1-Alcaraz cho biết trên bục nhận giải thưởng, sau khi xuất sắc giành trận thắng thứ 51 trong mùa giải năm nay, trận đấu kéo dài 3 giờ 20 phút đồng hồ “oanh oanh - liệt liệt”: “Đó là thứ gì đó mà tôi từng mơ mộng khi còn là một đứa nhóc. Trở thành Tay vợt số 1 thế giới, trở thành Nhà vô địch Grand Slam, là kiểu chiến tích mà tôi đã cật lực làm việc để mong mỏi đạt được!”.
“Rất khó để nói chuyện ngay vào lúc này. Vì tôi đang có rất nhiều xúc động. Đây là thứ mà tôi đã cố gắng đạt lấy. Tất cả những nỗ lực tôi đã dốc sức với đội hỗ trợ của tôi, cả với gia đình tôi. Tôi mới chỉ có 19 tuổi, tất cả mọi quyết định khó khăn, tôi đều phải hỏi ý cha mẹ và đội ngũ hỗ trợ của mình. Đó là thứ gì đó thật sự đặc biệt đối với bản thân của tôi!”, Alcaraz chia sẻ…
Để lọt đến trận chung kết, “King” Carlos nỗ lực đến tuyệt vời. Anh trải qua 6 trận đấu rất căng thẳng, với tổng thời lượng “đứng và chạy trên sân” dài 20 tiếng 19 phút đồng hồ. Riêng ở 3 vòng đấu cuối cùng trước trận đấu chung kết: Vòng 3, vòng 4 và vòng tứ kết, anh phải dốc sức để giành chiến thắng sau 5 ván đấu. Nhưng “mỏi mệt” không có trong từ điển của Alcaraz, kiểu như là nó cũng hiếm khi xuất hiện ở trong từ điển chinh chiến của “Chiến thần” Rafael Nadal.
Trong 200 phút của trận đấu chung kết đơn nam US Open, đám đông khán giả ở SVĐ Trung tâm Arthur Ashe được chứng kiến một Alcaraz xuôi ngược mặt sân như một “tiền vệ con thoi” trong môn bóng đá giàu tính thể lực. Anh thi đấu - chơi bóng như thể đây chỉ là trận đấu đầu tiên của anh ở Flushing Meadows của năm nay. Alcaraz nói: “Không có thời gian để mà cảm thấy mệt mỏi ở những vòng đấu cuối cùng của một kỳ giải Grand Slam. Bạn phải sẵn sàng cống hiến hết tất cả những gì bạn có từ bên trong. Và đó là thứ gì đó tôi đã làm việc cật lực để có”.
2-“Kẻ thừa kế của Nadal”, hay cũng có thể gọi là “Truyền nhân của Nadal”, chàng trai trẻ tuổi nhất lên ngôi số 1 thế giới… đơn giản chỉ là người tiếp theo đang tiếp lửa cho “Cuộc cách mạng” chống lại Big Three ở US Open. Có thể nói, từ năm 2020 cho đến nay, Grand Slam trên đất Mỹ đã trở thành địa điểm mang tính Bước ngoặt lịch sử, là “Chiến trường” để Next Gen và các tay vợt khác thể hiện bản lĩnh và cả đẳng cấp, thể hiện khát khao thoát khỏi cái bóng của Big Three.
Kể từ năm 2004 (khi Roger Federer giành ngôi vô địch) cho đến nay, US Open là Grand Slam duy nhất trải qua 3 mùa giải liên tiếp chứng kiến Nhà vô địch mới không phải là một đại biết bất kỳ của Big Three (gồm có Federer - 5 lần vô địch US Open, Nadal - 4 lần vô địch US Open) và Novak Djokovic (3 lần vô địch US Open). Lịch sử đã từng chỉ ra rằng, từ năm 2004 đến nay, Big Three thường chỉ không vô địch một hệ giải Grand Slam đúng 1 năm duy nhất, sau đó sẽ quay lại…
Đó là chuyện xảy ra ở Australian Open 2014, khi ngôi vô địch thuộc về Stan Wawrinka (trước và sau đó, Djokovic là “người quán xuyến”), ở Wimbledon trong các năm 2013 và 2016,ngôi vô địch thuộc về Andy Murray (lần lượt Federer và Djokovic “quán xuyến” các ngôi vô địch trước và sau đó). US Open chính là kỳ Grand Slam duy nhất chứng kiến Bir Three không chiếm ưu thế tuyệt đối: Juan Martin del Potro vô địch năm 2009, Murray vô địch năm 2012, Marin Cilic vô địch năm 2014, Wawrinka vô địch năm 2016. Còn giờ đây, 3 Nhà vô địch gần đây nhất của Giải Mỹ mở rộng lần lượt là Dominic Thiem (2020), Medvedev (2021) và Alcaraz (vô địch năm nay).
Những gì Alcaraz đã làm ở Flushing Meadows, và cả phần còn lại của thế giới đã chứng minh, là dấu hiệu cho thấy, Big Three đang đi đến những ngày tháng thống trị quần vợt thế giới cuối cùng, Khi US Open là “Cuộc cách mạng”, cũng đã đến lúc Federer, Nadal và Djokovic sớm chấm dứt nhiệm vụ lịch sử của mình.