Giao bóng - “vũ khí tối thượng” giải trừ nguy cơ… chuột rút
Ở game đấu thứ 9 của ván đấu thứ 2 trong trận chung kết Cincinnati Masters 2019, khi điểm số đang là 5-4 nghiêng về phía Medvedev và tay vợt trẻ người Nga đang cầm giao bóng, David Goffin liên tục phản công mãnh liệt để dẫn 15-0, 30-0, rồi 40-15 để đối mặt với cơ hội thắng break-point đầu tiên trong ván đấu, Medvedev đã không còn giữ được sự bình tĩnh của mình.
“Tay súng trẻ người Nga” quật mạnh cây vợt bảo bối của mình xuống mặt sân đấu, rồi ngước nhìn chằm chằm lên khu khán đài nơi đội của anh đang ngồi, ánh mắt như muốn hỏi HLV của anh rằng: “Chuyện này không thể xảy ra như vậy, có phải không?”. Trước đó, khi vượt lên dẫn trước với điểm số 5-3, anh bị chuột rút. Anh phải hiện diện trên sân đấu và sân tập suốt 24 ngày trời cơ mà…
Đó chính là thời khắc của “sinh - tử”, của “thành - bại”, khi Medvedev đang đứng giữa lằn ranh của địa ngục và thiên đường, chỉ đúng 1 bước chân. Nếu anh để thua break-point, anh sẽ mất lợi thế dẫn điểm trong ván đấu thứ 2, nhiều khả năng sẽ thua luôn ván này và sẽ bị cân bằng tỷ số 1-1. Với những bất lợi cả về mặt thể lực lẫn tâm lý đó, có khả năng anh sẽ thua luôn cả trận đấu.
Nhưng Medvedev đã lựa chọn kiên trì, quyết đấu đến cùng, dựa vào “vũ khí giao bóng sát thủ” của anh. Sau khi nhặt cây vợt bảo bối lên, và nhận ra chỉ có một đường nứt lờ mờ ở thân cây vợt, vẻ mặt của Medvedev có biểu tình khá cổ quái. Sau đó anh nghiến răng, tung ra cú giao bóng 2 đạt tốc độ đến 196,8 km/giờ, một cú giao bóng mà Goffin không thể nào hoàn thủ, cứu nguy break-point.
Tiếp theo đó, anh tung ra 3 cú giao bóng ăn điểm trực tiếp kinh hoàng khác, để giành chiến thắng trong ván đấu, trong cả trận đấu và cũng là chiến thắng của “cả cuộc chiến”, giúp anh đăng quang ngôi vô địch Masters 1.000 đầu tiên trong sự nghiệp, và trở thành tay vợt người Nga đầu tiên trong lịch sử, “dám” thắng 1 danh hiệu Masters 1.000 trên đất nước Mỹ hoàn toàn xa lạ.
Đó là cách để Medvedev thoát khỏi những dây dưa về vấn đề thể lực do bị chuột rút. Đó cũng là cái cách anh thoát khỏi chỉ số 0-3 đen tối ở 3 trận chung kết liên tiếp, để mang về một thành tích khấm khá hơn là thắng 1 - thua 2. Và xét cho cùng, những cú giao bóng kinh hoàng đó, thứ “vũ khí tối thượng đó”, là tuyệt chiêu cuối để giúp Medvedev thoát ly tất cả mọi rắc rối.
Trong trận thắng Novak Djokovic ở bán kết (lần thứ 2 liên tiếp anh đánh bại “Nhà Vua ATP”), Medvedev cũng bị đẩy đến “cửa tử” mới có thể hồi sinh. Anh để thua trước ván đầu tiên, và tỏ ra hoàn toàn bị động trong phân nửa thời gian thi đấu. Khi mà Djokovic đã thắng trước ván đấu mở màn và chơi bóng đầy sinh khí, rất khó có tay vợt nào có thể lật ngược lại được thế cờ.
Nhưng đó là điều mà Medvedev đã làm. Và anh đã làm theo một cách… không ai có thể nghĩ ra, khi dám đi trên một con đường chưa ai từng đi, và chơi thứ quần vợt chưa từng ai dám chơi, ít nhất là trước một Novak tràn đầy sinh khí đến như vậy. Theo Medvedev, khi gió thổi khá lớn ở trong trận đấu bán kết, và Djokovic trả giao bóng 2 quá tốt, anh không còn lựa chọn nào nữa.
“Ví dụ, nếu như là, Djokovic bỏ lỡ cú giao bóng 2 của tôi, thì tôi sẽ không bao giờ lựa chọn giao bóng kiểu như vậy. Nhưng tôi cảm giác anh ấy trên cơ tôi, nên tôi cảm thấy phải giao bóng hết sức. Ngay cả khi tôi phạm phải lỗi giao bóng kép, tôi nghĩ tôi cũng chẳng có đến 2, 3 thứ phải nuối tiếc. Cũng sẽ là thua điểm, nếu tôi giao bóng 2 theo kiểu bình thường”, Medvedev lý giải.
Ở Australian Open hồi đầu năm nay, chính Daniil Medvedev cũng là người chỉ ra “điểm yếu gót chân Achilles” của Novak Djokovic. Trước trận đấu ở vòng 4 với Djokovic khoảng 48 tiếng đồng hồ, “Tay súng trẻ người Nga” từng tự tin nói rằng: ““Anh ấy đang thi đấu không giống như những gì mà anh ấy từng thể hiện trước đây. Do vậy, bạn luôn có cơ hội đánh bại anh ấy”. Sau đó, anh đã gây nhiều khó khăn cho Nhà Vua ATP, thắng đến 47% điểm số và khiến “vũ khí trái tay” lợi hại của Djokovic ít đi trông thấy, trong trận thua có điểm số 4-6, 7-6 (7-5), 2-6, và 3-6. Djokovic gặp rất nhiều vấn đề với Medvedev ngay từ Australian Open hồi đầu năm |
Ứng viên vô địch US Open
Đó là đánh giá của chính Djokovic, sau khi liên tục phải “nếm trải vị đắng” từ tay vợt 23 tuổi quê ở Moscow. Djokovic có nói ngay sau khi Cincinnati Masters 2019 khép lại: “Với những kết quả này, cậu ấy xứng đáng được kể tên bao gồm những ứng viên vô địch. Cậu ấy đã tìm cách lọt được vào tốp 5 thế giới. Cậu ấy chắc chắn là một trong những tay vợt giỏi nhất ở vào thời điểm này. Cậu ấy xứng đáng có mặt trong cuộc chạy đua giành ngôi vô địch ở giải đấu New York”.
Tuy vậy, Djokovic cũng lên tiếng cảnh tỉnh Medvedev, đừng bị những “hào nhoáng” như của các “Next Gen” khác (đặc biệt là của Alexander Zverev) làm nảy sinh nhiều ảo tưởng: “Nhưng xin nhắc lại một lần nữa, đây là thể thức 5 ván thắng 3, đây là giải đấu dài đến 2 tuần lễ! Đây là một kỳ giải Grand Slam, một môi trường hoàn toàn khác, một trải nghiệm khác biệt hoàn toàn"
"Nó đòi hỏi ở bạn nhiều thứ hơn là lối chơi, sự kiên nhẫn, năng lực đối phó với mọi thứ ở ngoài sân đấu. Cậu ấy đang chơi tốt ở hầu hết các giải đấu. Nhưng ở đấu trường Grand Slam, như các bạn đã biết, cậu ấy vẫn chưa lọt đến những vòng đấu tận cùng, có thể nói là vòng đấu bát cường hay tứ hùng, ví dụ như là Zverev, một tay vợt cũng rất tuyệt vời, nhưng vẫn chật vật ở Grand Slam”, Djokovic cảnh báo
“Những tay súng trẻ người Nga” - nhóm “Next Gen” rất khác
Medvedev, cùng với người anh em Karen Khachanov, và “đàn em” Andrey Rublev, 3 chàng trai trẻ cùng có quê ở Moscow, 3 tay súng trẻ người Nga, đang tạo ra một nhóm “Next Gen” rất khác thường, so với những gã trai phương Tây, ồn ào và hào nhoáng, om sòm và điên loạn, kiêu hãnh và quá tự cao, từ Zverev đến Stefanos Tsitsipas, từ Nick Kyrgios đến Dominic Thiem.
Thành tích đáng chú ý của những “Next Gen” khác _Alexander Zverev: Vô địch Madrid Masters, ATP Finals 2018, lọt đến tứ kết Roland Garros 2019 _Dominic Thiem: Vô địch Indian Wells 2019, lọt đến chung kết Roland Garros 2019 _Stefanos Tsitsipas: Vô địch Estoril Open 2019, (ATP 250), lọt đến bán kết Australian Open 2019 _Nick Kyrgios: Vô địch Citi Open 2019 (ATP 500), lọt đến tứ kết Australian Open 2015 |
Họ khiếm tốn, chăm chỉ, tịnh tiến, và là những tay vợt trẻ tiến bộ nhất trong 2 mùa giải trở lại đây. Họ không đến các giải đấu với sự kỳ vọng cao ngút trời, được dư luận nước ngoài tán tụng lên mây, với những mỹ từ như “Tôi muốn lật đổ”, “Tôi muốn chứng minh”, khi nhắm đến bộ 3 Titan, để rồi toàn thất bại tham hại… như những ai kia, họ chứng tỏ, họ đang trưởng thành.
Họ chỉ là những người Nga, là “đàn em”, “hậu bối” của những Marat Safin, Nikolay Davydenko, Mikhail Youzhny, Dmitry Tursunov, Igor Andreev, không ồn ào, không tự cao tự đại, luôn biết mình biết ta, và đang khiến cho cả thế giới nhận ra, một làn sóng người Nga khác đang ồn ập tràn đến. Họ là Medvedev, Khachanov, là Rublev - “Những tay súng trẻ người Nga”.
Thành tích đáng chú ý của “Những tay súng trẻ người Nga” _Daniil Medvedev: Vô địch Cincinnati Masters 2019, lọt đến vòng 4 Australian Open 2019 _Karen Khachanov: Vô địch Paris Masters 2018, lọt đến vòng 4 Wimbledon 2018 _Andrey Rublev: Vô địch Umag Open 2019 (ATP 250), lọt đến tứ kết US Open 2017 |