Như vậy, sau khi phó chủ tịch Cấn Văn Nghĩa từ chức thì mới đây VFF đã tìm được người tạm thời thay thế.
Cần nói là tại đại hội VFF khóa VIII, khi ông Cấn Văn Nghĩa (nguyên giám đốc Khu liên hợp thể thao QG Mỹ Đình) vượt qua các ứng viên Lê Văn Thành (chủ tịch HĐQT công ty CP thể thao Động Lực), Nguyễn Hoài Nam (Tổng giám đốc Tập đoàn Berjaya), Trần Văn Liêng (Tổng giám đốc công ty Cacao Việt Nam) thì cả làng bóng đá ngạc nhiên.
Sở dĩ cho rằng ngạc nhiên là do ghế này được xem nóng nhất trước đại hội VFF. Bởi trước khi đại hội diễn ra thì danh sách ứng viên khá đông đảo với ông Trần Anh Tú (chủ tịch HĐQT công ty VPF), ông Nguyễn Công Khế (chủ tịch HĐQT công ty CP Tập đoàn truyền thông Thanh Niên), ông Phạm Thanh Hùng (chủ tịch CLB Quảng Ninh) và 4 người nêu trên. Tuy vậy, vì những lý do khác nhau mà ông Tú, ông Khế và cả ông Hùng xin rút trước khi diễn ra đại hội.
Ai cũng biết trong số 4 ứng viên cuối cùng tranh cử thì đề cương tranh cử của ông Nghĩa là yếu nhất. Trái lại, những người kia có chương trình hành động rõ ràng, cụ thể và bản thân có tầm ảnh hưởng, vậy mà ông Nghĩa lại trúng cử. Đấy là điều mà dân trong nghề cho là “không hiểu nổi”, khi cuộc đua vào ghế nóng lại khoán cho gần 70 lá phiếu thuộc người của Tổng cục TDTT, các CLB và các liên đoàn bóng đá địa phương mà trong đó lắm người rất thiếu trách nhiệm là cần nâng lân đặt xuống kỹ trước khi bỏ phiếu.
Ngày đó, VFF cũng đã sửa sai bằng việc gia hạn thời gian đề cử nhưng không có tín hiệu sáng sủa vì vẫn những gương mặt chưa gây nhiều dấu ấn. Chẳng ai khác, chính VFF trước đại hội đã không thể tập hợp nhân tài một cách rộng rãi, cộng thêm tắc trách lẫn dích dắc phía sau hậu trường nên phải chọn ra “cột cờ” như ông Cấn Văn Nghĩa.
Chiếc ghế phó chủ tịch tài chính vốn rất nóng, nhưng sau khi ông Nghĩa ngồi vào thì làm cho nguội lạnh. Nay thì phó chủ tịch chuyên môn Trần Quốc Tuấn phải kiêm thêm mảng tài chính nhưng thời gian tới phải chọn được các ứng viên giỏi.
Làng bóng Việt Nam trong quá khứ từng gặp không ít vướng mắc về công tác nhân sự nhưng lúc này thì còn khó hơn vì người có tâm, có tầm và có tiền không dễ chịu ứng cử vào ghế phó chủ tịch tài chính kiểu “điền vào chỗ trống”. Một số ứng viên sáng giá lúc này hoặc đã lên tiếng từ chối hoặc đang vướng bận nhiều công việc nên cũng không hẳn… hứng thú.
Tìm người ngồi ghế trống ở VFF tưởng dễ mà không dễ.