Ở All England Club trong những ngày này, bất kỳ chuyện gì cũng có thể xảy ra. Cả những “ứng viên vô địch trẻ trung” như Zverev, rồi Tsitsipas, những người từng được dự báo sẽ lật đổ “bộ 3 Titan” là Roger Federer - Rafael Nadal - và Novak Djokovic ở Wimbledon 2019, đều bị loại ngay trong trận đấu mở màn, thì việc Osaka lại thua sớm, tiếp tục sống với những thời khắc tồi tệ kể từ khi “dám chia tay” với HLV Sascha Bajin, cũng là chuyện bình thường mà thôi…
Có điều, Osaka đã suýt “khóc nhè”, chính cô thừa nhận điều đó. Tại sao cô lại yếu đuối đến như vậy? Nước mắt, hay việc kể ra mình đang rưng rưng lệ, có phải là “thứ vũ khí tối hậu” để cô đối phó lại những câu hỏi “hóc hẻm” của giới truyền thông? Một Osaka “quá mít ướt”, vốn đã được báo giới trải nghiệm rất, rất nhiều lần, bắt đầu từ lễ trao giải của US Open 2018, khi cô uất ức vì hành động của Serena Williams (tất nhiên, ngay ở vào thời điểm này, những giọt nước mắt của Osaka vẫn là rất đáng thông cảm), càng lúc càng khiến cho người ta phát nản. Cô khóc mãi để làm gì, liệu rằng nước mắt, sự yếu đuối có gột rửa những sai lầm quá khứ của cô?
Ngay sau trận thua Yulia Putintseva (tay vợt 24 tuổi người Nga, nhưng mà phải chuyển sang chơi cho quần vợt Kazakhstan vì “Xứ sở bạch dương” hiện quá dư thừa nhân tài) với điểm số 6-7 (4-7) và 2-6 ở một trận đấu vòng 1 rất đáng chú ý, Osaka đã đối mặt với cánh báo chí trong phòng họp báo theo một cách yếu đuối thường thấy. “Cựu Nữ hoàng WTA”, người đang sở hữu 2 danh hiệu Grand Slam là Mỹ mở rộng và Úc mở rộng đã cố gắng trả lời 10 câu hỏi của báo giới, nhưng tỏ ra miễn cưỡng khi phải đào sâu hơn về thất bại của mình và sự sa sút với phong độ gần đây. Đó là những thứ gì đó mà có vẻ như là, Osaka “rất muốn giấu diếm”.
Và khi được hỏi, liệu bản thân có cảm thấy khó thích nghi khi giờ đây đã trở nên nổi tiếng rồi hay không, đôi mắt của Osaka bắt đầu ngân ngấn lệ, cô quay sang hỏi nhân viên điều hành họp báo của Ban tổ chức, rằng liệu cô có thể rời khỏi phòng họp báo hay không. Osaka thành thật nói: “Tôi cảm thấy như là tôi sắp khóc rồi”. Sau khi nhận được lời đồng ý từ thành viên BTC, Osaka đứng dậy và rời khỏi phòng họp báo ngay lập tức, không nói thêm tiếng nào.
Trước đó, cô gái 21 tuổi đang chật vật thích nghi với việc nổi danh quá sớm và không biết xử lý thế nào khi “lỡ đá” HLV Sascha ra khỏi đội ngũ của mình, đã cho biết: “Sự khó đoán ở WTA Tour trong những ngày này không hề khiến cho thất bại này trở nên dễ đón nhận hơn. Trái lại, nó khiến tôi cảm thấy cực kỳ tồi tệ, bởi vì sẽ càng có nhiều người nói chính xác những gì mà anh vừa hỏi hơn. Vì thế, không, nó không hề khiến tôi cảm thấy tốt hơn”.
“Quyết định chia tay giữa tôi với HLV Sascha chỉ đơn thuần là những lý do cá nhân. Nó chẳng hề có liên hệ gì với hiện trạng ngày hôm nay của tôi cả”, Osaka lý giải khi câu chuyện giữa cô và “sư phụ” người Đức lại tiếp tục bị đào bới. Với những biện giải cụt ngủn và thiếu thuyết phục như thế này, rất khó để Osaka thuyết phục được cánh phóng viên, nhất là khi người ta e rằng cô đang… “sa vào con đường ma đạo”, khi ký hợp đồng quảng cáo rất nhiều, thường xuyên xuất hiện trên trang bìa các tờ báo lớn và thậm chí dính cả vào một vụ kiện cáo liên quan đến vị HLV cũ (tất nhiên, vị HLV này không phải là Sascha, nhưng từ đó, người ta cũng ngợ ra vài điều).
Osaka cũng có nói về những nỗ lực hồi phục và tìm lại niềm tin của mình sau hàng loạt thất bại suốt thời gian vừa qua: “Ý của tôi là, chìa khóa giải quyết sự vụ vẫn nằm trong hai tay của tôi, giống như là, tìm kiếm niềm vui ở cả trong lẫn ngoài sân đấu, tôi đoán là như vậy, học hỏi cách làm sao để vui thú, cách để giảm áp lực của bản thân. Hy vọng, tôi sẽ tìm ra một cách để làm điều đó”.
Trong khi Osaka chưa biết làm thể nào để tìm lại sự vui thú của bản thân, thì với tay vợt 15 tuổi người Mỹ, Cori Gauff, sự vui thú mới chỉ bắt đầu. Sau khi đánh bại Venus 39 tuổi (nghĩa là “đàn chị” Venus hơn Gauff đến… 24 tuổi) với điểm số 6-4 và 6-4, tay vợt trẻ tuổi nhất hiện diện ở vòng đấu chính của Wimbledon trong kỷ nguyên mở (từ năm 1968 đến nay) có nói: “Trên sân đấu, tôi không nghĩ ở bên kia lưới là Venus. Tôi chỉ chơi trận đấu của mình. Không cần biết tôi đấu với ai, tôi chỉ muốn giành lấy chiến thắng. Đó là thứ duy nhất mà tôi nghĩ đến”.
Câu chuyện của cô bé Gauff, sinh năm 2004, hay như câu chuyện về “Nữ hoàng khóc nhè” Osaka, mới chỉ là những bắt đầu đầu tiên ở kỳ giải Wimbledon đầy bão giông trước mắt. Các biến cố, sẽ còn tiếp diễn, và trong một diễn biến mới nhất, “Hoàng tử sân đất nện” Dominic Thiem, một đại biểu ưu tú khác của lứa “Next Gen” cho thấy trình độ đánh sân cỏ của mình là rất tệ hại, kém xa năng lực sân đất nện, khi gác vợt trước Sam Querrey sau 4 ván đấu.