
Gió rất lớn ở Flushing Meadows và những nỗ lực hết mình của Tomas Berdych (CH Séc, hạng 7 ATP) vẫn không thể ngăn cản Andy Murray “bay qua mức xà” ở trận bán kết để đường hoàng góp mặt ở trận chung kết. Nếu Murray ví tấm HCV ở Olympic London là bệ phóng thì có lẽ, anh sẽ “bay qua mức xà” cao nhất tại New York.
Berdych đã chơi rất hay trong ván đầu tiên khi đánh bại Murray với điểm số 7/5 khi tận dụng tốt set-point ở rơ thứ 12. Nếu Berdych tiếp tục chơi tốt như trong 77 phút thi đấu của ván 1, anh hoàn toàn có khả năng tái lập bất ngờ tương tự với những gì đã xảy ra ở tứ kết - khi anh “lật đổ” Roger Federer. Vấn đề là phong độ của Berdych trồi sụt thất thường. Dưới bầu trời gió lộng (những cơn gió có tốc độ lên đến 40 km/giờ), Berdych dần đánh mất bản thân mình, trong khi Murray cứ như “con diều”, gió càng lớn thì càng bay cao. Với những cú đánh thiện nghệ như trong các buổi tập, Murray đã thắng ngược trong 3 rơ cuối cùng với điểm số 6/2, 6/1, 7/6 (9-7) để kết thúc trận đấu sau 3 giờ 58 phút.

Andy Murray trong nỗ lực “bay qua” Tomas Berdych.
Đây sẽ là trận chung kết Grand Slam thứ 2 trong mùa giải năm nay và cũng là thứ 5 trong sự nghiệp của Murray. Sau nhiều lần lọt đến trận chung kết đình đám với một “kịch bản” quen thuộc: thua cuộc và chấp nhận ngôi á quân, đây chính là lúc để Murray bùng nổ để tìm kiếm sự công nhận thật sự từ dư luận bởi với nhiều người khó tính, Murray không xứng đáng đứng chung hàng ngũ cùng Federer, Novak Djokovic hay Rafael Nadal vì anh chưa từng giành được Grand Slam nào.
Murray tỏ ra rất xúc động: “Tôi chưa bao giờ vào đến 2 trận chung kết Grand Slam trong cùng 1 năm. Vì thế, rõ ràng đây là một dấu hiệu tốt cho thấy tôi đang chơi tốt hơn qua từng ngày và vẫn không ngừng học hỏi để vươn lên. Chiến thắng ở Olympic 2012 chính là chiến thắng lớn nhất trong sự nghiệp của tôi, tính cho đến thời điểm này. Tấm HCV Olympic rất có ý nghĩa đối với bản thân tôi, nó như một bệ phóng để giúp tôi vươn tầm đến các danh hiệu Grand Slam”. Để… “bay qua” Berdych ở bán kết, Murray dù tung ra ít hơn các cú thắng điểm trực tiếp (37 so với 45) nhưng anh chỉ mắc phải 20 lỗi đánh hỏng bóng (so với 64 lỗi của Berdych). Ngoài ra, Murray cũng chính là tay vợt tỉnh táo hơn, bình tĩnh hơn bất chấp điều kiện thời tiết càng lúc càng trở nên khó khăn hơn… Murray nói: “Đây là một trong những điều kiện thời tiết khó khăn nhất mà tôi từng trải qua khi thi đấu (có thời điểm Murray vừa giao bóng sang phần sân của Berdych thì… gió thổi bay ghế và túi vợt của Berdych ra khu giữa sân). Môn thể thao của chúng ta xứng đáng nên có một số điều luật dự phòng để tránh việc phải thi đấu trong điều kiện thời tiết tồi tệ như thế này”.
Dù sao thì với cú “qua xà” đầy ngoạn mục này, Murray đang củng cố vị thế của mình như là “một trong những người Scotland nổi tiếng nhất thế giới”. Sau chiến thắng, Murray đã có cơ hội gặp gỡ những người Scotland lừng danh là diễn viên Sean Connery và ngài Alex Ferguson. Hy vọng, Murray sẽ trở thành “huyền thoại” như 2 người nổi tiếng này.
TIỂU PHI
Giải đôi nam: Anh em nhà Bryan giành Grand Slam thứ 12
Bộ đôi số 1 thế giới - anh em Mike Bryan và Bob Bryan vừa tiếp tục ghi dấu ấn lịch sử khi đánh bại đôi hạt giống số 5 là Leander Paes (Ấn Độ) và Radek Stepanek (CH Séc) với điểm số 6/3, 6/4 để đăng quang ngôi vô địch. Đây là danh hiệu Grand Slam thứ 12 trong sự nghiệp của anh em nhà Bryan và với thành tích này, họ đã vượt qua đôi Todd Woodbridge và Mark Woodforde (đều thuộc Australia) để cân bằng với kỷ lục của cặp đôi huyền thoại John Newcombe và Tony Roche (cũng của Australia) trên bảng xếp hạng “sưu tập” Grand Slam đôi qua mọi thời đại.
Anh em nhà Bryan cũng đã cân bằng kỷ lục thắng 4 danh hiệu US Open của Robert Lutz và Stan Smith (Mỹ) - tính từ năm 1968 cho đến nay. Bộ đôi này đã giành được 6 danh hiệu trong mùa giải năm nay; trong đó, với tấm HCV đôi nam ở Olympic London 2012 (thắng đôi người Pháp Michael Llodra và Jo-Wilfried Tsonga), anh em nhà Bryan đã hoàn thành kỳ tích “Career Golden Slam”. Riêng Mike Bryan, anh đã giành được tổng cộng 83 danh hiệu ATP Tour trong sự nghiệp (so với 81 của Bob Bryan) - ngang bằng với thành tích của Woodbridge.

Mike Bryan và Bob Bryan
Mike Bryan thổ lộ: “Chúng tôi chỉ cố gắng giành một danh hiệu Grand Slam và giờ đây, khi mọi chuyện đã xong, chúng tôi mới bắt đầu cảm thấy thật thú vị khi đạt được kỳ tích này. Khi nhìn lại những gì Woodies đã làm được, việc phá vỡ kỷ lục của 2 huyền thoại này thật là khó tin, bởi vì chúng tôi rất thần tượng họ. Họ chính là một trong những lý do khiến chúng tôi cảm thấy hứng thú và theo đuổi sự nghiệp đánh đôi. Được nhắc đến chung với những huyền thoại này là điều gì đó rất đặc biệt. Và việc đạt được một kỷ lục vĩ đại giống như kỷ lục Grand Slam này quả thật vô cùng tuyệt vời!”.
TIỂU SIÊU