Thảm họa bóng đá Indonesia: 32 trẻ em thiệt mạng, 10 cảnh sát liên quan, bồi thường 3.200 USD

Theo giới chức Indonesia vào hôm 3-10, có ít nhất 32 trẻ em đã thiệt mạng trong vụ bạo loạn bóng đá xảy ra trên sân Kanjuruhan (Đông Java) vào tối 1-10. Sau bước đầu điều tra, Cảnh sát trưởng của TP Malang đã bị sa thải và đình chỉ 9 sĩ quan khác.

Người thân của nạn nhân đau đớn sau vụ thảm họa bóng đá Indonesia. ẢNH: AP
Người thân của nạn nhân đau đớn sau vụ thảm họa bóng đá Indonesia. ẢNH: AP

Hãng thông tấn AFP dẫn lời một quan chức của Bộ Trao quyền cho phụ nữ và Bảo vệ trẻ em: “Từ dữ liệu mới nhất mà chúng tôi nhận được, trong số 125 người thiệt mạng có 32 trẻ em. Nhỏ nhất là trẻ mới biết đi được 3 hoặc 4 tuổi”. Thảm kịch bóng đá Indonesia đã chứng kiến 125 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương ở các mức độ sau khi cảnh sát sử dụng đạn hơi cay để ngăn làn sóng CĐV quá khích tràn xuống sân Kanjuruhan đập phá, tạo nên khung cảnh hỗn loạn và giẫm đạp lên nhau.

Theo phát ngôn của một Bộ trưởng, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ra lệnh bồi thường cho các gia đình nạn nhân với số tiền 50 triệu rupiah/người (khoảng 3.200 USD). Ông Widodo đã đình chỉ các trận đấu bóng đá cho đến khi an ninh được cải thiện và thông báo kết quả điều tra.

Làn sóng phẫn nộ dâng cao, Bộ trưởng An ninh Indonesia Mahfud MD thông báo một lực lượng đặc nhiệm đã được thành lập để điều tra và kêu gọi những kẻ có trách nhiệm phải bị trừng phạt. Lực lượng đặc nhiệm này bao gồm các quan chức chính phủ và bóng đá, học giả và các thành viên của giới truyền thông. “Chúng tôi đã yêu cầu lực lượng phải tiết lộ kẻ đã gây ra tội ác và có hành động trừng phạt với những kẻ phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi cũng hy vọng cảnh sát quốc gia sẽ đánh giá các biện pháp giữ gìn an ninh của họ”, ông Mahfud MD nhấn mạnh.

Thảm họa bóng đá Indonesia: 32 trẻ em thiệt mạng, 10 cảnh sát liên quan, bồi thường 3.200 USD ảnh 1 Ít nhất 32 trẻ em đã thiệt mạng sau thảm kịch
Phát ngôn viên Cảnh sát quốc gia Dedi Prasetyo cho biết, cơ quan đã sa thải Cảnh sát trưởng TP Malang và đình chỉ 9 sĩ quan khác chỉ vài giờ sau bài phát biểu của Bộ trưởng An ninh Indonesia. Tuy nhiên, ông Prasetyo không cung cấp chi tiết về vai trò của những người này trong thảm kịch.

Với việc cảnh sát và các quan chức thể thao đang trên đường tới TP Malang để điều tra, Ủy ban Nhân quyền quốc gia Indonesia đã đưa ra những lời chỉ trích đối với các cảnh sát làm nhiệm vụ trên sân Kanjuruhan. “Nếu không có hơi cay thì có lẽ đã không có hỗn loạn” - Ủy viên Choirul Anam phát biểu trong một cuộc họp.

Sự việc trên sân Kanjuruhan vào 1-10 xảy ra khi nhóm CĐV quá khích của Arema đã tràn xuống sân sau trận thua 2-3 của đội nhà trước đối thủ cùng địa phương Persebaya Surabaya. Trong bài phát biểu trực tiếp đầy nước mắt, Chủ tịch Gilang Widya Pramana của Arema đã xin lỗi về thảm kịch. Ông nói: “Tôi với tư cách là Chủ tịch của CLB, sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự cố đã xảy ra. Chúng tôi đã đến thăm nơi xảy ra thảm kịch vào hôm 3-10, mặc áo đen để bày tỏ lòng kính trọng và đặt hoa trước khi tập trung trên sân để cầu nguyện cho các nạn nhân”.

Tin cùng chuyên mục