh ở dải Gaza che khuất bóng đá, khi tuyển Palestine chuẩn bị cho Giải vô địch châu Á

Trong suốt thời gian vừa qua, đội tuyển bóng đá Palestine đã phải tập luyện trong khó khăn, mất mát và đau thương để chuẩn bị cho Asian Cup 2023 sắp sửa diễn ra tại Qatar, khi dải Gaza chìm trong chiến tranh và bom đạn...

Tuyển thủ Palestine đang tập luyện chuẩn bị cho Asian Cup
Tuyển thủ Palestine đang tập luyện chuẩn bị cho Asian Cup

Một số tuyển thủ Palestine đang phải tập luyện trong tình trạng không thể tập trung, do họ đã mất đi những người thân yêu nhất trong cuộc bắn phá không ngừng nghỉ của quân đội Israel vào vùng lãnh thổ bị bao vây để trả đũa vụ tấn công hôm 7-10-2023 của Hamas.

Phần lớn dải Gaza đều đã trở thành những đống đổ nát, bao gồm cả các sân đấu từng rất huy hoàng và cực kỳ sôi động, trong các cuộc không kích, pháo kích, cũng như các cuộc tấn công trên bộ.

Nhiều sân vận động hiện được sử dụng như những nghĩa trang tạm thời, vì số người chết đã là quá nhiều và những nghĩa trang bình thường đã bị quá tải.

HLV trưởng của đội tuyển Palestine, ông Makram Daboud (cựu cầu thủ người Tunisia) nói từ trại tập luyện từ Saudi Arabia: “Mọi người đều dán mắt vào các bản tin trên truyền hình ở trước và cả sau các buổi tập, dù là trên xe buýt hay khi đang ở khách sạn”.

Vị HLV 51 tuổi (sinh năm 1972, từng chơi ở vị trí thủ môn) cho biết thêm khi trả lời phỏng vấn của phóng viên qua điện thoại: “Các cầu thủ luôn có thứ cảm giác chung nhất: Lo lắng cho cả gia đình và người thân ở quê nhà”.

palestine-players-are-training-for-the-2023-asian-cup-in-qatar-01-9060.jpg
Trước và sau các buổi tập, các cầu thủ Palestine luôn cảm giác lo lắng hướng về quê nhà

Hồi tháng 6 năm ngoái, Liên đoàn bóng đá Palestine (PFA) đã tổ chức ăn mừng lớn khi đội tuyển nước nhà giành được tấm vé tham dự Asian Cup lần thứ 3. Ở trong 2 lần trước đó, các năm 2015 và 2019, họ đều bị loại ở vòng bảng, xếp hạng 16 và 18 chung cuộc.

Hiện tại, khi Asian Cup đang đến rất gần, niềm vui lại bị thay thế bởi lo lắng và đau thương, cả đội cảm thấy suy sụp dù họ đang đứng trước cơ hội lịch sử thứ 3, đối đầu với những đội tuyển mạnh nhất của châu Á.

HLV Daboud chia sẻ thêm: “Chúng tôi gặp rất, rất nhiều vấn đề, từ thể chất, kỹ thuật thậm chí đến cả chiến thuật, do Giải Vô địch quốc gia bị tạm hoãn vì tình hình chiến tranh... cũng như là các vấn đề về mặt tâm lý”.

makram-daboud-2111.jpg
HLV Daboud trong một buổi tập

Kể từ cuộc tấn công kinh hoàng của Hamas hồi tháng 10, các trận đấu bóng đá của Palestine trong các khu vực do Israel kiểm soát: Dải Gaza và Bờ Tây, đều bị đình chỉ.

Nhiều cầu thủ, như là các anh Mahmoud Wadi, và Mohammed Saleh gặp phải rất nhiều khó khăn vì gia đình mắc kẹt ở trong khu chiến sự, nhà của của họ đã bị phá hủy hoàn toàn.

“Họ đang rất đau khổ”, ông Daboud chia sẻ, và nói thêm rằng, những cầu thủ khác lại có người thân đang phải chạy trốn khỏi miền Bắc và kiếm sự an toàn ở miền Nam, mà các điều kiện sinh hoạt ở khu vực này lại “cực kỳ khó khăn”.

Dù vậy, đội tuyển Palestine vẫn đặt mục tiêu cao ở kỳ giải Asian Cup 2023 tại Qatar, nơi họ nằm ở bảng C cùng với Iran "hùng mạnh", UAE và Hồng Kông. Palestine sẽ có trận đấu mở màn với tuyển Iran vào ngày 14-1 tới đây tại sân Education City (Al Rayyan).

palestine-team-01-1418.jpeg
Tuyển Palestin vẫn đặt mục tiêu cao ở Asian Cup tại Qatar

Daboud cho biết, toàn đội hy vọng sẽ “vượt qua vòng đấu bảng và tiến vào vòng đấu loại trực tiếp sau đó”, để “thể hiện bộ mặt danh dự của bóng đá Palestine nói riêng”.

Quan trọng nhất là, họ phải “phất cao lá cờ Palestine trên trường quốc tế”, để “khẳng định bản sắc Palestine” và cho thấy ở Palestine, “người dân xứng đáng được sống tự do và có cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Về phần mình, Chủ tịch PFA, ông Jibril Rajub nói, cuộc chiến ở dải Gaza đã tàn phá các phong trào “thể thao và thanh niên”: “Cho đến nay, hơn 1.000 thành viên của các phong trào thể thao, thanh niên và hướng đạo đã thiệt mạng”.

Ông Rajub cáo buộc lực lượng quân đội Israel “nhắm mục tiêu vào các CLB thể thao của người Palestine... vi phạm trắng trợn hiến chương Olympic".

Ông còn đặc biệt đề cập đến hình ảnh khủng khiếp xuất hiện ở sân Yarmouk tại dải Gaza, nơi lực lượng Israel sử dụng và biến nó thành “trung tâm giam dữ, tra tấn và thẩm vấn”.

Các thanh niên Palestine đang chơi bóng trước trước Trung tâm tạm trú của trường đại học Islami - vốn đã bị phá hủy tại dải Gaza

Điều mà Chủ tịch Rajub nói đến, là đoạn phim mà chính truyền thông Israel trình chiếu cảnh họ tập trung nhiều người Palestine lại, trong đó có cả trẻ em, buộc phải xếp hàng và cởi trần, ngồi trên mặt sân đấu.

Trong khi đó, quân đội Israel phản hồi, đó là những người bị tình nghi tham gia vào “các hoạt động khủng bố”.

Ông Rajub cho biết, sân vận động Yarmouk được xây dựng vào năm 1939, là một trong những sân đấu “lâu đời và cổ xưa nhất” ở trong vùng lãnh thổ của Palestine, là niềm tự hào của thể thao nước này.

Từ vụ việc trên, PFA đã gửi đơn đến Ủy ban Olympic quốc tế, và FIFA, yêu cầu tiến hành “một cuộc điều tra quốc tế khẩn cấp về tội ác chiếm đóng của Israel với thể thao các VĐV Palestine”.

Hôm 2-1, các thành viên của tuyển Palestine đã đáp máy bay xuống Doha...
...Ngay lập tức, cờ Palestine đã được căng ra giữa phi trường quốc tế

Tin cùng chuyên mục