WTA đang nhắm đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong chiến lược phát triển quần vợt quốc tế thời kỳ mới và tổ chức quần vợt nhà nghề nữ quốc tế này đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào đất nước Trung Quốc, vốn được xem là một thị trường khổng lồ và là nơi có khả năng sản sinh ra nhiều tay vợt đẳng cấp thế giới hơn.
Chủ tịch kiêm GĐĐH của WTA - bà Stacey Allaster - cho biết bản hợp đồng tài trợ mà WTA vừa ký với hãng trang thiết bị thể thao Trung Quốc Peak chính là một phần trong kế hoạch đẩy mạnh sự phát triển của WTA ở đất nước rộng lớn và đông dân nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương này, và đó cũng là “một dự án, chiến lược phát triển rất quan trọng” của tổ chức chúng tôi.
Tham vọng của Trung Quốc và cơ hội của WTA
Trong khi tổ chức quần vợt nhà nghề quốc tế nam ATP đang tỏ ra “hoài nghi” về hiệu quả kinh tế và chất lượng chuyên môn với các giải đấu nam cấp cao tổ chức ở Trung Quốc, bà Allaster - đại diện cho WTA - lại đưa ra quan điểm khác hẳn: tỏ ra hài lòng hoàn toàn với BTC giải WTA Trung Quốc mở rộng và cho biết tình trạng cơ sở vật chất của giải đấu ở Bắc Kinh này là “rất tuyệt vời”.
Cũng theo bà Allaster, trong tương lai, cơ sở vật chất ở Trung tâm quần vợt quốc tế Bắc Kinh “chỉ có thể tốt hơn” khi người Trung Quốc đang tiến hành lắp đặt thêm… 15 ngàn chỗ ngồi và xây dựng mái che cho sân đấu trung tâm.
Bà Allaster cho biết khi đang hiện diện ở Doha: “Chính quyền thành phố Bắc Kinh và BTC giải Trung Quốc mở rộng đã và đang làm những điều rất tuyệt vời cho môn thể thao của chúng ta. Họ có một tham vọng lớn lao đến… khó tin, và họ đang cố biến quần vợt nữ thành một môn đấu to lớn, quan trọng, và điều này đơn giản là rất tuyệt vời cho WTA…”.
![]() |
Li Na - tay vợt hàng đầu của quần vợt nữ Trung Quốc - người nhận được sự quan tâm lớn từ giới mộ điệu quần vợt thế giới. |
Hiện tại, bà Allaster biết rằng đang có một làn sóng giảng dạy và giáo dục kiểu phổ thông để giúp cho người dân Trung Quốc hứng thú với quần vợt, trong đó có cả những phương cách giáo dục cơ bản nhất như: làm thế nào để ghi điểm trong một trận đấu.
Để giúp phát triển các phương thức giáo dục - giảng dạy đi đúng đường, đạt được hiệu quả tối đa, WTA đã cho xây dựng một trụ sở của tổ chức này ở Trung Quốc và đề ra các kế hoạch - phối hợp cùng với LĐQV Trung Quốc (CTA) - tiến hành các chương trình giảng dạy, giới thiệu quần vợt vòng quanh đất nước này.
“Chúng tôi cần làm theo những lời khuyên giống như trong cuốn sách của David Stern viết về NBA. Chúng tôi cần phải tạo cho trẻ em sự hứng thú, đam mê quần vợt. Chúng tôi cần phải trao vợt vào tay giới trẻ, cho chúng thấy được sự thú vị thông qua các lễ hội xuyên suốt Trung Quốc. Điều đó sẽ tạo ra cơ hội quảng bá cho nhãn hiệu của tổ chức chúng tôi, và giúp các đối tác có cơ hội xây dựng thương hiệu…”.
Một thị trường giàu tiềm năng
Trung Quốc với 1,3 tỷ dân đương nhiên sẽ là đất nước có lượng CĐV tiềm năng hùng hậu. Đây cũng là thị trường rất hấp dẫn với WTA và với cả các tổ chức, Hiệp hội thể thao chuyên nghiệp khác và là một thị trường vẫn chưa được khai thác đầy đủ.
Theo WTA, hiện có khoảng 130 triệu người Trung Quốc có hứng thú với quần vợt và có khoảng 10 triệu tay vợt chơi quần vợt theo dạng nghiệp dư - gấp 2 lần số lượng tay vợt nghiệp dư ở nước Pháp. Đó là những con số gây “rúng động lòng người”.
Trung Quốc cũng có những tay vợt đạt đẳng cấp quốc tế và từng giành được những thành công rất ấn tượng như: Li Na, Jie Zheng. Tuy nhiên, nhìn chung thì quần vợt ở Trung Quốc vẫn còn là môn thể thao rất mới.
Quần vợt ở Trung Quốc vẫn được xem như là môn thể thao dành cho giới thượng lưu và khán giả ở các giải đấu đôi khi vẫn chưa học được cái gọi là “văn hóa cổ vũ”. Ở Olympic Bắc Kinh, nhiều CĐV địa phương đã hò hét ủng hộ ngay cả khi 2 tay vợt đang giằng co nhau trên sân.
![]() |
Một góc trụ sở WTA ở Bắc Kinh, Trung Quốc. |
Trong tình hình kinh tế khó khăn, WTA đang đứng trước nhiều thách thức, nhiều ngã rẽ… Việc chọn Trung Quốc làm đối tác chiến lược để “đánh bánh lái đầu tư” sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương được xem như là quyết sách đầy mạo hiểm nhưng có khả năng tạo được thành công trong tương lai. Chiếm được thị trường Trung Quốc cũng có nghĩa là tiếp cận được các thị trường giàu tiềm năng khác như Đông Nam Á, Nam Á… Commonwealth Bank Tournament of Champions - một giải WTA Championships “đẳng cấp hạng 2” - đang được tổ chức ở Bali, Indonesia.
Trước đó, WTA Championships “đẳng cấp hạng 1” đã được tổ chức ở Doha, Qatar. Cả Qatar lẫn Indonesia đều là châu Á. Vậy thì đừng ngạc nhiên nếu trong tương lai có một giải WTA Championships “đẳng cấp hạng 1” hay thậm chí là giải đẳng cấp Grand Slam dành cho nữ được tổ chức tại… Trung Quốc. Và cũng đừng ngạc nhiên nếu có một tay vợt họ Li, họ Zheng… sẽ giành lấy ngôi số 1 thế giới của WTA!
TIỂU SIÊU