Tân Nữ hoàng Melbourne Park Sofia Kenin: Động lực, cơ duyên và nguồn cảm hứng đến thành công

Đánh bại Garbine Muguruza một cách ngoạn mục ở trận chung kết đơn nữ, Sofia Kenin đã trở thành “Nữ hoàng mới nhất” của Melbourne Park, và chiến tích này của cô đã tiếp tục giúp WTA ngập tràn “trong làn sóng của những tay vợt trẻ trung”. Động lực nào, cơ duyên nào, và nguồn cảm hứng từ đâu đã giúp Kenin trở thành tay vợt người Mỹ thứ 2, sau Sloane Stephens, đăng quang ở Grand Slam kể từ thời thống trị của chị em nhà Williams – Serena và Venus?

Sofia Kenin trở thành Tân Nữ hoàng Australian Open
Sofia Kenin trở thành Tân Nữ hoàng Australian Open

Động lực từ Osaka, Andreescu

Chiến thắng ở trận chung kết Australian Open 2020 đã biến cô gái người Mỹ gốc Nga Kenin trở thành “Tay vợt dưới 23 tuổi thứ 5” đăng quang các ngôi vô địch danh giá ở 6 kỳ giải Grand Slam gần đây nhất. Trước Kenin, những cô nàng tươi trẻ như là “Nữ hoàng khóc nhè” Naomi Osaka, “Công chúa lọ lem đã hóa thân thành Nữ hoàng US Open” Bianca Andreescu… đã thổi các cơn gió mát rượi đến cho “Vương triều vốn bị lão hóa bởi Serena”, “Vương triều” mà ngay cả các tay vợt đàn chị như Victoria Azarenka, Caroline Wozniacki, Simona Halep, hay Muguruza… cũng khó có thể tạo ra được thách thức rõ rệt!

Trong khi Osaka đã liên tục vô địch các giải US Open 2018 và Australian Open 2019, Andreescu cũng đã lên ngôi ở US Open hồi cuối mùa giải năm ngoái. Và giờ đây, nhân vật chính lại chính là Kenin, người từng theo dõi các chiến thắng của các tay vợt đồng trang lứa qua màn hình ti vi. Khi đã có thể sánh vai cùng với Osaka, Andreescu, Kenin thừa nhận chiến thắng của 2 cô nàng này chính là động lực giúp cô theo đuổi giấc mơ giành được 1 danh hiệu Grand Slam.

Những tay vợt đăng quang 6 danh hiệu Grand Slam gần đây

_Naomi Osaka: Vô địch US Open 2018 và Australian Open 2019

_Ashleigh Barty: Vô địch Roland Garros 2019

_Simona Halep: Vô địch Wimbledon 2019

_Bianca Andreescu: Vô địch US Open 2019

Tân Nữ hoàng Melbourne Park Sofia Kenin: Động lực, cơ duyên và nguồn cảm hứng đến thành công ảnh 1 Andreescu vô địch US Open 2019

Kenin tâm sự sau khi trở thành “Tân Nữ hoàng Melbourne Park”: “Rõ ràng, những chiến thắng của Osaka, Andreescu là động lực để tôi tiếp tục phấn đấu. Cha tôi cũng đã nói với tôi rằng, những chiến thắng đó rất tốt với bọn họ và chính con cũng có thể gặt hái được chiến tích này, ngay ở cái độ tuổi mà họ đã thành công. Cha của tôi dặn dò, đơn giản chỉ cần cố gắng chơi bóng và chiến đấu trong từng trận đấu mà con góp mặt, rồi thứ gì cũng có thể xảy ra. Còn tiến sâu hơn, chuyện gì cũng có thể xảy đến”.

Cha của Kenin, ông Alex (tên nguyên vẹn theo tiếng Nga là Alexander Kenin) đã trở thành người thầy, người sư phụ của Kenin kể từ khi cô cầm chiếc vợt tập luyện còn chưa vững tay. Thời điểm đó, gia đình của cô vừa chuyển từ Moscow sang Mỹ, và Kenin vẫn còn đang ở độ tuổi học Trường Mầm non. Trả lời câu hỏi: “Từ lúc nào ông nghĩ con gái mình có khả năng thắng 1 danh hiệu Grand Slam?”, ông Alex đã trả lời nửa đùa nửa thật: “Lúc con bé mới 3 tuổi rưỡi á!”.

Ông Alex, người đã hành nghề lái xe hơi ở New York trong thời gian theo học ngành Khoa học máy tính, hòng kiếm tiền để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho Kenin, đã giải thích cụ thể về tài năng của cô con gái rượu của mình: “Mọi người nhìn vào con bé và họ đều thấy thứ gì đó rất đặc biệt. Đó là một chuyến hành trình rất dài và bạn có thể đạt được, nhưng bạn phải có 1 niềm tin và trong thực tế, có cơ hội rất nhỏ để chuyện đó xảy ra. Tất nhiên, vẫn sẽ có nhiều thứ rơi ngay vào chỗ của bạn đang đứng, bạn phải hy vọng và cố nắm bắt được chúng đúng chỗ. Điều đó đã xảy ra với con gái của tôi, tôi cảm thấy rất là hạnh phúc”.

Cơ duyên với Clijsters

Hôm 30-1, tài khoản Twitter của WTA vừa cho đăng tải một video-clip rất thú vị, quay lại “cơ duyên” của Kenin với “tiền bối” Kim Clijsters (người từng giành 4 danh hiệu Grand Slam, trong đó có ngôi vô địch Australian Open 2011, một tay vợt chung thời với chị em nhà Williams, tuy nhiên, cô này đã giải nghệ từ lâu). Trong đoạn clip đó, cô bé Kenin mới 7 tuổi đã được Clijsters dắt đi vòng quanh để tham quan nơi tổ chức giải Miami Open 2005. Kenin cũng có cơ hội bắt tay với Andy Roddick, “một huyền thoại quần vợt nam nước Mỹ”.

Hình ảnh gương mặt Kenin ngây thơ, nghe như nuốt từng lời của Clijsters, chăm chú quan sát James Blake (một tay vợt nam người Mỹ cũng khá nổi tiếng trong quá khứ) thi đấu, rồi ngồi im re trong lòng của Clijsters trên khán đài, trong nhà hàng… khiến các CĐV cảm thấy rất là dễ thương. Chắc chắn, ngay chính bản thân Clijsters cũng không thể nào biết, cơ duyên giữa cô với Kenin ngày ấy, đã phần nào gieo mầm mống ước mơ vô địch Grand Slam vào trong tim cô bé, để rồi ngày hôm nay, cô nàng mắt xanh lơ nguyên quán Moscow đã trở thành nhà nữ vô địch Grand Slam thứ 52 (kể từ Kỷ nguyên mở).

Kenin và mối cơ duyên với Clijsters hồi năm 2005 

Kenin kể lại: “Tôi vẫn còn là một cô bé con khi gia đình chuyển đến New York, vì thế, tôi thật sự không nhớ quá nhiều về việc tôi đã bắt đầu như thế nào. Nhưng tôi đã chú tâm vào quần vợt từ khi còn rất nhỏ, đó là do tôi không bị thu hút bởi những món đồ chơi khác. Tôi chỉ thích chơi đùa với bóng và cây vợt to bự mà thôi. Cha tôi có nói: “Hãy cố gắng và chơi thử”. Ngay từ thủa nhỏ, tôi đã có sự phối hợp tuyệt vời giữa tay và mắt. Tôi nhận thấy, tôi thật sự khác biệt so với những người học chơi quần vợt khác và khi nói về tôi, mọi người thường nói rằng: “Con bé thật đặc biệt, có thứ gì đó về con bé”.

Được truyền cảm hứng bởi… Sharapova, có "chất Nga" trong người

Dù là tay vợt Mỹ trẻ tuổi nhất vô địch ở đấu trường Grand Slam kể từ thời của “đàn chị” Serena, nhưng Kenin không chỉ thần tượng tay vợt đang sở hữu 23 danh hiệu Grand Slam này, cô còn thần tượng thêm cả… Maria Sharapova, “một đại kình địch” của Serena. Rất đơn giản, Kenin cùng với Sharapova, có xuất xứ, trải nghiệm trưởng thành trong làng quần vợt chuyên nghiệp khá giống nhau. Cả 2 đều sinh ra ở nước Nga, nhưng chuyển sang Mỹ khi còn rất nhỏ và lớn lên trong cái nôi của làng quần vợt lớn nhất thế giới này.

Ở Cincinnati Open hồi năm ngoái, Kenin từng cho biết: “Serena và Sharapova chính là 2 thần tượng của tôi. Riêng phần Sharapova, cô ấy rất máu chiến trên sân đấu, thi đấu rất quyết tâm, rất máu lửa. Không bao giờ đầu hàng. Đó cũng giống như bản năng Nga ở sâu thẳm bên trong con người tôi. Tôi sinh ra ở Nga. Tôi luôn dõi theo Sharapova. Tôi nghĩ, việc cô ấy đăng quang Wimbledon khi mới 17 tuổi (đánh bại chính Serena) là rất tuyệt vời. Tôi đã xem trọn vẹn trận đấu đó, mê mẩn nằm trên đi văng nhà. Tôi kiểu giống như là: “Ồ Chúa ơi. Maria Sharapova, cô ấy mới vừa thắng Wimbledon. Sẽ ngọt ngào như thế nào nếu tôi làm được điều tương tự. Đương nhiên, tôi sẽ không đăng quang ở tuổi 17, vì tôi đã 20 tuổi rồi”.

Tân Nữ hoàng Melbourne Park Sofia Kenin: Động lực, cơ duyên và nguồn cảm hứng đến thành công ảnh 2 Kenin trong một lần đối đầu với Sharapova
Chỉ 1 năm sau cái ngày mơ ước được như Sharapova, Kenin đã đăng quang ở Australian Open, cô đã nói rõ hơn về việc được Sharapova truyền cảm hứng, và "chất Nga" ở trong người: “Tôi thật sự nghĩ về di sản Nga trong người tôi và chính nó đã giúp tôi giành chiến thắng (chiến thắng lội dòng nước ngược rất ngoạn mục). Tôi đã dõi theo Maria Sharapova, Anna Kournikova (tiếc là, ô này tuy đẹp nhưng chưa từng giành Grand Slam). Tôi dõi theo từng trận đấu của họ khi còn rất nhỏ. Có một phần Nga ở trong người của tôi, khả năng chiến đấu mà tôi sở hữu, cố gắng chơi bóng tự tin, làm những gì trong khả năng tốt nhất. Chất chiến đấu trong người tôi, tôi nghĩ đó là khả năng tiềm tàng sẵn có, đó là thứ mà bạn không thể nào được truyền dạy”.
Chính ông Alex cũng thừa nhận: “Con bé ghét thua cuộc. Đó không chỉ là một lựa chọn. Con bé tiến lên với tất cả những thứ tốt đẹp, thật là khó tin, ngay cả với bản thân tôi. Con bé chiến đấu rất kiên cường. Đối thủ của con bé, quá to lớn, đánh bóng quá uy lực, cô ấy đã thể hiện 1 thứ quần vợt rất tuyệt vời. Nhưng đơn giản chỉ là, Sofia từ chối chịu thua”.

Giấc mơ nước Mỹ

“Giấc mơ nước Mỹ” (với cụm từ “American Dream” đã trở thành tiêu chí sống, khát khao, ước mơ của hàng trăm triệu người nhập cư vào xứ sở cờ hoa, với tham vọng “đổi đời”) đã trở thành sự thật với Kenin, với cha mẹ cô, với gia đình, với người thân của cô. Từ một cô bé gốc Nga vô danh, Kenin đã trở thành đại diện mới của nước Mỹ, khi mà Serena đang càng lúc càng lụi tàn, và thật sự đã “hết thời”.

“Tôi xin cám ơn cha mẹ tôi vì đã mang lại cho tôi Giấc mơ nước Mỹ. Trở thành tay vợt số 1 nước Mỹ thật là phấn khích. Tôi đã được bảo rằng, nếu tôi đăng quang ngôi vô địch, tôi sẽ là tay vợt số 7 thế giới. Đó là 1 vinh dự to lớn. Tôi yêu thích việc được đại diện cho nước Mỹ. Đơn giản tôi yêu thích điều đó. Đó là một vinh dự rất lớn lao”, Kenin nói.

Tân Nữ hoàng Melbourne Park Sofia Kenin: Động lực, cơ duyên và nguồn cảm hứng đến thành công ảnh 3 Kenin đã hoàn thành "Giấc mơ nước Mỹ", mà cha mẹ tạo cơ hội cho cô

Tin cùng chuyên mục