Trò đùa tai tiếng của các fan Lazio
Scandal tai tiếng liên quan đến các ultra Lazio không có dấu hiệu giảm sút mà ngược lại, các nhóm CĐV có tổ chức đã từ chối nhận lỗi những hành vi sai trái mà họ gây ra, thậm chí họ còn dấn sâu thêm khi quả quyết rằng đấy chỉ là trò “quấy rối” chứ không phải phá hoại. Câu chuyện bắt nguồn từ việc khán đài phía Bắc sân Olimpico bị đóng cửa vì những tiếng hô phân biệt chủng tộc, những người cầm vé xem suốt mùa đơn giản được đề nghị chỗ ngồi giá 1 EUR bên phía khán đài đối diện, vốn dĩ dành cho các fan Roma. Nhưng khi sang khán đài phía Nam (Curva Sud) trong trận Lazio - Cagliari, các fan Lazio đã tranh thủ cơ hội đính hàng loạt các hình dán lăng mạ lên bức tường Plexiglas, kèm theo đó là những bức ảnh Anne Frank mặc chiếc áo Roma.
Anne Frank là cô bé Do thái 13 tuổi đã bị quân phát xít bắt được trong hầm trú ẩn ở Hà Lan để đưa vào trại tập trung trước khi bị thảm sát ở Holocaust năm 1945. Cuốn hồi ký cô viết trong thời gian trốn tránh quân phát xít đã làm lay động lòng người và được xuất bản qua 60 ngôn ngữ, được viết thành kịch để nhận giải Pulitzer năm 1955, được dựng phim để giành đến 3 giải Oscar năm 1959.
Chủ tịch Claudio Lotito trong nỗ lực làm lắng dịu tình hình đã gọi 15 ultra Lazio là “những kẻ ngu dốt, không biết mình đang làm gì”. Ông cũng kêu gọi BTC giải đừng trừ điểm Lazio bởi thật sai trái khi trừng phạt số đông chỉ vì hành động của thiểu số fan Lazio vốn chỉ vào sân để phá quấy.
Ban tổ chức giải không muốn làm to chuyện nên nhân vụ Anne Frank họ đã tiến hành phút tưởng niệm cô bé người Do thái là nạn nhân của thảm sát Holocaust trong tất cả các trận đấu Serie A vòng 10 hôm giữa tuần.
Nhưng thiện chí của BTC không làm các ultra Lazio tỉnh ngộ. Trên sân Dall’Ara, khi các cầu thủ Lazio mang chiếc áo có hình Anne Frank và dòng chữ “không bài trừ người Do thái” ra sân khởi động, thì các fan Lazio tẩy chay không vào sân; sau phút mặc niệm Anne Frank và sau khi một đoạn trong cuốn hồi ký được phát trên loa phóng thanh, các fan Lazio mới xuất hiện trên khán đài. Kể từ đấy họ hát những bài hát phát xít và chào theo kiểu Roman. Chưa hết, họ còn trèo vào ngồi trong khu ghế của các fan đội khách – khu khán đài mang tên Arpad Weisz – một cựu HLV Inter và Bologna đã chết ở trại tập trung Auschwitz năm 1944.
Lazio sẽ bị trừng phạt
Rõ ràng, đôi khi việc làm đúng đắn của BTC lại trở nên phản tác dụng khi tạo điều kiện cho nạn chống người Do thái lan rộng. Việc chẳng đặng đừng, Liên đoàn bóng đá Italia (FIGC) đã tiến hành điều tra dưới sự chủ trì của Công tố viên Giuseppe Pecoraro. Người ta đã tìm thấy bằng chứng ở Curva Sud, nơi các nhãn dán và hình Anne Frank trong màu áo Roma vẫn còn đầy rẫy.
Thông tấn xã ANSA cho hay cuộc điều tra đã khép lại vào buổi sáng hôm qua và Lazio chờ án phạt của FIGC khi Công tố viên kết luận CLB phạm vào 2 điều khoản của FIGC là điều 1a và điều 11. FIGC vẫn đang cân nhắc, nhưng Lazio chắc chắn sẽ bị phạt 50.000 EUR và bị trừ điểm hoặc cấm thi đấu trên sân nhà vài trận.
Lazio vốn nổi tiếng với việc cổ xúy cho trào lưu phát xít, điển hình là kiểu chào phát xít của cựu danh thủ Paolo Di Canio khi ăn mừng bàn thắng cùng các fan Lazio hồi thập niên 90 đã gây sốc cho dư luận.
Tờ Gazzetta cho rằng, Lotito gần đây phàn nàn Lazio có quá ít CĐV đến sân, khi họ chơi trong Europa League mà có lượng khán giả của đội bóng nghiệp dư. Song người ta tin rằng 20.000 khán giả Lazio dự khán trận đấu có không ít thành phần bất hảo và những ultra thân phát xít lợi dụng bóng đá để vận động chống người Do thái.
Lotito mới đây còn tiết lộ kế hoạch của CLB là mỗi năm sẽ tổ chức cho 200 CĐV trẻ du hành đến tham quan trại tập trung Auschwitz để “nhắc nhở, giáo dục lứa trẻ và đảm bảo rằng chúng tôi không quên sự kiện đó”. Rõ ràng, những hành động đó cho thấy mối liên quan đến vụ Anne Frank và thâm ý của Lazio rõ ràng khi trương tấm ảnh cô bé Do thái mang chiếc áo Roma.