Việc đào tạo cầu thủ trẻ vốn cần rất nhiều thời gian, kinh phí, nói chung là phải có tình yêu bóng đá cùng tính nhẫn nại thì mới làm được. Thành công của bóng đá Việt Nam từ năm 2016 đến nay xuất phát từ sự kết hợp trên, có người còn nói vui "đó là sự liên thủ giữa các ông bầu" khi họ hội tụ đầy đủ những yếu tố đó.
Không chỉ góp phần tạo nên hình ảnh mới mẻ cho đội tuyển quốc gia, HA.GL hay Hà Nội còn tăng sức "nóng" cho các phòng vé tại V-League. Còn PVF, vốn hoạt động theo tiêu chí phi lợi nhuận, thế hệ cầu thủ ở lứa đầu của họ đã được lãnh đạo Trung tâm này cho đến nhiều đội chuyên nghiệp từ 2 năm trước theo dạng hỗ trợ không tính phí đào tạo...
Bóng đá Việt Nam đã trải qua "giai đoạn vàng" như thế, từ sự đam mê, chịu chơi của các ông bầu đi kèm yếu tố thành công của đội tuyển đã góp phần giúp bóng đá Việt Nam hình thành giao diện mới. Qua đó trở thành động lực cho nhiều địa phương, CLB mạnh dạn đầu tư vào bóng đá trẻ mà nay chúng ta có Becamex Bình Dương ổn định từ tuyến U15 đến U21, sự trở lại của SLNA, Đồng Tháp và mới đây là Thanh Hóa tiếp bước thành công.
Sự kết hợp 1 cách hiệu quả của các ông bầu, nếu VFF có được một sự kết nối giữa các lò đào tạo để cùng thống nhất xây dựng một chiến lược hợp lý, tôi nghĩ bóng đá trẻ Việt Nam sẽ sớm trở lại 1 cách mạnh mẽ thôi. Tôi đồng tình với chia sẻ của anh Đoàn Minh Xương là VFF cần hệ thống lại bóng đá trẻ, từ 1 hướng đi chung cho các lò đào tạo, tăng cường hơn nữa giải đấu cho các em cọ sát... Còn lúc này, hãy cùng có những ý kiến đóng góp tích cực cho bóng đá Việt Nam khi mà đội tuyển chuẩn bị đá trận mở màn vòng loại World Cup 2022.