“Vua giao bóng” người Croatia Ivo Karlovic vừa tạo dựng nên một kỷ lục “vô tiền khoáng hậu” ở đấu trường giải đấu US Open khi tung ra 61 cú giao bóng ăn điểm trực tiếp chỉ trong một trận đấu.

Ivo Karlovic
Karlovic đã đánh bại tay vợt người Đài Loan là Lu Yen Hsun (từng sang Việt Nam để tham gia Heineken Challenger tại TPHCM) với điểm số 4/6, 7/6 (7-4), 6/7 (4-7) và 7/5 trong một trận đấu diễn ra vào rạng sáng hôm nay, 31-8. Nhờ vào 61 cú giao bóng ăn điểm trực tiếp trong trận đấu này (và “chỉ” mắc phải 10 lỗi giao bóng kép), Karlovic đã giành chiến thắng ở... 28/29 game cầm giao bóng, trong đó, anh đã tung ra đến 22 cú giao bóng ăn điểm trực tiếp ngay trong ván thứ 2, nhiều gấp 2 lần số lần giao bóng ăn điểm trực tiếp trong cả trận đấu của Andy Murray – cũng diễn ra trong ngày.
Tay vợt cao nhất thế giới (với chiều cao lên đến... 2 mét 11) đã phá kỷ lục cũ do “tiền bối” người Hà Lan Richard Krajicek (vô địch Wimbledon 1996) thiết lập tại một trận đấu vòng tứ kết của US Open hồi năm 1999 – Karajicek đã tung ra 49 cú giao bóng ăn điểm trực tiếp trong trận thua Yevgheny Kafelnikov (Nga) sau đến 5 ván đấu ở vòng đấu “bát cường” của Flushing Meadow hồi cách đây 17 năm. Tuy nhiên, kỷ lục này vẫn còn kém xa KLTG về số lần giao bóng ăn điểm trực tiếp nhiều nhất trong một trận đấu do John “lớn” Isner (Mỹ, cao 2 mét 09, cao thứ 2 trong làng quần vợt nam thế giới, chỉ sau Karlovic) sở hữu – với 113 cú giao bóng ăn điểm trực tiếp, anh này đã thiết lập KLTG này trong trận thắng Nicolas Mahut (Pháp, hiện đang là số 1 đôi thế giới) 6/4, 3/6, 6/7 (7-9), 7/6 (7-3), 70/68 ở Wimbledon 2010. Mahut cũng có 103 cú giao bóng ăn điểm trực tiếp. Trận đấu này cũng đang giữ KLTG như là trận đấu dài nhất, nó đã diễn ra trong suốt 3 ngày, khiến Isner và Mahut mất 11 giờ 5 phút đồng hồ vật vã kịch chiến trên sân.
Tay vợt đạt tỷ lệ giao bóng 1 thắng điểm lên đến 91% (105/116), nhưng lại chỉ tận dụng được vỏn vẹn 1/8 cơ hội thắng break-point lên tiếng cho biết: “Tôi biết tôi đã có rất nhiều cú giao bóng ăn điểm trực tiếp trong trận đấu này, vì có một thời điểm ở trong ván đấu thứ 2, hầu như mỗi cú giao bóng mà tôi tung ra đều là những cú giao bóng ăn điểm trực tiếp. Tôi biết sẽ có rất nhiều cú giao bóng ăn điểm trực tiếp, nhưng không biết cụ thể là nó nhiều đến như thế nào”. Tính cho đến thời điểm này của sự nghiệp, “Vua giao bóng” từng trải qua 4 trận đấu có số lần giao bóng ăn điểm trực tiếp nhiều hơn 50 (không tính các trận đấu ở đấu trường Davis Cup). Trước đó, ở Roland Garros 2009, anh đã tung ra 55 cú giao bóng ăn điểm trực tiếp trong trận thua Lleyton Hewitt (Australia). Ở Wimbledon hồi năm ngoái, anh cũng đã tung ra 53 cú giao bóng ăn điểm trực tiếp trong trận thua Alexandr Dolgoplov (Ucraina). Còn ở Wimbledon 2005, anh đã tung ra 51 cú giao bóng ăn điểm trực tiếp trong trận thua Daniele Bracciali (Ý).
Tính đến trước khi US Open 2016 diễn ra, Karlovic đang tạm xếp thứ 2 trong danh sách những tay vợt có số lần giao bóng ăn điểm trực tiếp trong mùa, anh đang có 774 cú giao bóng ăn điểm trực tiếp sau 38 trận đấu. John “lớn” đang sở hữu 877 cú giao bóng ăn điểm trực tiếp sau 36 trận. Tuy nhiên, nếu tính trong cả chiều dài lịch sử của ATP World Tour, Karlovic vẫn là tay vợt hàng đầu khi đang sở hữu 11.277 cú giao bóng ăn điểm trực tiếp. KLTG cũ thuộc về “tiền bối đàn anh” của anh – cựu tay vợt người Croatia Goran Ivanisevic, người sở hữu 10.131 cú giao bóng ăn điểm trực tiếp trong suốt sự nghiệp của mình. Karlovic từng có 5 lần kết thúc mùa giải ở ngôi giao bóng ăn điểm trực tiếp số 1 thế giới – đó là các năm 20015 (với 1.477 cú), 2014 (với 1.185 cú), năm 2009 (với 890 cú), năm 2008 (với 961 cú) và năm 2007 (với 1.318 cú). Karlovic nói: “Đương nhiên, đây là thứ vũ khí hiệu quả nhất của tôi. Tôi đã tập luyện rất nhiều và rất tự hào với nó. John đang dẫn trước đôi chút, nhưng tôi đã trải qua 4 trận đấu không đạt 100% khả năng của mình, và trong những trận đấu đó, tôi đã không thể tung ra nhiều cú giao bóng ăn điểm trực tiếp như mong đợi. Giờ đây, khi tôi đã khỏe mạnh, tôi đang có một cơ hội để có thể bắt kịp được anh ấy”.
Năm nay đã... 37 tuổi, Kerlovic vẫn nuôi tham vọng lọt vào tốp 20 thế giới trên bảng điểm của ATP World Tour thêm một lần nữa. Trước đó, anh đã có 7 lần lọt vào nhóm 20 tay vợt mạnh nhất – đó là hồi 24-3-2008 (hạng 20 thế giới), 7-4-2008 (hạng 18 thế giới), 6-10-2008 (hạng 14 thế giới), 20-10-2008 (hạng 20 thế giới), 5-10 hồi năm ngoái (hạng 18 thế giới, 19-10 năm ngoái (hạng 20 thế giới), và hồi 15-8 năm nay (hạng 20 thế giới).
Các kết quả đáng chú ý khác ở giải đơn nam:
- Andy Murray (Anh quốc) – Lukas Rosol (CH Séc) 6/3, 6/2, 6/2
- Nick Krygios (Australia) – Aljaz Bedene (Anh quốc) 6/4, 6/4, 6/4
- Juan Martin del Potro (Argentina) – Diego Schwartzman (Argentina) 6/4, 6/4, 7/6 (7-3)
- Stan Wawrinka (Thụy Sỹ) – Fernando Verdasco (Tây Ban Nha) 7/6 (7-4), 6/4, 6/4
- Kei Nishikori (Nhật Bản) – Benjamin Becker (Đức) 6/1, 6/1, 3/6, 6/3
- Janko Tipsarevic (Serbia) – Sam Querrey (Mỹ) 7/6 (7-4), 6/7 (0-7), 6/3, 6/3
Genie chưa hết xui xẻo
US Open có lẽ chính là “vùng đất đen đủi” nhất của tay vợt nữ xinh đẹp người Canada Eugenie Bouchard. Chỉ một năm sau sự kiện bị ngã đập đầu trong phòng thay quần áo của Flushing Meadows, dẫn đến việc Genie đâm đơn kiện BTC US Open ra trước Tòa án Quận Brooklyn (New York) về tội tắc trách và cẩu thả, nhưng vụ án vẫn đang bị treo, chưa được giải quyết, cô gái 22 tuổi quê ở Montreal đã nhận lãnh trận thua ngay ở vòng 1 của US Open 2016. Cô đã thúc thủ trước tay vợt kém danh người CH Séc – Katerina Siniakova (hạng 72 thế giới) với điểm số 3/6, 6/3 và 2/6. Đây chính là trận thua thứ 22 của Genie trong mùa giải năm nay. Cô hiện đang xếp hạng 36 thế giới, và có nhiều triển vọng... văng ra ngoài tóp 50 thế giới.
Genie tỏ ra rất kém thoải mái trong buổi họp báo sau trận đấu. Cô liên tục vặn vẹo đôi bàn tay, dùng tay chà xát đôi môi nhỏ xinh và lấy tay phải ôm chặt cánh tay trái. Genie nói: “Nếu tôi vẫn ngồi đây và nghĩ về ca tai nạn đó cùng những rắc rối chưa xong, sẽ là một điều hết sức kỳ lạ. Nhưng nó là thứ tưởng như đã rất xa rồi giờ đây lại quay trở lại với tâm trí của tôi. Cơ bản thì, tôi không nghĩ về chuyện này mỗi ngày. Tôi có những người hỗ trợ, các luật sư, tất cả mọi người đang lo về việc kiện tụng đó. Vì thế, đó không phải là chuyện mà tôi hoàn toàn nghĩ đến quá nhiều. Rõ ràng, khi ngồi ở đây, chuyện đó chợt xẹt ngang suy nghĩ của tôi. Nhưng ngoài ra, tôi chẳng có gì phải suy nghĩ về nó ngày qua ngày.
Trận đấu với... 46 lần đánh bóng hỏng lại là một thất bại tệ hại mới của Genie ở đấu trường Grand Slam. Hồi 2 năm trước, Genie đã khiến cả thế giới phải “ngả mũ chào đón một hiện tượng tuyệt vời”, khi lọt đến 3 trận đấu bán kết liên tiếp ở đấu trường Grand Slam (lần lượt ở Australian Open, French Open và Wimbledon trong mùa giải 2014 – riêng ở Wimbledon, cô đã lọt đến tận trận đấu chung kết trước khi thúc thủ trước Petra Kvitova). Từ đó cho đến nay, cô vẫn chưa thể giành quyền lọt đến trận bán kết thứ 4. Thậm chí, từ Roland Garros 2015 cho đến nay, Genie vẫn chưa một lần vượt qua vòng 4 ở đấu trường Grand Slam đình đám. Cô bị loại ở vòng 1 của Roland Garros và Wimbledon năm ngoái, lọt đến vòng 4 US Open năm ngoái, lần lượt bị loại ở vòng 2 Australian Open và Roland Garros năm nay, bị loại ở vòng 3 Wimbledon năm nay.
Các kết quả khác:
- Serena Williams (Mỹ) – Ekaterina Makarova (Nga) 6/3, 6/3
- Kristina Mladenovic (Pháp) – Nao Hibino (Nhật Bản) 6/4, 7/5
- Venus Williams (Mỹ) – Kateryna Kozlova (Ucraina) 6/2, 5/7, 6/4
- Elena Vesnina (Nga) – Anett Konteveit (Estonia) 7/6 (7-4), 4/6, 6/3
- Carla Suarez Navarro (Tây Ban Nha) – Teliana Perreira (Brazil) 6/0, 6/0
- Julia Goerges (Đức) – Yanina Wickmayer (Bỉ) 6/3, 6/2
Đ.Hg.