“Tay súng trẻ người Nga” đang gìn giữ phong độ rực lửa từ Mallorca Open (diễn ra hồi cuối tháng 6) cho đến hôm nay. Anh đang có thành tích thắng 20/23 trận đấu gần nhất, đăng quang ngôi vô địch ở Mallorca và Toronto Masters, đồng thời lọt đến tứ kết Olympic Tokyo và bán kết Masters 1.000 tại Cincinnati. Kiểu phong độ này khá tương tự với khi anh “tham chiến” ở US Open hồi 2 năm về trước, nơi có kết cục cuối cùng là Medvedev lọt đến trận chung kết, giành Á quân.
Trong trận thắng chiếm ưu thế hoàn toàn chỉ sau 1 giờ 48 phút đồng hồ, Medvedev tung ra 23 cú đánh thắng điểm trực tiếp (cú winner), trong đó có 8 cú giao bóng ăn điểm trực tiếp (cú ace). Ngoài ra, tay vợt 25 tuổi quê ở Moscow còn đạt tỷ lệ thắng điểm khi cầm giao bóng 1 đến… 80% (thắng 33 điểm/41 tình huống cầm giao bóng 1) và tạo ra đến 17 cơ hội thắng break-point, tận dụng tốt 7 cơ hội trong số đó (Koepfer chỉ thắng 1/1 cơ hội giành break-point…).
“Với tôi, đây là đẳng cấp quần vợt quá tuyệt vời”, Medvedev hạnh phúc cho biết sau chiến thắng thứ 2 liên tiếp trước đối thủ người Đức, “Có vài khoảnh khắc khó khăn trong trận đấu mà cuối cùng, tôi đã giữ chắc tay vợt và chơi rất tốt. Ở một thời điểm của trận, đẳng cấp của đối thủ đã tuột xuống “một đôi chút” và tôi đã nhanh chóng tận dụng được điều đó. Tôi cảm thấy thật sự hạnh phúc khi giành được quyền vượt qua vòng 2 trong chưa đến 2 tiếng đồng hồ”.
Với kết quả này, Medvedev lọt vào vòng 3 và sẽ đối mặt với Pablo Andujar (Tây Ban Nha, hạng 74 thế giới), người cũng vừa có chiến thắng áp đảo sau 3 ván đấu trước một tay vợt người Đức khác là Philipp Kohlchreiber (hạng 115 thế giới) với điểm số 6-4, 6-3, 6-1, chỉ sau 2 giờ và 5 phút đồng hồ. Đây sẽ là lần đầu tiên Medvedev đối mặt với tay vợt gạo cội người Tây Ban Nha, người đàn ông “lão luyện và lịch duyệt” năm nay đã 35 tuổi và lăn lộn ở ATP Tour từ năm 2003…
Với Medvedev, người từng đối đầu với… khán giả New York ở Giải Mỹ mở rộng hồi năm 2019, việc có lại khán giả trên khán đài, hóa ra vẫn là niềm vui: “Thật đặc biệt khi đám đông khán giả đã quay lại khán đài ở New York. Thật đáng tiếc khi ở giải đấu năm ngoái, chúng ta không có được khán giả như thế này. Riêng tôi, tôi chỉ luôn cố gắng là chính bản thân mình, đôi khi trong những tình huống xấu, đôi khi trong những tình huống tốt, vẫn hy vọng mọi người có thể hiểu được. Tôi đơn giản chỉ cố gắng làm chính mình. Còn lại thì, người khác sẽ tự quyết định!”.
Tsitsipas, “Ứng cử viên nặng ký thứ 4” cho ngôi vô địch US Open năm nay, cũng giành được một chiến thắng cần thiết khác, với riêng bản thân anh, nhưng lại gây ra tranh cãi trong dư luận. Tay vợt hạng 3 thế giới người Hy Lạp đã đánh mất 1 ván đấu khi đối đầu với Mannarino “già giơ” người Pháp. Nhưng quan trọng hơn, anh này lại tận dụng thời gian vào nhà vệ sinh ở thời điểm “rất nhạy cảm” của trận đấu. Sau khi trở ra, anh nhận tiếng la ó từ khán giả, nhưng đã trở thành một tay vợt hoàn toàn khác, tươi tắn, mạnh mẽ hơn. Tsitsipas làm gì trong nhà vệ sinh???
Ngay ở thời điểm “nước sôi lửa bỏng đó”, Tsitispas đã tận dụng thời gian vào nhà vệ sinh và ở lỳ trong đó những… 7 phút đồng hồ. Tuy nhiên, Mannarino đã không quá chú tâm đến hành động này, anh không quá “so đo” như là Andy Murray. Trong thời gian đó, Mannarino cũng “bận rộn” yêu cầu BTC cấp cho sân đấu của anh một số lượng bóng mới, để sẵn sàng “chiến” với đối thủ Hy Lạp ngay khi Tsitsipas quay trở lại sân đấu. Tsitsipas quay trở lại, không quan tâm đến tiếng la chộ từ khán đài, tập trung từ đầu đến cuối và thắng “cú bagel”, không cho Mannarino 1 game đấu danh dự nào. Tsitsipas lý giải anh ướt đẫm mồ hôi nên vào nhà vệ sinh thay đồ.
Trước sự chỉ trích của dư luận, và sự hạch hỏi của báo giới, Tsitsipas tỏ ra khá băn khoăn: “Nếu tôi có phá vỡ bất kỳ luật lệ nào, chắc chắn là tôi có lỗi. Tôi đồng ý. Tôi chẳng làm bất cứ điều gì sai cả. Tôi tuân theo tất cả chỉ dẫn. Vậy thì, có vấn đề gì sao?”. Quả thật, chẳng có điều luật nào quy định các tay vợt chỉ được ở trong nhà vệ sinh bao nhiêu phút, mà nói rằng họ nên “tận dụng thời gian một cách hợp lý”. Với Tsitsipas, cách tận dụng thời gian này, "trên cả hợp lý".