Trong số 23 cái tên đem sang Hàn Quốc có nhiều người nằm trong danh sách cầu thủ đăng ký thi đấu ở V-League. Song, thực tế để kiếm được suất ra sân ở CLB dường như chỉ có thể kể ra Quang Hải (Hà Nội), Đình Trọng (Sài Gòn), Đức Chinh (Đà Nẵng)… Phần còn lại chủ yếu dự bị mỏi mòn mà chưa biết ngày nào có suất cứng.
Thật ra thì nỗi lo này không phải đến giờ mới đề cập mà từng được HLV Hoàng Anh Tuấn chia sẻ trước ngày đi đá giải thế giới. Hồi đó, nhà cầm quân người Khánh Hòa than là cỗ máy đội tuyển U20 khó vận hành trơn tru do độ vênh về kinh nghiệm thi đấu của các cầu thủ. HLV Hoàng Anh Tuấn và ban huấn luyện phải mất thời gian để cải tạo lại nhiều mặt cho học trò. Ngoài ra, ông Tuấn còn hay tâm sự là ông lo lắng cho nhiều cầu thủ sau khi đá xong U20 World Cup 2017 thì năng lực sẽ bị thui chột vì không có sân chơi, thậm chí còn có thể bị biến mất.
Nói chuyện U20 Việt Nam của ông Tuấn “con” lại nhớ đến lứa U16 của ông Thịnh “đen” (HLV Nguyễn Văn Thịnh – NV) hồi năm 2000. Thời điểm đấy, bóng đá Việt Nam có đội tuyển U16 vào đến bán kết vòng chung kết châu Á và được xem là dàn cầu thủ tài năng nhất, có chất nhất. Vậy nhưng, khi đến tuổi dự SEA Games hay đá cho đội tuyển quốc gia thì bị rơi rụng theo nhiều kiểu khác nhau. Như chuyên gia Nguyễn Thành Vinh nói là cầu thủ hỏng bởi dính tệ nạn. Có người học đòi lao theo đàn anh rồi sa ngã, cũng có cầu thủ ngồi dự bị nhiều ở đội 1 đâm nản lại tìm đến đội hạng dưới dung thân hoặc có kẻ chán bóng đá chuyển sang ngành nghề khác…
Thú thật đội tuyển U20 của thầy Tuấn là thế hệ tài năng cần chăm sóc để phát triển. Đáng nói là trong thành phần đó nhiều người có tố chất khá đặc biệt, thể hình tốt mà nếu phát triển đúng hướng sẽ giúp ích nhiều cho các đội tuyển U23 hay đội tuyển quốc gia.
Lo sợ cho cầu thủ bị thui chột ở các đội bóng dự V-League do nhiều đội chuộng Tây, có người nảy ý kiến là nên gom hết đội tuyển U20 lại rồi cho đi tập huấn dài ngày ở châu Âu. Kiểu như bóng đá Indonesia từng có lứa Bima Sakti, Sugiyantoro, Irianto, Yulianto, Widodo… từng được đào tạo bài bản tại CLB Sampdoria ở Serie A ngày trước. Tuy nhiên nói dễ nhưng thực hiện không dễ, bởi đó là sản phẩm của nhiều CLB chứ chẳng của riêng ai. Giờ thì tương lai của một số cầu thủ đang bị đặt dấu hỏi mà như thế lại uổng phí vô cùng.
Bóng đá Việt Nam không thiếu tài năng trẻ, nhưng làm cách nào để tạo ra môi trường cho tài năng phát triển bền vững thì chưa thấy vì chủ yếu NÓI nhiều hơn LÀM. Dĩ nhiên, đấy cũng là một cách đưa các cầu thủ giỏi ở tuyến U đi vào ngõ cụt.