Ngoại trừ khoảng thời gian “hừng xuân đột xuất” ở gần cuối ván đấu thứ 2, Serena đã chơi một trận đấu “nhợt nhạt” như những lần trước cô hiện diện ở chung kết. Tay vợt hiện đang sở hữu 23 danh hiệu Grand Slam di chuyển rất nặng nề, “vùng vằng làm mình làm mẩy” ở một số thời điểm cô cầm giao bóng (đôi khi là Andreescu cầm giao bóng), như thể cô tưởng rằng, cô vẫn giữ đẳng cấp đệ nhất như hồi 2017 trở về trước. Sở trường đánh bóng “nặng” và mạnh như đàn ông của Serena, giờ đây trở nên lỗi thời trước một tay vợt trẻ trung và linh hoạt như Bianca.
Đó là lý do, dù được cả sân đấu Arthur Ashe ủng hộ nhiệt tình, cô vẫn không tận dụng được thời điểm đang ngược dòng ở cuối ván 2 (từ bị dẫn 1-5, gỡ hòa 5-5) để tạo ra một cục diện “xoay chuyển trời đất”. Khi Serena bắt đầu gỡ 2-5, 3-5, 4-5 rồi cân bằng điểm số 5-5 trong ván đấu thứ 2, đám đông khán giả người Mỹ như phát cuồng, họ tưởng rằng, “cô gái vàng” của họ thật sự đã quay trở lại. Nhưng sẽ không có chuyện đó, với một tay vợt khác, có lẽ là có, nhưng với cô gái xinh xắn sinh năm 2000 quê ở Mississauga (Ontario) thì không. Chắc chắn sẽ là không…
Chỉ một khoảnh khắc ra ngồi ghế nghỉ ngơi, trong quãng nghỉ giữa game 10 và game 11, Bianca đã đắp cả chiếc khăn lau mồ hôi lên mặt, để nghiền ngẫm và bình tâm. Đó là khoảng khắc then chốt, quãng thời gian cho thấy, Andreescu có một sức mạnh tinh thần và bản lĩnh đáng nể. Với một người khác thì, hẳn sẽ là: “Cái quái gì đang xảy ra? Tôi đang gặp chuyện gì đây?? Sao mọi thứ lại thay đổi kỳ như vậy?”. Tuy nhiên, với “Công chúa lọ lem” người Canada, diễn biến tiếp theo hoàn toàn khác hẳn, khiến cả Serena, lẫn đám đông người Mỹ cảm thấy quá ngỡ ngàng.
Quay trở lại sân đấu, đó không phải là một cô gái 19 tuổi hoảng loạn vì bị Serena thắng liền 4 game đấu, mà phảng phất đâu đó, một bóng hình Kim Clijsters bản lĩnh, bình tĩnh biết cách làm giảm đi nhiệt của đối phương (sau khi Andreescu đánh bại Caroline Wozniacki, cô đã được “Mỹ nhân Đan Mạch khen ngợi: “Tôi thấy cô ấy có lối đánh giống như Clijsters ngày xưa”, và chính Andreescu cũng thừa nhận, cô thích xem huyền thoại người Bỉ thi đấu, và ít nhiều “bị nhiễm” phong cách của Clijsters). Andreescu thắng game cầm giao bóng để vượt lên dẫn 6-5, trước khi dẫn 40-15 trong game đấu thứ 12, có 2 cơ hội thắng championship-point. Bỏ lỡ cơ hội đầu, cô tận dụng tốt cơ hội thứ 2 bằng một cú đánh thông mình, giành chiến thắng điểm trực tiếp!
Như vậy, Andreescu, chứ không phải “Nữ hoàng Twitter” Eugenie Bouchard (người đang bận kiếm bộn tiền trên mạng xã hội, và ngồi ở nhà “tường thuật” trận đấu của tay vợt “đồng hương đàn em” trên Twitter, còn nhanh hơn khi Andreescu thắng từng điểm số), mới là người Canada đầu tiên đăng quang ngôi vô địch ở đấu trường Grand Slam. Ngoài ra, cô cũng là tay vợt sinh năm 2000, giành được một ngôi vô địch Grand Slam danh giá. Trên bảng xếp hạng của lịch sử WTA Tour, cô còn là tay vợt trẻ thứ 10 vô địch 1/4 giải đấu hàng đầu. Qủa là quá tuyệt vời.
Tốp 10 tay vợt trẻ tuổi nhất vô địch Grand Slam 1-Martina Hingis: Vô địch Australian Open 1997 khi 16 tuổi 117 ngày 2-Monica Seles: Vô địch French Open 1990 khi 16 tuổi 189 ngày 3-Tracy Austin: Vô địch US Open 1979 khi 16 tuổi 270 ngày 4-Maria Sharapova: Vô địch Wimbledon 2004 khi 17 tuổi 75 ngày 5-Arantxa Sanchez Vicario: Vô địch French Open 1989 khi 17 tuổi 174 ngày 6-Serena Williams: Vô địch US Open 1999 khi 17 tuổi 350 ngày 7-Steffi Graf: Vô địch French Open 1987 khi 17 tuổi 329 ngày 8-Hana Mandlikova: Vô địch Australian 1980 khi 18 tuổi 329 ngày 9-Svetlana Kuznetsova: Vô địch US Open 2004 khi 19 tuổi 76 ngày 10-Bianca Andreescu: Vô địch US Open 2019 khi 19 tuổi 83 ngày |
“Tôi cảm thấy rất nhiều, rất nhiều thứ trước trận đấu”, Andreescu xúc động cho biết trong buổi trả lời phỏng vấn báo giới ngay sau khi trận đấu kết thúc, “Nhiều hơn bất kỳ trận đấu nào. Ở trận đấu chung kết, lại phải thi đấu với Serena. Tôi đã cố gắng thở thật nhiều, kể từ khi thức dậy cho đến khi hồi hộp bước vào sân đấu. Tôi cũng cố làm điều đó trong suốt trận đấu, chỉ để giữ sự lo lắng ở lại đúng nơi chốn của nó. Tất cả đều không hề là dễ dàng. Nhưng tôi nghĩ rằng, tôi đã làm tốt, thật sự tốt, xuyên suốt trong mùa giải năm nay”.
“Tôi cũng có một số hoài nghi, bởi vì tôi là chứng nhân chứng kiến những lần lội ngược dòng của cô ấy, từ thua 0-5, thua 1-5, thua 2-5 để lật ngược thế cờ”, Andreescu tiết lộ về cách mà cô phản ứng lại sau khi bị đối thủ thắng liền 4 game đấu ở gần cuối ván 2, “Tôi tự nhủ với bản thân mình rằng hãy bám chặt với chiến thuật. Khi đó, cô ấy bắt đầu chơi tốt hơn, và đám đông đã giúp ích rất nhiều cho cô ấy, tôi nghĩ vậy. Nhưng tôi đã nói với bản thân, hãy cố giữ quả bóng khốn kiếp rơi ở bên trong sân đấu, và trước hết, hãy cố thở đều mỗi khi cô ấy cầm giao bóng. Tôi muốn thắng ngay cái điểm số đầu tiên để cho cô ấy thấy tôi ở trạng thái chiến thắng”.
Về phần mình, có lẽ Serena đã hết thời. Hiển nhiên thì đúng hơn. Cô chỉ còn cách “ranh giới” để trở thành một người vĩ đại như Margaret Court, đúng 1 danh hiệu. Nhưng cô liên tục bỏ lỡ nó, từ Wimbledon năm ngoái, US Open năm ngoái, đến Wimbledon năm nay và bây giờ là US Open năm nay. Có thể, Serena vẫn còn năng lực thắng Grand Slam thứ 24.
Nhưng sau đó, mọi thứ có thể sẽ ngưng đọng lại. Cô đã chậm lắm rồi. Làm mẹ chỉ khiến cô kiên cường hơn… trong việc chăm con, không thể biến cô mềm mại như một Clijsters ngày xưa, quay trở lại dũng mãnh sau khi làm mẹ. Mà cô lại vừa thua một tay vợt có phong cách giống Clijsters nữa chứ. Serena đã thua 5 trận chung kết liên tiếp. Cô chưa giành được danh hiệu nào từ Australian Open 2017. Thời của cô, hẳn đã nằm lại phía sau!
5 - Serena Williams đã thua 5 trận chung kết liên tiếp, lần lượt ở Wimbledon 2018 (thua Angelique Kerber), US Open 2018 (thua Naomi Osaka), Wimbledon 2019 (thua Simona Halep), Rogers Cup 2019 (thua Bianca Andreescu) và US Open 2019 (cũng thua Andreescu) 2 - Trong cả 5 trận thua ở chung kết này, Serena Williams đều thất thủ chỉ sau vỏn vẹn 2 ván đấu 0 - Cô chưa giành được danh hiệu nào kể từ khi quay trở lại sau khi làm mẹ (một phép so sánh nhỏ, trước khi làm mẹ, Kim Clijsters chỉ thắng 1 Grand Slam, sau khi làm mẹ, huyền thoại người Bỉ thắng đến 3 Grand Slam, US Open 2009-2010 và Australian Open 2011 |