Tính ra, từ khi giành quyền trở lại đá V-League đến nay, chỉ trong vòng 1 năm, đội bóng do cựu tiền đạo Lê Công Vinh làm Chủ tịch đã thay thế và bổ sung gần 40 con người. Để phát triển nhanh, thay thế là con đường đi ngắn nhất. Hiệu quả thì còn phải chờ, nhưng trước mắt mục tiêu của CLB TPHCM đã chuyển từ trụ hạng sang tốp 3 với những bổ sung chất lượng, như cựu HLV đội tuyển Việt Nam Toshiya Miura, 3 ngoại binh đẳng cấp cao và hàng loạt tuyển thủ quốc gia.
Cách làm này, về cơ bản thì không mới mẻ. Cũng đã có những mô hình thành công như trường hợp “Chelsea Việt Nam” Becamex Bình Dương hay Dream Team HA.GL. Thế nhưng, bên cạnh đó cũng chẳng thiếu các bài học như Navibank Sài Gòn, Xuân Thành Sài Gòn, hay cận kề nhất là FLC Thanh Hóa. Nghĩa là việc tung tiền ra để xây dựng lực lượng nhanh chóng không bảo đảm được điều gì chắc chắn.
Mặt khác, đây lại không phải là mô hình phù hợp với tình hình hiện nay. Đội bóng vừa vô địch V-League 2017 là Quảng Nam, vốn không giàu mạnh về con người lẫn tài chính. Các nhà vô địch từ năm 2011 đến nay như SLNA, Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng, thậm chí là B.Bình Dương, đều dựa trên nội lực tại chỗ của mình sau thời gian “phát triển nóng” của V-League.
Một số đội như Sài Gòn FC, Khánh Hòa cũng chơi rất tốt dù hầu như không có ngôi sao. Trong khi đó, FLC Thanh Hóa chính là ví dụ tiêu biểu cho sự lạc hậu của mô hình này trong bối cảnh bóng đá Việt Nam hiện tại. Xu hướng sử dụng cầu thủ trẻ do mình đào tạo mới là cách làm thích hợp cả về hiện nay lẫn lâu dài.
Nhìn ở góc độ rộng hơn, cách làm của CLB TPHCM có vẻ như đi ngược với quan điểm phát triển mà bóng đá Việt Nam đang cố gắng điều chỉnh. Hãy nhìn sang bóng đá Thái, điều đầu tiên mà các CLB chuyên nghiệp của họ làm, bắt đầu từ sân bóng. Nó phải hiện đại, gần gũi và tạo ra được không khí bóng đá, cho dù chỉ là quy mô vài ngàn chỗ ngồi. Nó phải bắt đầu từ việc phục vụ khán giả, tạo sự kết nối giữa CĐV và cầu thủ trước khi nghĩ đến yếu tố thành tích.
Chuyện thắng nhanh một danh hiệu đương nhiên cũng là yếu tố quan trọng, nhưng cứ nhìn Hà Nội T&T thì rõ, thành tích chưa nói lên được gì. Không phải tự nhiên mà công tác sân bãi, CĐV luôn được xem là tiêu chí để AFC cấp quyền dự Champions League cho các nền bóng đá. Năm nay, tân vô địch V-League Quảng Nam không đủ điều kiện đá Cúp châu Á (FLC Thanh Hóa thay thế) cũng vì lý do này. Đáng tiếc là ở Việt Nam, hiện chỉ mới có HA.GL là đội bóng chăm chút cho sân bãi, CĐV và tuyến trẻ bài bản nhất.
Câu hỏi đặt ra: Với một đội bóng hoàn toàn mới, nhiều ngôi sao thì liệu CLB TPHCM có thể lấp đầy các khoảng trống trên khán đài sân Thống Nhất, có thu hút được người xem trên truyền hình, YouTube hay không? Liệu việc bổ sung lực lượng mạnh mẽ ấy sẽ giúp họ thắng được V-League mùa này hay mùa tới không? Và liệu sau khi đã đầu tư quá nhiều tiền nhưng sân vẫn trống, danh hiệu vẫn không đến thì sự tồn tại của CLB TPHCM sẽ đi theo hướng nào? Tại sao nguồn tiền ấy lại không bắt đầu từ sân bãi hay đào tạo trẻ?
Rõ ràng, việc thay mới đội hình đến 2 lần chỉ trong vòng 1 năm đã lộ ra sự nóng vội ấy, nên dù lạc quan đến mấy cũng khó nghĩ đến chuyện lâu dài.