Võ sĩ quyền Anh mới 20 tuổi này vốn sẽ là quyền thủ Palestine đầu tiên tham dự Thế vận hội mùa Hè sau khi nhận suất wild-card, giờ đây, anh còn đang mơ mộng sẽ mang về tấm huy chương Olympic đầu tiên cho thể thao nước nhà.
“Đây là ước mơ của tôi, từ khi tôi mới có 10 tuổi”, Abu Sal chia sẻ sau khi nhận được giấy mời tham dự Olympic Paris 2024 từ BTC hồi tuần trước, “Mỗi ngày, tôi đều đi ngủ và thức dậy với suy nghĩ cách nào có thể tham gia Thế vận hội”.
Abu Sal sẽ tham gia trận đấu quyền Anh đầu tiên tại Olympic Paris vào ngày 28-7 tới đây, tại Arena Paris Nord. Để chuẩn bị cho chuyến hành trình lịch sử vượt qua rào cản của mình, anh đang phải tập luyện trong điều kiện hạn chế rất khó khăn.
“Sư phụ dạy quyền” của anh, HLV Ahmad Harara (năm nay 32 tuổi) không để đến tận phòng tập và chỉ dạy trực tiếp cho Abu Sal. Ông bị ngăn cản bởi lệnh hạn chế di chuyển của chính quyền Israel, và chỉ có thể chỉ điểm cho “đệ tử” từ xa, qua online.
“Tôi chỉ có thể gặp HLV của mình khi đi du lịch, để tham gia các giải đấu quốc tế”, Abu Sal kể lại về khó khăn của bản thân, “Phòng tập của tôi nằm ở thành phố Ramallah thuộc vùng Bờ Tây bị Israel chiếm đóng, nơi đó có trụ sở của chính quyền Palestine”.
“Còn lại, ông ấy sẽ viết và gửi lịch trình tập huấn cho tôi mỗi ngày, tôi sẽ tập luyện y như vậy vào buổi sáng. Vào mỗi buổi tối, tôi theo tập thêm với HLV Nader Jayousi”, võ sĩ 20 tuổi chia sẻ với phóng viên của AFP.
Về phần mình, HLV Harara thừa nhận, ông hầu như không thể gặp mặt võ sĩ mình đang đào tạo và rèn luyện vì “rào cản chiếm đóng của người Israel ở giữa Bờ Tây và Dải Gaza”, do ông hiện chỉ có căn cước của Dải Gaza mà thôi.
“Do những lý do đó, tôi đành phải giám sát quá trình tập luyện của Abu Sal từ xa vậy”, HLV Harara trần tình về nỗi khổ và hạn chế của mình. “Học online” đương nhiên không thể hiệu quả bằng chỉ giáo trực tiếp, nhất là với các môn thể thao võ thuật - đối kháng.
Thể thao của Palestine, nói chung, cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn trong nỗ lực hòa nhập với cộng đồng quốc tế, đấu trường thế giới và Olympic. Ủy ban thể thao Palestin đã có đại diện tại IOC từ năm 1995, nhưng lại không có tư cách là đại diện một nhà nước.
Có thể nói, Abu Sal đã được “hỗ trợ” rất nhiều từ hệ thống đảm bảo đại diện cho tất cả các quốc gia ở đấu trường Thế vận hội. Không lọt qua vòng đấu loại, anh vẫn giành vé tham dự nhờ vào suất wild-card và đang chờ ngay lên đường làm nên lịch sử.
Với thực tế chính trị tại Bờ Tây, nơi các trạm kiểm soát quân đội của Israel xuất hiện rải rác đây đó và kiểm soát - kiểm tra kỹ càng việc di chuyển của người Palestine, ngay cả việc tập luyện hàng ngày của Abu Sal cũng gặp phải nhiều rắc rối.
“Chính các VĐV ở Bờ Tây cũng không thể dễ dàng đến đây tập cùng tôi”, Abu Sal đã lý giải. Người bạn đấu tập của anh, cũng đang sống tại Ramallah, nặng hơn anh rất nhiều: Hạng 71 kg so với Abu Sal - hạng 54 kg, là một võ sĩ đấu tập “lý tưởng”.
Nhưng ngay cả anh này cũng khó đến gặp Abu Sal thường xuyên. Huống hồ những người ở gần hạng cân với Abu Sal hơn, nhưng lại đang cư trú tại thành phố Jerusalem, ở phía bên kia hàng rào an ninh. Abu Sal không có bạn tập là chuyện bình thường.
“Những vấn đề này khiến cho cả việc tổ chức giải đấu nội bộ cũng khó khăn hơn rất nhiều. Dẫn đến việc các võ sĩ thiếu đi sự cạnh tranh ở trong nước!”, Abu Sal kể tiếp về những khó khăn mà anh đang phải đối mặt.
Loanh quanh trong nội địa còn khó, huống gì xuất ngoại tập luyện và thi đấu. “Nhiều quốc gia từ chối cấp thị thực cho những người có hộ chiếu Palestine, trong thời gian chờ xác nhận lại để thị thực, các giải đấu cứ thế trôi đi”.
Abu Sal chuẩn bị sang Paris. Và đó sẽ là chuyến hành trình khá dài. Từ Ramallah, anh phải đi đường bộ, như anh vẫn thường làm nếu như muốn tranh tài ở nước ngoài, sang Amman của Jordan. Sau đó, từ Amman, anh mới thoải mái hơn, bắt máy bay sang Paris.
HLV Nader Jayousi - Trưởng đoàn Olympic Palestine tại Paris, sẽ cử 7 VĐV tham dự kỳ giải Thế vận hội mùa Hè năm nay trên đất Pháp. Ông này cũng là một cố vấn của Abu Sal. Trong một buổi tập tràn ngập nhạc rap và các bài hát truyền thống Palestin, Jayousi chia sẻ...
“Đây là một khoảnh khắc rất đáng tự hào, không chỉ đối với tôi mà với cả Palestine, khi sẽ có võ sĩ Palestine đầu tiên tham dự môn quyền Anh ở đấu trường Olympic. Nhưng chúng tôi vốn không có quá nhiều võ sĩ giỏi để cho Waseem tập luyện cùng”.
“Đó vốn chính là một thách thức to lớn dành cho tất cả chúng tôi, vì xét cho cùng, sắt sẽ mài ra sắt”, ông Jayousi thừa nhận ông có cùng mối quan ngại như của Abu Sal trong việc người Palestine thiếu võ sĩ cùng cọ sát để tiến bộ.
Hiện tại thì, thách thức lớn nhất chính là cuộc chiến Dải Gaza. Nhiều người Palestine đã chết vì cuộc chiến này, trong đó có các VĐV hoặc người thân của họ. Jayousi chỉ ra trường hợp một HLV thiệt mạng sau một vụ không kích, một võ sĩ mất đi chú ruột, người khác bị hư mất một mắt do mảnh đạn văng trúng.
“Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến các võ sĩ của chúng tôi. Vì là ngày nào, chúng tôi cũng nhận lấy những tin tức liên quan đến đồng nghiệp chết đi, rồi người thân qua đời. Rất khó để tập trung tập luyện”.
Nhưng khi Thế vận hội đang đến rất gần, quyết tâm: “Tập luyện, ăn và ngủ” của Abu Sal đã được củng cố khi anh nhận suất wild-card. Anh thậm chí còn hy vọng chiến đấu giành Vàng: “Tôi cảm thấy như cuộc sống đã quay trở lại”.