Ngày 12-6-2018, Marat Safin - người từng đánh bại Roger Federer ở bán kết của Australian Open 2005, thời điểm mà Federer đang bắt đầu xây dựng nên “vương triều hùng mạnh” của mình (với các ngôi vô địch Australian Open 2004, Wimbledon 2004 và ở US Open 2004), để rồi thắng tiếp Lleyton Hewitt trong trận đấu chung kết - đã đưa ra nhận định sau khi chứng kiến Rafael Nadal “quét dọn sạch sẽ” Dominic Thiem trong trận chung kết Roland Garros: “Federer và Nadal có thể chơi bóng đến năm 40 tuổi”.
Nhận định này gây ra khá nhiều dư luận trái chiều, vì nhiều người rất không tin vào chuyện “liên doanh” Federer - Nadal vẫn còn có thể đứng vững trên sân đấu trong vòng 3, 4 năm nữa. Thêm nữa, người đưa ra nhận định này lại là một tay vợt có “độ điên” nhất định, ở thời điểm khi anh này còn cầm vợt trên sân. Nhận định này còn gây ra tranh cãi vì nếu nó là sự thật, “Next Gen” trong giai đoạn những năm cuối cùng của thập kỷ thứ 2 ở thế kỷ 21 sẽ hoàn toàn tàn lụi. Đến thời điểm này, họ cũng đã “khổ sở” lắm rồi.
Nhưng hóa ra, không phải chỉ riêng mình Safin là có quan điểm này. Pat Cash, một cựu tay vợt chuyên nghiệp người Úc (từng thắng Wimbledon hồi năm 1987 và lọt vào tốp 4 thế giới đúng 1 năm sau), cũng đưa ra nhận định tương tự. Nhưng lần này, trong danh sách những tay vợt có thể chơi bóng đến năm 40 tuổi, Cash kể thêm cái tên của Nole.
Trả lời phỏng vấn trên AGI, Cash hết lời tán dương “bộ 3 Titan” này: “Sự kiên định trong khâu tập luyện của 3 người bọn họ, luôn thể hiện tham vọng và giành chiến thắng rất nhiều… Đó vốn là những con số khùng điên, Federer có 20 Grand Slam, Nadal có 18 Grand Slam và Djokovic có 15 Grand Slam. Tôi nghĩ, họ thậm chí còn có thể chơi bóng đến tận năm 40 tuổi. Họ có được sức mạnh rất tuyệt vời”. Tuy vậy, ông tin lịch đấu quá ít không phải là lợi thế: “Năm ngoái, Federer thi đấu rất ít. Anh ấy thua Anderson ở Wimbledon và thua Millman ở US Open”.
Một trong những lý do, khiến “tuổi thọ thi đấu” của cả Federer, Nadal lẫn Djokovic, được cho là dài hơn so với mức bình thường, và đường nhiên, trường kỳ hơn so với những tay vợt nổi tiếng trong quá khứ, những người đạt đến “ngưỡng” nào đó, liền chấp nhận gác vợt để nhường lại sân chơi cho lứa trẻ phía sau (thời đó chưa rõ đã có khái niệm “Next Gen” như hiện nay chưa), đó là vì sự tiến bộ của y học kỹ thuật, các phương pháp hỗ trợ thể lực, rèn luyện sức khỏe, trang thiết bị tập luyện và khả năng chữa trị chấn thương.
Cash lý giải điều này khá rõ ràng: “Những tay vợt nhanh nhẹn ở thời của chúng tôi, như Bjorn Borg, Mats Wilander, thậm chí còn không thể tiệm cận với những tay vợt thời nay. Khả năng hồi phục thể lực, sức khỏe của họ, đạt được những bước tiến rất đáng kinh ngạc. Trở về những ngày trước, chúng tôi thậm chí còn chẳng biết tắm nước đá sau mỗi trận đấu là cái quái gì. Giờ đây, các tay vợt đi vòng quanh thế giới với các bác sĩ vật lý trị liệu của mình, và 2, 3 người trong đội ngũ y tế. Đó là một đội thật sự. Tôi là người đầu tiên có bác sĩ vật lý trị liệu đó chứ”.
Cash kể kỹ hơn về riêng trường hợp của ông: “Khi tôi thắng Wimbledon, tôi đã mua cho bác sĩ của mình tấm vé vào sân, vì khu vực của một tay vợt chỉ có cha mẹ, bạn gái và HLV là có thể đến ngồi. Đó là một thế giới hoàn toàn khác. Giờ đây, nó là quá nhiều. Ở thời của tôi, nếu bạn thắng được 1 danh hiệu Grand Slam, bạn giống như là: “Xin chào, tuyệt vời, thật khó tin, thật kỳ diệu”. Còn giờ đây, nếu chỉ thắng 1 Grand Slam, bạn là một kẻ thua cuộc. Tâm lý đã hoàn toàn thay đổi, cuộc sống của các tay vợt chỉ là quần vợt. Tôi không thể hiểu, vậy không phải là cuộc sống”.
Đó, chính là sự khác biệt giữa 3 tay vợt đang “gom” đến 53 danh hiệu, với những tay vợt nổi tiếng ở thời của Cash, và chính ông cũng thừa hiểu rằng, thời của ông, làm gì có tay vợt nào có thể chơi đến 40 tuổi, mà biết đâu vẫn còn nguyên cơ hội thắng Grand Slam như bộ 3 Federer - Nadal - Djokovic?
Ngay cả một tay vợt, dù từng thắng 3 Grand Slam như là Andy Murray (anh đang tập luyện từng bước nhỏ để quay trở lại, sau ca phẫu thuật chữa chấn thương hông, cầu trời phù hộ cho anh), cũng không được “xếp cùng mâm” với “bộ 3 Titan” ở phía trên, dẫn đến việc anh phải uất ức viện dẫn, mình cũng có đến 2 tấm HCV ở các kỳ Olympic ra đề “phân ra cao thấp", thì cả lứa “Next Gen” vốn chưa thắng được Grand Slam nào sẽ là như thế nào?