Sinh năm 2007 tại thành phố Lạng Sơn, cô bé Ngô Hồng Hạnh được thừa hưởng niềm đam mê với trái banh nỉ từ người cha của mình. Năm lên 5 tuổi, nhận thấy niềm đam mê của con gái với trái banh nỉ, anh Ngô Hữu Tháp, bố của Hồng Hạnh, vốn cũng là một người chơi quần vợt lâu năm, đã quyết định sắm cho con gái những dụng cụ để có thể tập luyện tennis hàng ngày.
Chính quyết định vào năm ấy đã khiến anh Tháp có thể ít nhiều cảm thấy tự hào về cô con gái của mình ở thời điểm hiện tại, bởi những tiến bộ và thành tích đáng kể của Hồng Hạnh tại các giải trẻ trong nước lẫn quốc tế.
Năm 2014, Hồng Hạnh tham dự Giải quần vợt Vô địch thanh thiếu niên toàn quốc tại Sóc Trăng. Mặc dù không đạt thành tích nổi trội, nhưng giải đấu này cũng bước đầu đánh dấu một tài năng nhí với những tiềm năng đáng chú ý.
Để rồi sau 1 năm trui rèn, Hồng Hạnh đã đạt hạng 3 nội dung đơn nữ U10 tại giải Quần vợt thanh thiếu niên xuất sắc tại Nha Trang năm 2015 và hạng nhì đơn nữ U10 tại Cần Thơ.
Năm ngoái, Hồng Hạnh từng vô địch lứa tuổi nội dung U14B ở giải quần vợt Bastad Junior Open tại Thuỵ Điển, góp phần vào 3 chức vô địch và 2 danh hiệu Á quân của đoàn VĐV Việt Nam tham dự giải.
Sự tiến bộ vượt bậc ấy không thể không nhắc tới khoảng thời gian 2 năm em được tập luyện rèn rũa tại CLB Quần vợt Hải Đăng (Tây Ninh). Hồng Hạnh được bố đưa tới CLB Quần vợt Hải Đăng từ tháng 8/2018.
Nhận ra tiềm năng phát triển của tay vợt chỉ mới 11 tuổi, ông Nguyễn Phi Anh Vũ -Phó Giám đốc CLB Quần vợt Hải Đăng đã báo cáo lãnh đạo để tiếp nhận em. Theo ông Vũ, Hồng Hạnh có sự tự tin, tư duy tốt, tâm lý ổn định.
Với nền tảng tốt, cùng với sự đầu tư của CLB Quần vợt Hải Đăng, ông Vũ cho rằng việc Hồng Hạnh có thể tiếp bước các đàn anh Lý Hoàng Nam và Nguyễn Văn Phương tham dự các giải ITF trẻ quốc tế là điều hoàn toàn khả thi.
Chính vì thế, ngoài các giải đấu trong nước, Ban huấn luyện cũng tạo điều kiện cho các VĐV tham dự nhiều giải đấu nước ngoài, nhằm tích luỹ điểm số trên BXH ITF, cũng như mở ra cơ hội cho các tay vợt trẻ được cọ xát và học hỏi kinh nghiệm từ những nền quần vợt phát triển trên thế giới.
Tại CLB Quần vợt Hải Đăng, Ban huấn luyện cho các VĐV tập luyện theo những giáo án riêng biệt, phù hợp với hình thể và phong cách của mỗi tay vợt. Đối với Hồng Hạnh, em ở nhóm 1, được tập tennis từ 7 giờ 30 - 9 giờ 30 hàng ngày, sau đó tập thêm các bài tập thể lực cho tới 10 giờ 30. Vào buổi chiều, tuỳ theo lịch trình, Hồng Hạnh và các bạn sẽ được tập cardio, tập gym hoặc tập tại hồ bơi.
Với những giáo án thể lực phù hợp, có thể thấy rõ rằng các VĐV của CLB Quần vợt Hải Đăng có được sức bền tốt. Có thể minh chứng rõ điều này tại Giải quần vợt VTF Masters 500 -1- Hải Đăng Cup 2020 diễn ra trước đó 1 tuần tại Tây Ninh, trong trận đấu 3 set giữa tay vợt trẻ sinh năm 2007 Nguyễn Đại Khánh (CLB QV Hải Đăng) và tay vợt sinh năm 2004 Phạm Hoàng Hiếu (DTTC Đà Nẵng). Hoàng Hiếu đã bị suy giảm thể lực và để thua Đại Khánh với tỉ số 6-3, 1-6, 4-6.
Tại giải Vô địch đồng đội trẻ Quốc gia Cúp Phước Thành IV - Vĩnh Long 2020 đánh dấu một sự thay đổi rõ rệt của Hồng Hạnh trong phong cách thi đấu. Em tấn công nhiều hơn, những đường bóng có độ sắc nét hơn, thậm chí đủ thể lực để thực hiện những loạt đánh bền lên tới trên 20 lần bóng qua lại.
Thậm chí trong đánh đôi, Hồng Hạnh sẵn sàng tự tin với những cú bắt lưới ăn điểm đầy khéo léo, điều mà số ít các tay vợt nữ tại Việt Nam có thể làm được. Không để thua bất cứ một trận đấu nào, Hồng Hạnh cùng các đồng đội đã lên ngôi vô địch tại nội dung đồng đội nữ U14 chỉ sau 3 ngày thi đấu.
Vượt gần 2.000 km từ quê nhà Lạng Sơn đến gia nhập CLB Hải Đăng Tây Ninh, Ngô Hồng Hạnh chấp nhận xa ba, mẹ và người thân để được đeo đuổi con đường quần vợt chuyên nghiệp. Không chỉ được sự đồng thuận của gia đình, Hồng Hạnh còn cho thấy mình rất đam mê với quả bóng nỉ. Với việc Hồng Hạnh bén duyên cùng Hải Đăng – một CLB quần vợt đang có sự đầu tư khá bài bản về đào tạo trẻ lẫn nâng cao, “Viên ngọc thô” Ngô Hồng Hạnh đang có có hội mài giũa để trở thành viên ngọc quý trong tương lai.