Xét về mặt điểm số và kết quả, Nadal đã có một chiến thắng “hoàn lễ” Kyrgios, sau khi chịu khá nhiều khuất tất từ chỉ trích hồi giữa tháng 5 của “Gã tiểu tử ngổ ngáo người Úc”. Và chiến thắng “hoàn lễ” này là cách minh chứng tốt nhất cho việc giải quyết những ân oán, không cần phải nói nhiều, không cần phải chỉ trích người khác thật nhiều, tự bản thân cây vợt của Nadal, tự bản thân màn trình diễn của anh đã nói lên “chân lý”.
Nhưng ở bên kia lưới, người ta, những khán giả hiện diện tại SW19 (một cách gọi khác của All England Club, vì đây là mã bưu điện của Cụm tổ hợp thể thao này), cũng được chứng kiến một Kyrgios rất khác, vẫn còn những tranh chấp nhỏ nhặt với trọng tài, nhưng khi cần thì tập trung vào “đại cục”, với khát khao muốn đánh bại được Nadal, chỉ về mặt chuyên môn đơn thuần…
Chính Kyrgios là người kích thích sĩ khí của Nadal, khiến tay vợt cựu số 1 thế giới người Tây Ban Nha phải đặt ra mức chuẩn mực “cao nhất” trong lối chơi của mình, mới có thể đánh bại được đối thủ. Thắng 6-3 trong ván đấu mở màn khá dễ dàng, nhưng Nadal bắt đầu hiểu khó khăn là rất, rất lớn khi thua lại ván 2 cũng với điểm số 6-3, để rồi chỉ thắng nhờ 2 loạt tie-break cuối cùng.
Đó chẳng khác gì lời khẳng định chắc nịch từ nhà đương kim vô địch French Open: “Đó, cho dù cậu có nói gì đi chăng nữa, thì trong trận thắng ngày hôm nay, người giành được chiến thắng mới chính là tôi”. Một chiến thắng “hoàn lễ” cực kỳ kịch tính và thuyết phục với điểm số 6-3, 3-6, 8-6 (7-5) và 7-6 (7-3) dành cho Nadal, và là trận thắng thứ 50 của anh ở All England Club.
“Đây đã làm một trận đấu cực kỳ khó khăn, từ đầu cho đến cuối, chống lại một đối thủ cực kỳ khó khằn. Tôi cảm thấy rất là hạnh phúc với cái cách mà bản thân tôi kềm chế được áp lực nặng nề (nếu để thua trận đấu này, Nadal không chỉ sớm bị loại khỏi Wimbledon, danh dự của anh cũng sẽ bị tổn hại). Tôi hạnh phúc với cái cách tôi thi đấu ở 2 loạt đánh tie-break!”, Nadal nói.
Sau đó, Nadal cũng đưa ra những câu bình luận, vừa mang tính “dằn mặt” tay vợt đàn em, nhưng cũng thể hiện sự tôn trọng, dù rằng khá châm chọc, dành cho đối thủ “rất khó chơi” này, vì chẳng cần biết Kyrgios đã làm những gì ở ngoài sân đấu, ở trên mặt báo, ở trong phòng họp báo hay trên trang mạng xã hội, anh này vừa mới thể hiện hết sức mình ở trên sân đấu.
Nadal nói khá là chua cay: “Lịch sử của môn thể thao này là sự tôn trọng, và về việc thi đấu đẹp mắt và công bằng trong mọi lúc, ở mọi nơi. Tôi không nói rằng Nick làm những thứ này, thứ kia để gây phiền hà cho đối thủ, nhưng sự thật là, có đôi lúc cậu ta rất nguy hiểm. Khi cậu ta đánh bóng kiểu như thế này, cậu ta cực kỳ nguy hiểm. Cậu ta nguy hiểm không chỉ với tôi, cậu ta còn nguy hiểm với cả giám biên, nguy hiểm với đám đông khán giả ngồi ở trên khán đài. Khi bạn đánh bóng kiểu như thế này, bạn không biết bóng rồi quả bóng sẽ bay đến tận đâu cả”.
Sao cũng được, Nadal đã thắng “trận đấu lớn nhất” trước khi đối đầu với Roger Federer ở bán kết. Ở vòng 3, anh sẽ đụng độ với tay vợt gạo cội người Pháp Jo-Wilfried Tsonga, người mới vừa thắng Ricardas Berankis (Lithuania) với điểm số 7-6 (7-4), 6-3 và 6-2. Đây cũng sẽ là một đối thủ khó khăn khác dành cho Nadal, nhưng áp lực và sự ồn ào, sẽ giảm đi rất, rất nhiều đó!
Về phần mình, Federer đã dễ dàng giành được trận thắng thứ 96 ở All England Club khi đánh bại Jay Clarke (Anh quốc) với điểm số 6-1, 7-6 (7-3), 6-2. Dù Clarke nhận được sự ủng hộ khá lớn từ khán giả, đơn giản vì anh là tay vợt của nước chủ nhà, nhưng tay vợt trẻ sinh năm 1998 (hưởng suất wild-card để tham gia Wimbledon 2019) cũng chỉ khởi sắc đôi chút ở ván 2.
Federer thừa nhận: “Tôi nghĩ, đám đông ở đây là rất tuyệt vời. Họ thật sự hy vọng Jay có thể thể hiện bản lĩnh trong trận đấu và cậu ấy đã làm được điều đó trong ván đấu thứ 2. Ở thời điểm đó, tôi phải vật lộn với công việc của mình từ vạch baseline. Nhưng thật biết ơn khi tôi đã chơi loạt tie-break rất hay. Tôi được Jay giúp sức khi cậu ấy phạm vài lỗi đánh bóng hỏng”.