Thương vụ Josko Gvardiol và đỉnh điểm của Pep

Cú ăn ba vĩ đại, chức vô địch ngoại hạng Anh thứ 5 trong 6 mùa gần nhất. Tưởng mọi thứ đã thõa mãn tham vọng của Pep Guardiola, người vốn dĩ chẳng thiếu thứ gì về danh vị. Nhưng không. Với một người bị ám ảnh bởi sự hoàn hảo, điều duy nhất Pep quan tâm khi đứng trên đỉnh cao là lập nên những đỉnh cao mới. Và việc Man.City có thể biến Josko Gvardiol thành trung vệ đắt giá nhất thế giới chính là thứ tư duy của riêng Pep.
Thương vụ Josko Gvardiol và đỉnh điểm của Pep

Tin cho biết Gvardiol đang chuẩn bị kiểm tra y tế để hoàn tất việc chuyển sang Man.City. Người ta không nhìn vào thương vụ này bởi số tiền khổng lồ, mà cái người ta muốn biết là tại sao phải chi ra số tiền lớn như vậy khi Man.City đâu có dấu hiệu nào đó phải nâng cấp đội hình. Vì vậy, đa số đều tin rằng, Pep chấp nhận trả chừng đó tiền vì ông ta vừa nghĩ ra một thứ gì đó mới mẻ lắm, mà cần một người như Gvardiol.

Tư duy hiện đại của Gvardiol chính là yếu tố đầu tiên. Không chỉ giỏi phòng ngự, đặc biệt là khâu kèm người mà chúng ta từng ngây ngất ở World Cup 2022, thì Gvardiol còn có thể tung ra những đường chuyền mang tính đột biến cao khi đội nhà đang cầm bóng. Ở mùa giải năm ngoái, RB Leipzig là đội có tỷ lệ kiểm soát bóng cao thứ hai tại Bundesliga với thời lượng cầm bóng trung bình 58,3%, chỉ đứng dưới Bayern Munich (64,4%). Điều này giúp cho Gvardiol phát huy tối đa khả năng cầm bóng của mình. Anh vượt trội hơn tất cả các đồng đội tại RB Leipzig về số đường chạm bóng (trung bình 100 lần/90 phút), số đường chuyền thành công (trung bình 79,2 lần/90 phút) và tỷ lệ chuyền chính xác (89,3%). Gvardiol đã quá quen với việc chạm bóng trên 100 lần trong mỗi trận, và đó sẽ là một lợi thế lớn để anh nhanh chóng thích nghi với lối chơi của Man.City.

Được HLV Marco Rose bố trí ở vị trí trung vệ lệch trái trong sơ đồ 3 hoặc 4 hậu vệ, Gvardiol luôn tìm cách dâng cao và phá vỡ cấu trúc đội hình của đối phương bằng những đường chuyền xuyên tuyến. Mùa trước, tuyển thủ Croatia tung ra trung bình 4,4 đường chuyền về phía trên, tức là cao hơn gấp 4 lần so với con số của một trung vệ thông thường, cũng cao hơn tất cả các trung vệ đang thi đấu tại Premier League như Ruben Dias (3,2), Nathan Ake (2,6) hay Manuel Akanji (2,2). Tất nhiên là không so sánh 2 giải đấu có chất lượng khác nhau, nhưng rõ ràng Gvardiol là một trung vệ có thiên hướng tấn công. Nếu chúng ta đã thấy việc Pep biến John Stone thành một trung – tiền vệ ra sao ở mùa trước thì sẽ hiểu vì sao Gvardiol đánh giá.

Trong bất kỳ hệ thống nào của Guardiola, phân phối bóng là chìa khóa. Man.City xây dựng các cuộc tấn công từ phía sau với thủ môn Ederson và các hậu vệ đóng vai trò quan trọng. Mùa trước, Man.City xếp thứ hai về số bàn thắng khi phản công (7 bàn, vẫn kém kình địch Man.United (9 bàn) nên có Gvardiol thì họ sẽ tăng được thông số này. Ngoài khả năng phân phối bóng tốt, Gvardiol còn là một nhân vật điềm tĩnh trong phòng ngự, đảm bảo rằng bất kỳ đối thủ nào tìm cách gây sức ép với hậu vệ đều khó có thể thành công trong nhiệm vụ của họ. Thật vậy, trong số 217 cầu thủ cố gắng rê bóng từ 15 lần trở lên, không ai có tỷ lệ rê bóng thành công cao hơn Gvardiol (88,9%) ở Bundesliga mùa trước. Nói cách khác, dù là trung vệ nhưng Gvardiol có khả năng chuyển đổi trạng thái.

Có Gvardiol thì các đường phản công dành cho Haaland còn nguy hiểm hơn

Có Gvardiol thì các đường phản công dành cho Haaland còn nguy hiểm hơn

Tuy nhiên, Gvardiol đâu có hoàn hảo. Anh chỉ thắng 55,8% số pha không chiến trong khi Man.City lại là đội giành được ít chiến thắng trên không nhất trên 90 phút (11,6 lần). Điểm yếu trong lối chơi của Gvardiol, rất may mắn, cũng là điểm yếu của Man.City. Nhưng vì Man xanh không gặp vấn đề gì với điểm yếu này nên có vẻ Gvardiol cũng không sao?!

Cuối cùng, câu hỏi đặt ra là Gvardiol sẽ đá ở đâu trong đội hình ổn định của Pep hiện nay. Không ai mua trung vệ đắt giá nhất thế giới về đá dự bị, Pep thì càng chắc chắn không. Với bộ kỹ năng hiện tại, cầu thủ người Croatia có thể đảm nhiệm vai trò tiền vệ trụ giống như những gì mà Pep đã làm với John Stones. Tuy nhiên, vị trí phù hợp nhất với Gvardiol có lẽ vẫn sẽ là trung vệ lệch trái trong sơ đồ 3 hậu vệ. Hồi cuối mùa giải trước, có lúc Pep cho đến 4 trung vệ ra sân, nghĩa là ông yêu cầu những cầu thủ đá ở giữa cũng phải biết đá biên. Phải chăng việc mua Gvardiol nhằm để Pep đưa ra một phát kiến mới cho việc tổ chức lối chơi từ tuyến sau?

Có những thay đổi ở sân Etihad mùa này. Ilkay Gundogan sang Barcelona, ​​trong khi Laporte cũng có thể ra đi. Mateo Kovacic đã gia nhập từ Chelsea để thay chỗ của Gundogan, trong khi Gvardiol chính là đồng hương của Kovacic. Trung vệ này vốn được Real để mắt từ lâu, nhưng sau World Cup 2022, giá của cầu thủ 21 tuổi này tăng lên chóng mặt. Số tiền Leipzig đưa ra không phải ai cũng đáp ứng nổi, trừ khi đó là Man.City, nơi sẵn sàng làm tất cả đề hài lòng Pep, người không bao giờ muốn hụt mục tiêu của mình.

Tin cùng chuyên mục