Có quá nhiều thứ để nói trong trận “đại chiến giữa những gã khổng lồ”, dù thực chất, xét về độ mãn nhãn, trận đấu này không sở hữu nhiều pha bóng giằng co đẳng cấp. Anderson cao 2 mét 03, đấu với Isner cao 2 mét 08. Với chiều cao như vậy, cả 2 đều sở hữu những quả giao bóng uy lực “từ tầm cao” và đều cố thủ thắng khi cầm giao bóng.
Dù vậy, những kỹ năng khác của cả 2 tay vợt này không quá nổi bật, đó là lý do, cứ ai cầm giao bóng, người đó sẽ giành chiến thắng, hiếm có break-point diễn ra và các ván đấu thường “buồn bã” trôi về loạt tie-break. Đó là điều xảy ra trong 3 ván đấu đầu tiên – Isner dẫn 2-1 khi thắng 6-7 (6-8), 7-6 (7-5) và 7-6 (11-9).
Sau khi Anderson tận dụng break-point hiếm hoi để giành chiến thắng 6-4 trong ván đấu thứ 4, qua đó, cân bằng tỷ số 2-2, cả 2 tay vợt bước vào ván đấu quyết định – ván đấu thứ 5, nơi kết quả thắng thua không thể phân định trong loạt tie-break nữa, mà kẻ nào muốn giành chiến thắng phải tạo ra cách biệt 2 game đấu rõ ràng. Ván đấu đã diễn ra rất dai dẳng, nó vượt qua cột mốc 10 game đấu của mỗi bên, rồi 20 game đấu, trước khi tay vợt số 1 của châu Phi giành được chiến thắng cuối cùng với điểm số 26-24.
Một kết quả điên khùng dành cho cả Anderson và Isner, dù rằng, nó vẫn chưa “điên rồ” bằng kết quả Isner hạ Nicolas Mahut 70-68 ở ván đấu thứ 5 trong một trận đấu “nhớ đời” tại Wimbledon 2010. Isner tan mộng lọt vào trận chung kết Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp, trái lại, Anderson đang bay trên “9 tầng mây”.
“Bạn thật sự hiện diện trong một cuộc chiến hao mòn thể lực và tổn hao năng lượng ở ngoài sân đấu”, Anderson nhận xét sau trận đấu dài 6 giờ 36 phút đồng hồ (trong đó, riêng ván đấu thứ 5 đã kéo dài trong 2 tiếng 55 phút), “Trận đấu này đã vượt xa một trận đấu quần vợt đơn thuần hay những chiến thuật đơn thuần. Ý của tôi là, đơn giản, ai sẽ tồn tại lâu hơn ở ngoài đó, người đó là kẻ chiến thắng. Nhưng giờ đây, tôi đã đặt bản thân vào trận chung kết Grand Slam. Phân nửa giấc mơ đã trở thành sự thật”.
Với kết quả này, Anderson đã trở thành tay vợt Nam Phi đầu tiên lọt đến trận chung kết Wimbledon kể từ thời của Biran Norton hồi năm 1921. Với 118 cú đánh thắng điểm trực tiếp và 49 cú giao bóng ăn điểm trực tiếp, Anderson hoàn toàn xứng đáng trở thành 1 trong 2 nhân vật chính của trận chung kết trên sân Trung tâm vào tối mai, Chủ nhật 15-7. Anh đang sẵn sàng viết nên lịch sử cho làng quần vợt Nam Phi nói riêng và châu Phi nói chung.