Roger Federer: 1.000 tuần lễ trong tốp 100 thế giới
SGGPO
Trong cái tháng cuối cùng của năm 2018 đáng nhớ, Roger Federer lại đạt được những cột mốc ấn tượng khác trong sự nghiệp của mình. Khi ATP công bố bảng điểm mới cập nhật vào hôm qua, thứ hai 3-12, Federer đã có 1.000 tuần lễ liên tiếp nằm trong tốp 100 thế giới. Điều đó có nghĩa là, từ hồi tháng 4-2001 cho đến nay, Federer chưa bao giờ rơi khỏi tốp 100 của ATP.
Với thành tích này, Federer cũng đã chính thức vượt qua mặt “bậc tiền bối người Mỹ” là Jimmy Connors và trở thành tay vợt đầu tiên có đến 1.000 tuần lễ liên tiếp nằm trong tốp 100 thế giới, kể từ khi ATP cho ra mắt bảng điểm xếp hạng các tay vợt từ năm 1973 cho đến nay. Trước đó, Connor đã có đến 17 năm liên tục nằm trong tốp 100 thế giới, nhưng đến mùa giải 1990, ông đã lọt ra ngoài tốp 100 do chỉ chơi đúng 3 trận – vì phải chống chọi khá chật vật với ca chấn thương cổ tay trái.
Các tay vợt (vẫn còn thi đấu) có số tuần lễ liên tiếp trong tốp 100 nhiều nhất 1-Roger Federer (Thụy Sỹ): 1.000 tuần lễ 2-Feliciano Lopez (Tây Ban Nha): 857 tuần lễ 3-Rafael Nadal (Tây Ban Nha): 816 tuần lễ 4-Tomas Berdych (CH Séc): 775 tuần lễ 5-Fernando Verdasco (Tây Ban Nha): 712 tuần lễ 6-Novak Djokovic (Serbia): 701 tuần lễ
Ngoài ra, Federer còn tạo dựng nên một kỷ lục ấn tượng khác, đó là việc anh đã trải qua tuần lễ thứ 700 với một vị trí “quen thuộc” thuộc tốp 3 thế giới, và kể từ năm 1973 cho đến nay, anh là tay vợt lớn tuổi nhất tạo nên “kỳ tích” này. Cụ thể, anh đã giữ vị trí tốp 3 từ năm 2003 cho đến năm 2012, và từ nửa cuối mùa giải năm ngoái cho đến mùa giải năm nay, anh đã “lấy lại” vị trí đẳng cấp của mình. Đây cũng sẽ là mùa giải thứ 14, Federer được xếp một vị trí thuộc tốp 3 thế giới khi các giải đấu trong mùa được khép lại.
Quãng thời gian Federer giữ vị trí thuộc tốp 3 thế giới - 432 tuần, từ ngày 7-7-2003 đến ngày 16-10-2011 - 84 tuần, từ ngày 28-11-2011 đến ngày 7-7-2013 - 111 tuần, từ ngày 7-7-2014 đến ngày 21-8-2016 - 73 tuần, từ ngày 17-7-2017 đến ngày 9-12-2018
Ngày 9-12 tới đây, Federer sẽ “bảo vệ” danh hiệu “Nhà thể thao trong năm của Thụy Si4” trước những đối thủ khác như là Dario Cologna (trượt tuyết băng đồng, HCV cự ly 15km tự do tại Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang diễn ra hồi đầu năm nay), Nino Schurter (đua xe đạp leo núi, giành “cú đúp” HCV ở giải VĐTG tại Lenzerheide trong các nội dung băng đồng và tiếp sức đồng đội), Andy Schmid (bóng ném) và bộ đôi VĐV trượt tuyết Alpine là Beat Feuz và Ramon Zenhausern.
Federer sẽ bảo vệ giải thưởng "Nhà thể thao Thụy Sĩ của năm"
Tuy nhiên, tất cả những VĐV này đều không có sức ảnh hưởng mạnh mẽ như là Federer, người đã vượt ra khỏi "biên giới" thể thao thông thường, trở thành nhân vật có sức ảnh hưởng lớn về mặt xã hội – với danh hiệu Australian Open hồi đầu năm nay. Trong quá khứ, Federer từng 8 lần thắng giải “Nhà thể thao trong năm của Thụy Sĩ”.