Thông báo từ ATP cho biết: “Tư cách cho các tay vợt có quốc tịch bất kỳ tham dự các giải đấu luôn dựa vào thành tích thi đấu và không có sự phân biệt đối xử, đó là điều cơ bản ở trong hệ thống của ATP Tour. Quyết định của Wimbledon cấm các tay vợt Nga và Belarus thi đấu trên đất Anh mùa Hè năm nay làm sói mòn nguyên tắc này, và cả hệ thống điểm xếp hạng của ATP”.
Trong khi đó, Chủ tịch và Giám đốc điều hành WTA - ông Steve Simon, cũng lập lại quan điểm tương tự thông qua tuyên bố của riêng mình: “WTA tin rằng, cá nhân các VĐV tham gia vào một môn thể thao cá nhân không nên bị trừng phạt hoặc ngăn cản quyền được thi đấu chỉ vì quốc tịch của họ hay các quyết định của chính phủ các quốc gia của họ.
Không chỉ ATP và WTA, Liên đoàn quần vợt quốc tế (ITF) cũng cho biết họ sẽ không tính điểm xếp hạng cho các giải đấu trẻ và giải đấu xe lăn ở Wimbledon. Như vậy, chỉ trong ngày thứ Sáu, cả 3 tổ chức quần vợt quốc tế lớn nhất đều đưa ra quyết định cứng rắn của mình, biến giải đấu trên mặt sân cỏ tại All England Club trở thành một “Grand Slam 0 điểm”. Wimbledon 2022 vụt trở thành một giải đấu giao hữu - biểu diễn chỉ bởi vì tính "hiếu chiến" của BTC.
All England Club sau đó cũng đưa ra phản ứng, qua thông báo bày tỏ “sự thất vọng sau sắc” trước việc không tính điểm số xếp hạng ở Wimbledon năm nay, và gọi vị thế của ATP Tour cùng với WTA Tour là “không cân xứng trong bối cảnh của các trường hợp đặc biệt và khắc nghiệt”.
Ngoài ra, All England Club lý giải quyết định của mình là vì không sẵn lòng “chấp nhận việc tham dự giải đấu hay đạt được thành công ở giải của các tay vợt Nga sẽ được chính quyền nước này mang ra để tuyên truyền cho lợi ích quốc gia, thông qua việc các phương tiện truyền thông của Nga vốn được nhà nước kiểm soát chặt chẽ, có lịch sử sử dụng những thành công của thể thao để hỗ trợ cho chiến thắng của nước Nga nói chung (!??)”.
Khi Wimbledon trở thành “Grand Slam 0 điểm”, liệu có bao nhiêu tay vợt nguyện ý đến All England Club vào tháng 7 năm nay?