Chiến thắng của bạo lực
Cách đây đúng 30 năm, trung tuần tháng 11-1993, giải đấu UFC đầu tiên đã diễn ra và nhanh chóng trở thành “một sự kiện đẫm máu” đáng nhớ...
Mọi thứ khiến người xem gợi nhớ đến những bộ phim "đánh đấm" của điện ảnh Hollywood - chứ không phải thể thao đơn thuần: Nơi không có quy tắc - luật lệ, không có găng tay và cũng không chia hạng cân.
Các võ sĩ bị khóa chặt trong lồng sắt, nơi họ lao vào đánh nhau chí chóe. Có quá nhiều máu đổ... đến nỗi, máu bay dính ướt áo các trọng tài điều hành.
Thậm chí ban đầu, BTC còn muốn bao quanh lồng sắt với một con hào có cả cá sấu và dựng hàng rào điện chia cắt cho thêm phần kịch tính. UFC 1 đã khởi đầu như vậy và đó là “Sự khởi nguồn của UFC”.
Hiện thực hóa giấc mơ MMA nhờ lương duyên với jiu-jitsu
Từ đầu những năm 1990 của thế kỷ trước, các giải đấu tiền thân của MMA đã được tổ chức tại Brazil, Nhật Bản, dưới sự quảng bá của Vale Tudo và Shooto. Hồi đó, nước Mỹ hầu như đứng ngoài cuộc chơi, họ không rõ lắm về MMA
Năm 1976, huyền thoại quyền Anh người Mỹ - Muhammad Ali - đã chấp nhận khoản tiền khổng lồ đấu trận đấu có mối đe dọa đến sự nghiệp của ông, đương đầu võ sĩ người Nhật Bản - Antonio Inoki (được coi là nguyên mẫu của MMA).
Trận đấu này đã mở ra một phương trời mới, sau đó, sự xuất hiện của UFC đã khiến người Mỹ có thêm hiểu biết về MMA.
Vị doanh nhân quê ở California, ông Arthur Davey, chính là người biến các trận đấu kiểu “võ tự do” nổi danh ở trên phim ảnh Mỹ trở thành... sự thật ngoài đời, khi đã hiện thực hóa mơ ước tổ chức giải đấu MMA từ lâu đời của mình.
Quyết định của “ông bầu” Davey được đưa ra sau khi ông này có duyên gặp gỡ “vị sư phụ” môn jiu-jitsu là Rorion Garcie, người đã di cư sang Mỹ để sinh sống và mở phòng tập (khi đó vẫn được xem là “võ đường”) ở đây.
“Sư phụ” Garcia phàn nàn với Davey rằng, người ta đổ xô đi tập karate sau khi xem phim Hollywood, dù rằng jiu-jitsu có đòn thế hiệu quả hơn hẳn.
Rorion Garcie (phải, đeo đai đỏ) |
“Sư phụ” Rorion chính là người đại diện cho gia tộc Garcie nổi tiếng - những võ sĩ cùng dòng họ người Brazil đã quảng bá cho môn jiu-jitsu của Nhật Bản từ hồi đầu thế kỷ này (đến nay, vẫn có nhiều người lầm tưởng jiu-jitsu có xuất xứ từ... đất nước Brazil).
Dòng họ nhà Garcie đã chiến đấu dưới luật của Vale Tudo tại Brazil qua nhiều thế hệ. Sau khi chuyển đến Mỹ, họ mở rộng cửa phòng tập, chào đón bất kỳ ai dám đến thách đấu.
Các trận đấu ở trong phòng tập được quay phim lại, với các video có thời lượng hàng tiếng đồng hồ được “dán nhãn” là “Gracie in Action” và rất nổi tiếng trên mạng internet toàn cầu.
Báo chí đưa tin về Gracie in Action |
Được truyền cảm hứng từ các video của Garcie, “ông bầu” Davey đã đề nghị “vị sư phụ” jiu-jitsu đứng ra tổ chức giải đấu “War of the Worlds” (nghĩa tiếng Việt: “Đại chiến giữa các Thế giới”) gồm có 8 võ sĩ tham gia.
Đạo diễn và biên kịch phim John Milius (từng quay những bộ phim điện ảnh nổi tiếng như là “Apocalypse Now”, rồi “Cona the Barbarian” - phim do tài tử cơ bắp Arnold Schwarzenegger thủ vai chính, phát hành hồi năm 1982), vốn là một “đệ tử ưng ý” của Garcie, trở thành Giám đốc sáng tạo của giải đấu.
Davey đã lập ra một kế hoạch kinh doanh, trong đó, 28 nhà đầu tư ban đầu sẽ cùng góp vốn để tạo ra WOW Prmomotions.
Ông tin rằng, đây chính là giải đấu tiên phong và cũng sẽ là duy nhất, nhưng không loại trừ khả năng biến nó thành một chương trình truyền hình, thứ vẫn tồn tại rất hiếm hoi ở vào thời điểm đó.
Năm 1993, WOW Promotipns đàm phán với các kênh truyền hình cáp. Các công ty lớn ngay lập tức từ chối hợp tác vì họ đang có các hợp đồng quảng bá quyền Anh rất lớn, môn thể thao “đánh đấm” số 1 ngay vào lúc này.
Trong khi đó thì, SEG - kênh sản xuất các giải đấu quần vợt dành cho các VĐV chuyển giới, mang tên “Battle of Sexes”, đơn vị ưa thích sự thử nghiệm các thể thức thi đấu thể thao “độc - lạ - và mới mẻ” lại đồng ý, nhưng tên giải đấu phải khác đi so với ban đầu.
Sự ra đời của Bát giác đài và ý tưởng "kinh dị" sơ khai
Vấn đề đầu tiên là làm võ đài như thế nào??? Võ đài thì phải có dây thừng phía sau, để ngăn các võ sĩ bị đánh rơi ra ngoài. Vì thế, SEG đã yêu cầu Giám đốc nghệ thuật Jason Casson phác họa ra một chiếc lồng hình bát giác.
Bát giác đài đã ra đời như vậy đó. Nó không chỉ ngăn trở để các võ sĩ không bị ngã, và rơi ra bên ngoài, nó còn có dáng dấp giống như là một đấu trường đấu võ trong các bộ phim của Hollywood, với những trận đấu không có luật lệ.
Thậm chí, người ta dự định đào một con hào dọc theo Bát giác đài để thả cá mập, cá sấu vào trong đó, con hào được dẫn cả điện (!?).
Nhưng ý tưởng kinh dị này đã bị gạt bỏ để rồi, Bát giác đài đã trở thành biểu tượng của UFC, được bảo tồn cho đến hôm nay (tất nhiên, không phải bất kỳ võ đài MMA nào cũng là Bát giác đài).
The Ultimate Fighting Championship
Casson đã vẽ hình Bát giác đài và trở thành nghệ sĩ của UFC. Ông làm việc ở đây cho đến tận năm 2000. Còn SEG đã nghĩ ra cái tên giải đấu rất kêu: “The Ultimate Fighting Championship”.
“Ông bầu” Davey chấp nhận cái tên này, vì ông không muốn đây chỉ là một “giải đấu ngầm”, thay vào đó, phải là giải đấu võ thuật chất lượng và công khai, được mọi người công nhận.
Các võ sĩ đến từ các trường phái khác nhau hội tụ cho sự kiện UFC đầu tiên. Trong đó, có các đại diện của các môn võ thuật nổi tiếng và thông dụng thời điểm đó như là quyền Anh, kick-boxing, taekwondo, karate, sumo, shoot-fighting (môn MMA của người Nhật), hay thậm chí cả quyền Pháp...
Jiu-jitsu cũng phải có đại diện và em trai của Rorion, võ sĩ Garcie Royce đã trở thành “gương mặt” đại biểu cho “Gia tộc” Garcie. Đích thân “Sư phụ” Rorion đã lựa chọn em trai mình làm người đại diện cho gia tộc mình.
Garcie Royce trở thành Nhà vô địch đầu tiên của UFC |
Dù BTC giải chỉ thực hiện các biện pháp quảng cáo khiêm tốn và hạn chế, với những tờ rơi phát miễn phí trên đường phố và các mục quảng cáo nhỏ bé trên các trang báo lớn, UFC 1 vẫn thu hút 2.800 người mua vé vào khán đài và 86 ngàn người đã đăng ký các kênh truyền hình có trả phí.
Tất cả người xem, khán giả tại khán đài, khán giả truyền hình đều bị sốc vì sự dã man của sự kiện này. Các võ sĩ đấu với nhau kiểu xô bồ, không phân chia hạng cân và không bị giới hạn về thời gian.
Họ đấu với nhau bằng đều quyền không quấn găng. Họ có thể đá vào háng của nhau, được quyền giẫm đạp đối thủ khi đang nằm, giật tóc cũng được phép. Chỉ có cắn và móc mắt là bị cấm.
“Ông bầu” Davey hiểu rằng, khi tổ chức một sự kiện đánh đấm như thế, chỉ có thể thực hiện ở Denver, vì ở bang Colorado không có Ủy ban thể thao và cũng không có giấy phép đặc biệt nào cả.
Chính quyền tỏ ra cảnh giác với sự kiện "thể thao" này, dù rằng họ cũng không hề cấm đoán.
Biết về sự khắc nghiệt, một số võ sĩ đăng ký chiến đấu rút lui vào giờ chót. Họ rất không muốn lên đài và đấu với đầu quyền không găng và không có luật lệ.
Đô vật sumo nổi tiếng, ông Teila Tuli đã cười nhạo sự hèn nhát này. Ông đã ký hợp đồng thi đấu ở UFC 1 mà không cần liếc mắt đọc bất kỳ điều khoản nào ở trong đó.
Cựu đô vật hiện đã bén duyên với phim ảnh này (hiện ông đang đóng nhiều loạt phim truyền hình như là "Biệt đội Hawaii", "Đặc nhiệm Magnum") nói, ông chờ mọi người trong lồng sắt...
Teila Tuli (áo vàng) trong phim "Biệt đội Hawaii" |