Olympic Tokyo 2020: Ván cược kiên cường

Đến thời điểm này, sự bất thường lớn nhất của Olympic Tokyo 2020 là việc không có khán giả vào sân xem thi đấu. Đó là tổn thất vô cùng lớn của sự kiện vĩ đại này, đồng thời là một trong những nguyên nhân khiến đa số người dân Nhật Bản không muốn Olympic diễn ra.

Nhưng có lẽ cũng cần phân định rõ: Một Thế vận hội tổ chức trong bối cảnh buồn như vậy, đương nhiên không ai muốn thấy, nhưng không đồng nghĩa Olympic Tokyo 2020 mất đi các ý nghĩa quan trọng nhất của nó. Vào 8 năm trước, người dân Tokyo đã đổ ra đường mừng chiến thắng trong cuộc đua giành quyền đăng cai, giờ đây họ hụt hẫng cũng là lẽ thường tình. Tất cả các chuyến bay rời Tokyo vào buổi sáng 22-7 đều kín chỗ.

Dân thủ đô Nhật Bản quyết định rời thành phố đi nghỉ mát trong khoảng 1 tuần lễ vì không chịu nổi cảnh sống ngay gần sân vận động mà lại xem thi đấu qua truyền hình. CEO của nhà sản xuất nước giải khát Suntory vừa lên CNN than thở việc tài trợ cho Thế vận hội khiến thương hiệu mất giá trị.

Đoàn VĐV Việt Nam tại làng Olympic. Ảnh: TÂM HUYỀN

Với những dẫn chứng ấy, có người tin rằng, khoản đầu tư lên đến 20 tỷ USD của Nhật Bản dành cho Tokyo 2020 đã thất bại. Thực tế chưa hẳn vậy. Có hơn 3 tỷ USD được các công ty Nhật Bản tài trợ cho Tokyo 2020, trong số này, phần lớn kỳ vọng vào lượng khán giả xem truyền hình toàn thế giới chứ không phải là khán giả tại chỗ. Olympic vẫn diễn ra, đồng nghĩa là giá trị bản quyền truyền hình thậm chí còn tăng lên trong bối cảnh mà người dân khắp nơi đang chuyển sang xu hướng ở nhà an toàn.

Các kế hoạch tiếp thị tại chỗ có thể thất bại, nhưng đây là thời đại của truyền thông và mạng xã hội. Theo báo New York Times, các đài truyền hình Mỹ đang có doanh thu bản quyền cao kỷ lục từ Tokyo 2020. Đấy là chưa nói, các thương hiệu tài trợ lớn nhất trong thể thao hiện nay lại đến từ những công ty internet, không phải là tập đoàn sản xuất. Những nhà tài trợ thế hệ mới này, lại ít quan tâm đến lượng khán giả vào sân hay hứng thú của cư dân bản địa.

Sáng 23-7, Olympic Tokyo 2020 đã khai cuộc với môn bắn cung

Đầu tư của Nhật Bản cho Tokyo chưa hẳn lãng phí. Vào 8 năm trước, họ quyết tâm giành quyền đăng cai nhằm chứng tỏ với thế giới một Nhật Bản mạnh mẽ, kiên trường sau thảm họa kép năm 2011. Đúng dịp kỷ niệm 10 năm sau thảm họa, Nhật Bản vẫn còn đó mục đích lớn của mình: Cùng thế giới vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19. Xét ở góc độ nào đó, Nhật Bản đầu tư một lần cho 2 thông điệp có thể sẽ đưa hình ảnh của họ lên một tầm vóc mới. Công trình xây dựng vẫn còn đó, những cuộc tái thiết ở Fukushima, Sendai đã được thực hiện, như chứng nhân cho sự trở lại của một dân tộc kiên cường.

Tin cùng chuyên mục