Danh hiệu thứ 99
Danh hiệu thứ 99, đó sẽ là một con số rất đẹp. Nó chắc chắn không tròn trĩnh bằng con số 100 – lý ra, Federer đã có thể tranh đấu cho danh hiệu thứ 100 ở Wimbledon năm nay nếu anh đánh bại được Borna Coric trong trận chung kết Gerry Weber Open tại Halle (Đức) mới đây – nhưng cũng là một con số đầy ý nghĩa, tự bản thân hàm ý là “trường cửu phát, tượng trưng cho sức mạnh, quyền uy, đẳng cấp”, những thứ mà Federer đã và đang sở hữu trong làng quần vợt thế giới nói chung. Nếu thắng Wimbledon năm nay để biến nó thành danh hiệu thứ 99, với riêng bản thân Federer và với người hâm mộ của anh, đó sẽ là điều vô cùng ý nghĩa.
Nhưng Federer làm điều đó bằng cách nào? Thẳng tiến, và giành chiến thắng, như những gì mà anh vẫn làm trên mặt sân cỏ sở trường, đặc biệt mỗi khi anh được thi đấu ở trên “miền đất phước lành” tại All England Club này. Dù đã từng 8 lần lên ngôi ở đây sau… 11 lần lọt đến các trận đấu chung kết, Federer vẫn cảm thấy… hồi hộp, kiểu như “gái mới về nhà chồng”. Anh tâm sự: “Phải thành thật mà nói, vẫn còn cái cảm giác hồi hộp khó tả khi đến với giải đấu này. Đây là chuyện lớn, giải đấu này là một giải đấu rất lớn, ngoài bề dày lịch sử, một nơi chốn linh thiêng, nơi bạn không thể tập luyện (sân Trung tâm của All England Club), khi bạn bước ra đây, với tất cả những tay vợt, từ một tuần lễ thinh lặng và rằng bạn chưa bao giờ thấy gì như vậy trong suốt tuần lễ vừa qua, đơn giản, nó phảng phất ở tất cả mọi nơi. Toàn bộ bầu không khí đã thay đổi ở Wimbledon, và bạn nhận ra, tất cả mọi con mắt đang đổ dồn về phía bạn. Tự nhiên, điều đó khiến bạn thấy lo lắng đến nổi hết cả da gà”.
Là một con người lão luyện, tinh anh và đầy kinh nghiệm, nhưng Federer không khỏi cảm thấy lo lắng và hồi hộp khi đến với một nơi chốn linh thiêng như All England Club, một trong những địa điểm “sâu lắng” nhất ở thành London, để tranh đấu cho những kỷ lục và cột mốc danh hiệu thứ 99, việc anh cảm thấy như một con người bình thường, cũng là rất dễ hiểu. Nhưng là một huyền thoại sống, là “rồng cọp giữa loài người”, đây cũng là lúc anh thể hiện bản lĩnh, sự thích nghi của mình, rằng anh sẽ nhanh chóng vượt qua được cảm xúc chông chênh để trở thành một tay vợt chiến binh theo đuổi những mục tiêu mà mình đã đặt ra để phấn đấu.
“Đây không phải là ngày thứ 2 của giải, hay thứ gì đó tương tự, hay là hôm thứ Tư, đôi khi giống như ở US Open, khi bạn bắt đầu với giải đấu. Đơn giản, bạn chính là người đầu tiên bước ra sân đấu biểu diễn (Federer vinh dự là người đầu tiên khai màn sân Trung tâm ở All England Club năm nay, trong trận đấu với Dusan Lajovic của Serbia dự kiến diễn ra vào lúc 19 giờ tối nay, thứ Hai 2-7) vốn luôn có nhiều sự đòi hỏi từ các tay vợt, nhưng tôi thích như vậy, tôi yêu mến điều đó. Đây là một vinh dự quá đỗi lớn lao. Bạn phải cố gắng chơi tốt nhất. Tôi đang trông chờ như vậy và cảm thấy thật phấn khích”, Federer hào hứng nói.
“Tôi nghĩ, kinh nghiệm sẽ giúp tôi rất nhiều, vì rằng, tôi đã trải qua rất nhiều trận đấu, trong đó có rất nhiều chiến cuộc lớn. Cảm giác giống như bước ra sân trong một trận đấu chung kết, thật sự là như vậy. Nhưng có lẽ, hồi hộp và khó khăn hơn nhiều, vì bạn gần như chưa bước ra sân đấu ở giải đấu năm nay. Nhưng kinh nghiệm sẽ đứng về phía tôi, với những trận đấu mà tôi đã trải qua, đương nhiên là nhiều chiến cuộc mà tôi từng có trong sự nghiệp của mình”, Federer nói.
Sẵn sàng cạnh tranh với Nadal, như kiểu “Ronaldo đại chiến Messi”
Để đăng quang Wimbledon 2018, để tìm kiếm danh hiệu thứ 99 trong sự nghiệp, Federer sẽ phải tranh đấu với rất nhiều tay vợt mạnh ở All England Club năm nay, trong đó có… Rafael Nadal – “đại kình địch” của anh, và cũng là “ông bạn già” đã cùng anh “thống trị” cả thế giới quần vợt trong suốt những ngày tháng vừa qua, suốt từ năm 2017 cho đến tận bây giờ. Khi được so sánh sự cạnh tranh giữa anh với Nadal, với sự tranh đấu giữa Cristiano Ronaldo và Lionel Messi trong bóng đá, Federer “gật đầu đồng ý”, dù có vẻ như, Messi và Ronaldo đã “hết thời” sau thất bại đau đớn ở vòng 1/8 của World Cup năm nay…
Những mục tiêu đáng chú ý khác của các tay vợt lớn khác
-Thắng cú hatrick “Channel Slam” của Rafael Nadal, và thắng cú “Channel Slam” của Simona Halep (“Channel Slam” là thuật ngữ chỉ việc thắng 2 danh hiệu Roland Garros và Wimbledon ở trong cùng 1 mùa giải, đó là 2 danh hiệu Grand Slam ở 2 quốc gia nằm giữa Eo biển Anh – eo biển Lamanche; trong lịch sử, chỉ có 4 tay vợt nam là Rod Laver, Bjorn Borg, Nadal – 2 lần, và Federer – 1 lần, cùng với 6 tay vợt nữ là Margaret Court, Billie Jean King, Chris Evert, Martina Navratilova, Steffi Graf và Serena Williams từng thắng được “Channel Slam”).
-Chấm dứt 1 năm trời khô hạn danh hiệu của Novak Djokovic. Tay vợt cựu số 1 thế giới người Serbia đã trải qua vừa vặn… 365 ngày mà không thắng nổi một danh hiệu nào sau thất bại trước Marin Cilic ở trận chung kết Queen’s Club. Đây là lần đầu tiên kể từ giai đoạn tháng 7-2005 và tháng 7-2006, Djokovic lại phải trải qua một quãng thời gian cay đắng tương tự. Lần cuối anh đăng quang là ở một giải đấu thuộc ATP World Tour tại Eastbourne hồi tháng 7 năm ngoái sau chiến thắng trước Gael Monfils.