Đoàn kết chưa từng có
“Có một sự đoàn kết đáng kinh ngạc giữa các võ sĩ Trung Á trong suốt Thế vận hội Paris”, bà Bermet Tursunkulova - Nguyên là Thứ trưởng của Bộ giáo dục Kyrgyzstan trong giai đoạn 2014-2015 viết trên Facebook hôm 11-8, “Tôi không nghĩ chúng ta từng chứng kiến điều gì như thế trước đây”.
Bài đăng của bà Tursunkulova đi kèm với những cảnh quay lan truyền ở trên mạng về những người hâm mộ đứng cùng nhau với 5 lá cờ của cả 5 quốc gia Trung Á, người Uzbekistan cũng chào đón võ sĩ giành HCB người Kyrgyzstan - Munarbek Seiitbek-uulu - với tiếng hô vang: “Kyrgyzstan!”.
Bức ảnh Seiitbek-uulu ôm chặt người đánh bại anh trong trận đấu chung kết hạng cân 57 kg, võ sĩ người Uzbekistan - Abdulmalik Khalolov - cũng đã được trưng ra phía trước. Đó chính là ngày 10-8, ngày mà thể thao cả Uzbekistan lẫn Kyrgyzstan giành được nhiều huy chương Olympic nhất trong lịch sử...
Xung đột trở thành hợp tác
Đầu tiên là sự hợp tác về địa chính trị. Hồi 8 năm trước, ngay sau Thế vận hội Rio de Janeiro 2016, mối quan hệ giữa Tashkent và Bishlek đã xuống đến mức thấp nhất. Khi người hâm mộ 2 bên gặp nhau, không có hình ảnh thể thao đơn thuần - mà là tấm hình ngọn núi ở biên giới, vốn là địa điểm 2 bên tranh chấp!
Bối cảnh đó diễn ra khi quân đội 2 quốc gia này đang đối đầu nhau lần thứ 2 trong lịch sử. Tuy nhiên, sau khi nhà lãnh đạo của Uzbekistan - ông Islam Karimov - qua đời, mối quan hệ ngoại giao giữa 2 quốc gia đã được cải thiện, người kế nhiệm là ông Shavkat Mirziyoev chủ động phá tan căng thẳng.
Diễn biến này nhanh chóng lan tỏa ra với thể thao, đặc biệt thể hiện ở việc các CĐV hòa nhã và ủng hộ lẫn nhau ở kỳ Thế vận hội có khán giả đầu tiên sau Rio 2016. Sự đoàn kết diễn ra với cả các HLV, các VĐV giữa 2 bên. Seiitbek-uulu làm nên lịch sử dù đến với Thế vận hội mà không có HLV cá nhân.
Nhưng người Kyrgyzstan đầu tiên lọt vào trận tranh HCV quyền Anh ở đấu trường Olympic nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ HLV Akmal Hasanov của đội tuyển Uzbekistan. Ông này đã làm việc cùng với Seiitbek-uulu suốt các trận đấu vòng loại đến cả trận chung kết, giúp anh “lấp đầy khoảng trống”.
Để tránh xung đột về lợi ích, ông Hasanov không đứng góc đài của Seiitbek-uulu trong trận đấu chung kết, nhưng trước đó, ông đã đưa ra các chỉ dẫn và cầu chúc may mắn cho “người đệ tử từ trên trời rơi xuống” của mình. Ông còn tặng anh này áo choàng và mũ truyền thống của người Uzbekistan.
“Munarbek, tôi tự hào vì cậu đã lọt được vào trận đấu chung kết. Tôi rất vui khi những con người từ Kyrgyzstan cũng đang thể hiện các kết quả giống như vậy. Hãy để cho gã đàn ông mạnh mẽ nhất giành chiến thắng trong trận đấu sắp tới này”, “vị sư phụ bất đắc dĩ” đã động viên cậu học trò của mình.
Người Tajkistan, Kazkhstan cũng ủng hộ Uzbekistan
Tajikistan chỉ giành được 1 tấm HCĐ tại Olympic Paris, thuộc về Davlat Boltaev ở hạng cân siêu nặng (+ 92 kg). Vì vậy, người Tajikistan đã dành thời gian ủng hộ cho các võ sĩ của quốc gia láng giềng. Theo như là nhiều phóng viên, các quán bar thể thao xem Olympic tại Dushanbe chật cứng người hâm mộ ủng hộ quyền Anh Uzbekistan.
Tại Kazakhstan cũng vậy, nhiều CĐV nước này nhiệt liệt dành ngợi khen các võ sĩ quyền Anh Uzbekistan nói riêng và các VĐV Uzbekistan nói chung. Thậm chí, họ còn so sánh số tiền 660 triệu USD chi vào thể thao của chính phủ nước nhà gấp 4 lần so với Uzbekistan, nhưng mà thành tích lại thua xa...
Thành tích của quyền Anh khu vực Trung Á
Uzbekistan: Giành 5 HCV; Kazakhstan: 1 HCB, 1 HCĐ; Azerbaijan: 1 HCB; Kyrgyzstan: 1 HCB; Tajikistan: 1 HCĐ