Nhưng mà, tất cả “những chi tiết - thành tích - con số” đó, không thể phản ánh được thực chất con người của anh. Nó cũng không được ghi trên bia mộ của anh, khi anh bước sang bên kia thế giới. Cho dù có thắng bất kỳ thứ gì, là 21 danh hiệu Grand Slam (và con số đó, nếu có, hẳn vẫn chưa dừng lại), là “Calender Grand Slam” ư? Djokovic cũng không thể hạnh phúc hơn nếu không có gia đình, người thân, bạn bè bên cạnh mình, và sống cuộc sống cống hiến.
Djokovic chia sẻ khi trả lời phỏng vấn New York Times: “90% người dân trên hành tinh này, nếu bạn hỏi họ đâu là thứ quan trọng nhất trong cuộc đời, họ sẽ nói đó là gia đình, tình yêu, sức khỏe và hạnh phúc. Vì vậy, tôi sẽ nói về 4 điều đó, và tôi còn muốn nói thêm rằng, tôi muốn trở thành một người cha, người chồng tốt nhất trong khả năng có thể của mình”.
“Và tôi cũng muốn được mọi người nhớ đến như là một người luôn cho đi, là một người luôn quan tâm đến người khác và có thể để lại dấu ấn, truyền cảm hứng cho mọi người bằng cách sống một cuộc sống trọn vẹn nhất. Với tôi, đó chính là định nghĩa về việc tôi muốn nhìn lại cuộc đời mình - vào những ngày cuối cùng… của cuộc sống này!”, Djokovic tâm sự.
Khi được hỏi, nếu chết đi, liệu anh có muốn trên văn bia ghi dòng chữ: “Nơi đây an nghỉ người đã từng thắng các danh hiệu Grand Slam quần vợt”, Djokovic lắc đầu quầy quậy và nói rất dứt khoát: “Không, không, không! Ai đó sẽ đến thăm mộ của tôi và nhìn vào đó, tôi không muốn ở trên đó viết như thể anh ấy là tay vợt giỏi nhất, thành công nhất trong lịch sử quần vợt thế giới. Đương nhiên, đó là thứ rất, rất quan trọng trong cuộc đời của tôi, và là thứ mà tôi vẫn đang nỗ lực cống hiến. Nhưng nếu như mà tôi phải đặt nó lên bàn cân để so sánh thứ nào là quan trọng hơn, thì đối với tôi, đó là một điều không cần phải bàn cãi hay là suy nghĩ…”.
Tuy nhiên, cho dù có như vậy, anh “mãi mãi không được yêu mến bằng Federer và Nadal”. Anh không có được sự “quý phái và sang trọng” như Federer, không có sự “chuyên cần và bền bỉ” của Nadal. Anh đến từ Serbia, đất nước từng bị phương Tây xem là “Hiện thân của cái Ác”, và chất quái trong tính cách, trong lối chơi của Djokovic, khiến anh, dù tự cho đi rất nhiều, dù đã cống hiến nỗ lực rất nhiều, vẫn không được tất cả mọi người đều công nhận.
Huyền thoại quần vợt Croatia - Goran Ivanisevic, người đang làm việc với Novak Djokovic trong vai trò HLV (và ban đầu, mối quan hệ của họ bị người Croatia, người Serbia phản đối quyết liệt vì những mâu thuẫn về sắc tộc - tôn giáo - lãnh thổ, của 2 dân tộc chưa bao giờ ngưng nghỉ theo thời gian) nhận xét: “Tôi hiểu những khi cậu ấy hò hét trên sân đấu. Chúng tôi đều đến từ vùng Balkan, vì thế chúng tôi có đôi chút “đa cảm - máu lửa” hơn so với những người khác”. |
Tay vợt nữ trẻ 20 tuổi Olga Danilovic, người từng gặp bế tắc trong trận đấu với Petra Martic ở vòng 1 tại Australian Open hồi đầu năm nay, nhưng sau khi phát hiện ra Djokovic đang quan sát cô thi đấu, liền hừng hực lửa tự tin và lật đổ đối thủ hạt giống số 16, có nói: “Người ta phán xét một cuốn sách qua trang bìa của nó, và trong trường hợp này, thật sự là sai lầm. Với tôi, anh ấy là một trong những người vĩ đại nhất thế giới. Anh ấy mang lại cho bạn sự ủng hộ khi bạn cần nhất, và bạn luôn có thể trông thấy tinh thần chiến đấu hừng hực của anh”.