Trước khi lọt đến trận đấu chung kết thứ 9 (cũng là một kỷ lục) tại thành Paris, Djokovic đã trải nghiệm các kết quả hú vía khi tao ngộ những đối thủ khó nhằn ở các vòng đấu trước đó.
Anh chật vật vượt qua Holger Rune (Đan Mạch) với điểm số 7-5, 6-7 (3-7), 6-4 ở tứ kết và tại bán kết, anh ngược dòng thắng Andrey Rublev (Nga) 5-7, 7-6 (7-3), 7-5 trong trận đấu anh miêu tả đối thủ “như là con rắn luôn siết chặt con ếch đến nghẹt thở.
Tuy vậy, đối mặt với một Dimitrov hay nhất trong 6 năm trở lại đây, bản lĩnh vẫn giúp Novak có kết quả rất rõ ràng, thậm chí khá dễ dàng, chiến thắng chỉ sau 2 ván đấu với 98 phút đồng hồ thi đấu, khiến đối thủ thất vọng đến tuyệt vọng!
“Thật không thể tin nổi. Để giành chiến thắng chung cuộc sau một số hoàn cảnh rõ ràng khó khăn của tôi trong suốt tuần này. Về cơ bản, tôi đã quay trở lại sau khi ở bờ vực thất bại trong 3 trận đấu liên tiếp vào thứ Năm, thứ Sáu, thứ Bảy”.
“Tôi đã suýt để thua các trận đấu đó, nhưng bằng một cách nào đó, tôi đã tìm được hộp số bổ sung khi cần thiết”, Djokovic chia sẻ.
“Hôm nay, tôi nghĩ cả 2 chúng tôi đều chơi khá chặt chẽ ngay từ đầu. Tôi có thể thấy rằng là, đối thủ của tôi có chút hụt hơi. Bản thân tôi cũng vậy, nhưng bằng cách nào đó, tôi vẫn có thể tìm thêm một cú đánh qua lưới”.
“Tôi nghĩ, trận đấu sát sao hơn so với kết quả hiển thị trên bảng điểm tỷ số, nhưng đó lại là một chiến thắng đáng kinh ngạc khác của tôi. Tôi rất tự hào với kết quả này, sau khi xem xét đến những gì tôi đã trải qua nguyên tuần”.
Giành lấy danh hiệu thứ 7 tại Paris Masters - cũng có nghĩa là Djokovic đã chạm tay vào cột mốc sở hữu 40 ngôi vô địch đẳng cấp Masters 1.000. So với thành tích sở hữu 24 danh hiệu Grand Slam, kỷ lục này thậm chí còn khó hơn.
Với 40 ngôi vô địch Masters 1.000, Djokovic rất xứng đáng trở thành “Nhất đại Tông sư” hệ giải đấu chỉ xếp dưới Grand Slam trong quần vợt chuyên nghiệp. Người xếp gần Djokovic nhất là Rafael Nadal, “chỉ có vỏn vẹn” 36 danh hiệu Masters 1.000, và khả năng sẽ là thành tích cuối cùng!
Chiến thắng của Djokovic diễn ra trong bối cảnh Dimitrov khát khao giành chiến thắng. Vì lâu lắm rồi, “lãng tử người Bulgaria” mới lại chơi hay đến như vậy và có một cơ hội hiếm hoi khác giành lấy danh hiệu lớn nhất sự nghiệp của mình.
Trước trận đấu chung kết, Dimitrov từng nói anh không hề hối hận với những gì đã trải qua, đã làm qua (đơn giản khi anh được kỳ vọng trở thành một tay vợt lớn nhưng không thể), tuy vậy, những giọt nước mắt tiếc nuối trước buổi trao giải trong đêm chung kết, hẳn sẽ có cả ít nhiều hối hận.
Dimitrov khóc hẳn ít nhiều vì hối hận, nhưng không có thuốc chữa "hối hận" ở trên đời |
Hối hận, vì nếu biết chăm lo - cháy hết mình cho sự nghiệp thời trẻ của mình, anh sẽ không phải dốc cạn sức lực và vốn liếng ở những ngày tháng cuối cùng của sự nghiệp với cái mong muốn tranh đoạt vinh quang với “kẻ tham lam chiến thắng” như là Djokovic.
Djokovic, sẽ được mãi nhớ như là “GOAT” của làng quần vợt thế giới, là Kỷ lục gia của hệ giải Grand Slam và “Nhất đại Tông sư” của hệ giải Masters 1.000.
Còn Dimitrov, anh đã khiến các khán giả Paris xúc động và vỗ tay động viên khi rơi nước mắt sau trận đấu chung kết, nhưng sau này, sẽ chẳng ai nhớ những giọt lệ đắng cay.
Gió rồi sẽ thổi khô cả hình bóng của Dimitrov khỏi đấu trường ATP Tour, chỉ còn lại tượng đài Djokovic đứng sừng sững đến muôn đời, dù cho có bị nhiều ghét bỏ, thì có thế nào!