> Điền kinh Việt Nam làm mới lực lượng với 70 tuyển thủ
Khi VĐV được dự báo khó tranh chấp huy chương
Sau khi xem xét chuyên môn, bộ môn điền kinh (Cục TDTT) và Liên đoàn điền kinh Việt Nam không tập trung tuyển thủ tại tổ nội dung 10 môn phối hợp nam và 7 môn phối hợp nữ trong năm 2025. Dựa trên thực tế về con người là VĐV của tổ nội dung này từ kết quả thi đấu tại giải điền kinh vô địch quốc gia 2024, quyết định không tập trung năm 2025 được đưa ra.
Đại diện bộ phận chuyên môn Liên đoàn điền kinh Việt Nam xác nhận nội dung 10 môn phối hợp nam và 7 môn phối hợp nữ là đặc thù. Tuy vậy, chúng ta phải dự báo được khả năng tranh huy chương cao nhất khi điền kinh Việt Nam dự SEA Games 33-2025. Bằng không, ban huấn luyện không tập trung VĐV để tập luyện duy trì.
Duy nhất 1 tuyển thủ của nhóm 7 môn phối hợp nữ có tên tại danh sách đội tuyển điền kinh Việt Nam năm 2025 là Hoàng Thanh Giang. Tuy nhiên, nữ tuyển thủ trên còn có sở trường trong nội dung nhảy xa và đủ khả năng tranh huy chương SEA Games 33-2025 nên đội tuyển điền kinh Việt Nam sẽ tận dụng để cô song hành thi đấu tranh kết quả huy chương tốt nhất. Tại giải điền kinh vô địch quốc gia 2024, Thanh Giang giành HCV nội dung 7 môn phối hợp nữ còn phía nam là Nguyễn Bá Bình. Dẫu vậy điểm số họ đạt được vẫn còn thấp.
Tại SEA Games 32, VĐV giành HCV nội dung 10 môn phối hợp nam là Sutthisak Singkhon (Thái Lan, 7468 điểm) còn HCV 7 môn phối hợp nữ là Nguyễn Linh Na (Việt Nam, 5403 điểm). Kết quả thi đấu của Bá Bình tại giải vô địch quốc gia 2024 chỉ là 6.715 điểm (trong khi VĐV từng giành HCĐ tại SEA Games 32 đã đạt 6891 điểm) nên nhận dự báo khó tranh chấp được huy chương tại SEA Games chứ chưa nói đến khả năng lọt tốp đầu.
Sẽ phải làm lại
Nguyễn Bá Bình, Bùi Văn Sự, Lương Minh Sang là 3 VĐV ưu thế nhất của điền kinh Việt Nam trong nội dung 10 môn phối hợp. Về nữ, 3 gương mặt dẫn đầu hiện tại là Hoàng Thanh Giang, Nguyễn Lan Anh và Bùi Thị Khỏe.
Tuyển thủ Nguyễn Linh Na đã thi đấu vượt trội, giành HCV cho điền kinh Việt Nam trong nội dung 7 môn phối hợp nữ tại SEA Games 31, 32. Tuy nhiên sau năm 2023, cô đã lập gia đình rồi sinh em bé nên gần như giã từ sự nghiệp VĐV để chuyển hướng khác đối với chuyên môn.
Khoảng trống do Linh Na để lại trong nội dung 7 môn phối hợp nữ rất lớn với đội tuyển điền kinh Việt Nam.
Thanh Giang được đánh giá có triển vọng nhưng giới chuyên môn phân tích kỹ rằng cô đang ở khả năng tranh chấp chưa vượt trội giống Linh Na nên phải rất nỗ lực mới chạm tay được vào huy chương SEA Games 33-2025.
Đối với nam, các VĐV kinh nghiệm của 10 môn phối hợp như Bùi Văn Sự, Lương Minh Sang đã không còn thể lực sung mãn sau những chấn thương dai dẳng. Bây giờ, tổ nội dung này sẽ tìm lực lượng mới cho tương lai.
Năm 2023, lần đầu tại giải điền kinh vô địch quốc gia, nhà quản lý cho phép tổ chức thêm nội dung 8 môn phối hợp trẻ dành cho nam và 7 môn phối hợp trẻ dành cho nữ để hướng đến mục tiêu tìm gương mặt mới. Khi đó cả 2 nội dung ghi nhận 11 VĐV đã tham gia (5 nam, 6 nữ). Tổng trọng tài giải điền kinh vô địch quốc gia 2024 – ông Nguyễn Đức Nguyên từng phân tích: “Nội dung 10 môn phối hợp nam và 7 môn phối hợp nữ có đặc thù riêng mà ở đó từng VĐV phải là người hoàn thiện nhất trong các nội dung. Chúng tôi đánh giá nếu điền kinh Việt Nam tập trung làm lại nội dung này thì vẫn có được VĐV đủ khả năng tranh huy chương tại SEA Games trong thời gian tới”.
Bài tiếp: Nguyễn Thị Oanh vẫn là tuyển thủ chủ lực của điền kinh Việt Nam