Quyền Anh Thế vận hội: Các quyền thủ của Uzbekistan trỗi dậy mạnh mẽ, Cuba thất thế, Mỹ không có HCV nào

Môn quyền Anh tại Olympic Paris 2024 chứng kiến rất - rất nhiều biến cố mãi mãi là lịch sử. Các quyền thủ Uzbekistan trỗi dậy mạnh mẽ sau Olympic Tokyo khá yên lặng, quay trở lại vị trí Số 1, thậm chí trở thành một Đế quốc thống trị. Quyền Anh Cuba thất thế rõ rệt và người Mỹ thất vọng rời giải...

Jalolov - Biểu tượng của thành công mới của quyền Anh nghiệp dư Uzbekistan
Jalolov - Biểu tượng của thành công mới của quyền Anh nghiệp dư Uzbekistan

“Lược sử” quyền Anh Uzbekistan tại Olympic

Ở Olympic Tokyo hồi 3 năm về trước, quyền Anh Uzbekistan chỉ có vỏn vẹn 1 tấm HCV, nhờ chiến công của “Nhóc gan góc” Bakhodir Jalolov ở hạng cân siêu nặng (+92 kg). Họ chỉ xếp ở vị trí Hạng 8 chung cuộc, và ngang hàng với quyền Anh Bulgaria.

Trước đó, ở Olympic Rio de Janeiro 2016, các quyền thủ từ quốc gia châu Á này đã thi đấu rất thành công, giành về được 3 HCV (Hasanboy Dusmatov - hạng nhẹ; Shakhobidin Zoirov - hạng ruồi; và cả Fazliddin Gaibnazarov - hạng cân dưới bán trung) cùng 2 HCB và 2 HCĐ.

Thành tích này giúp quyền Anh Uzbekistan lần đầu tiên đứng đầu Thế vận hội. Họ có cùng 3 tấm HCV với “Quyền lực cổ xưa” là quyền Anh Cuba. Nhưng đội tuyển quyền Anh của Cuba lại chỉ có 3 HCĐ và không có tấm HCB nào.

“Đế quốc” quyền Anh Uzbekistan tại Olympic Paris

Thế vận hội trên đất Pháp chứng kiến sự trỗi dậy - bùng nổ mãnh liệt của làng quyền Anh từ Liên Xô cũ. Họ đã thắng 5 tấm HCV, tất cả đều là các hạng cân của nam: Hasanboy Dusmatov (hạng 51 kg), Abdulmalik Khalokov (hạng 57 kg), Asadkhuja Muydinkhujaev (71 kg), Lazizbek Mullojonov (92 kg) và Jalolov (hạng siêu nặng).

11 VĐV quyền Anh đạt điều kiện tham dự đấu trường Olympic, ít hơn 1 người so với tuyển quyền Anh của Australia - nơi có số lượng quyền thủ tham dự đông nhất. Tuy vậy, số lượng huy chương mà họ đạt được lại áp đảo hoàn toàn.

Asadkhuja Muydinkhujaev 01_11zon.jpg
Muydinkhujaev ở chung kết hạng 71 kg

Để đạt được những thành công này, phải công nhận là quyền Anh nghiệp dư Uzbekistan đã phát triển mạnh mẽ trong vòng 24 năm trở lại đây. Trước kia, họ chỉ là lực lượng đôi khi thắng 1-2 tấm huy chương ở Thế vận hội, nhưng giờ đây khác hẳn.

Tuy vậy, suýt nữa thì quyền Anh Uzbekistan phải ăn mừng chiến thắng trong “tang tóc”. HLV trưởng của đội tuyển Uzbekistan trong khi vui sướng với chiến thắng của Dusmatov ở trong trận chung kết hạng 51 kg đã bất ngờ bị đau tim.

May mắn thay, các bác sĩ của đội tuyển quyền Anh nước Anh đang đứng gần đó và họ tiến hành sơ cứu ông Tulkin Kilichev. Họ giúp ông tỉnh táo trở lại với máy khử rung tim và hiện tại tình trạng ông đã ổn định.

Sao cũng được, quyền Anh của Uzbekistan hiện đang sống trong những ngày giờ huy hoàng nhất vì đã cống hiến đến 5/8 HCV cho đoàn thể thao Uzbekistan tại Olympic Paris 2024

Các tấm HCV còn lại thuộc về Diyora Keldiyorova - judo hạng 52 kg nữ; Ulubek Rashitov - taekwondo hạng 68 kg nam; và Razambek Zhamalov - vật tự do hạng 74 kg nam). Quả là đất nước giỏi môn thể thao đánh đấm.

Cuba “sa cơ”

Chỉ giành 1 HCV và 1 HCĐ, thua Trung Quốc (3 HCV, 2 HCB)), Đài Bắc - Trung Hoa và (1 HCV, 1 HCĐ) quyền Anh Cuba nếm trải thất bại lớn lao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đây vốn là lần đầu tiên họ đánh mất ngôi vị Nhất toàn đoàn từ 2016 và là lần đầu tiên thắng ít hơn 2 HCV kể từ Olympic Beijing 2008.

Dẫu biết rằng, vị thế của quyền Anh Cuba bị ảnh hưởng rất nhiều bởi thời cuộc và cả sự phát triển của kinh tế - văn hóa - thể thao - xã hội toàn thế giới, nhưng điều này vẫn gây ra buồn bã với những người từng yêu mến các huyền thoại Felix Savon, Teofilo Stevenson...

Tấm HCV duy nhất của quyền Anh Cuba thuộc về Erislandy Álvarez ở hạng cân nhẹ (63,5 kg). Anh này giành chiến thắng sát sao có tỷ số 3-2 trước võ sĩ nước chủ nhà là Sofiane Oumiha...

Erislandy Álvarez.jpg
Alvarez thắng HCV duy nhất

Trước đó, anh thắng bằng KO trước John Ume (Papua New Guinea) ở vòng 32, thắng Juthurga Ait Bekka (Algeria) 5-0 ở vòng 16, thắng Bunjong Sinsiri (Thái Lan) 5-0 ở tứ kết và thắng Lasha Guruli (Georgia) 5-0 ở bán kết.

Quyền Anh nước Mỹ “trắng tay”

Chỉ giành được tấm HCĐ duy nhất, nhờ công của Omari Jones (hạng 71 kg nam), quyền Anh nước Mỹ rơi vào cuộc khủng hoảng kinh khủng nhất, dù rằng “đầu ra” ở quyền Anh chuyên nghiệp của họ vẫn là Số 1 thế giới.

Đây chính vốn là đỉnh điểm của “chuỗi thất vọng” suốt thời gian rất dài vừa qua của quyền Anh nghiệp dư xứ Cờ Hoa. Lần cuối cùng họ thắng HCV, đó là chiến thắng trân quý của nữ võ sĩ Claressa Shields (đang là Nhà vô địch tuyệt đối các hạng cân trung và nặng chuyên nghiệp nữ thế giới). Còn lần cuối họ thắng HCV quyền Anh nam là từ Olympic Athens 2004.

Trung Quốc trở thành thế lực quyền Anh nữ

Với 3 tấm HCV, tất cả đều ở các hạng cân dành cho nữ, bao gồm: Wu Yu (50 kg), Chang Yuan (54 kg) và Li Qian (75 kg), Trung Quốc trở thành thế lực quyền Anh nữ rất đáng ngại tại đấu trường của Thế vận hội.

Wu Yu.jpg
Wu Yu của Trung Quốc

So với kỳ Olympic tại Tokyo, nơi họ chỉ thắng 2 tấm HCB, đây là một bước tiến bộ rất lớn lao và rất đáng khen ngợi. Chiến thắng của Trung Quốc cũng chứng kiến bước thụt lùi của các nữ quyền Anh đến từ Lục địa già, là một thất bại đáng suy ngẫm.

Tin cùng chuyên mục